Sri Lanka kêu gọi đưa hạt vi nhựa vào nhóm hàng hóa nguy hiểm

30/11/2021 - 14:46

PNO - Mỗi năm, hàng trăm ngàn tấn hạt vi nhựa bị đổ vào lòng đại dương, trôi dạt theo các dòng hải lưu và dọc theo các bờ biển, gây ra tổn hại nghiêm trọng cho môi trường sinh thái. Điều đáng quan ngại là những hạt nhựa này hiện chưa được xếp vào nhóm hàng hóa độc hại.

Khi con tàu container có tên X-Press Pearl bốc cháy và chìm ở Ấn Độ Dương vào tháng 5/2021, Sri Lanka đã cảnh báo rằng 350 tấn dầu nhiêu liệu nặng (FO) từ con tàu này sẽ tràn ra đại dương, gây ra thảm họa môi trường cho các rạn san hô tự nhiên, và tác động đến nghề đánh cá của nước này.

Những hạt nhựa bên trong một con cá chết dạt vào bờ biển gần Wellawatta, Sri Lanka
Những hạt nhựa bên trong một con cá chết dạt vào bờ biển gần Wellawatta, Sri Lanka

Sự cố nói trên đã được Liên Hiệp Quốc (LHQ) xếp vào loại “tai nạn hàng hải tồi tệ nhất” của Sri Lanka. Nhưng theo tổ chức này, tác động lớn nhất của nó không phải từ việc dầu FO hay các hóa chất nguy hiểm trên tàu - như axit nitric, xút (caustic soda) và methanol tràn ra biển - mà chính là từ việc làm đổ 87 container chứa đầy các “hạt vi nhựa” (những hạt nhựa có kích thước nhỏ bằng hạt đậu lentil) vào lòng đại dương.

Sau tai nạn này, các hạt vi nhựa với số lượng lên đến hàng tỷ đã trôi dọc theo bờ biển dài hàng trăm cây số của Sri Lanka, và dự kiến ​​sẽ dạt vào đất liền qua các đường bờ biển Ấn Độ Dương từ Indonesia, Malaysia đến Somalia.

Ở một số nơi, những hạt vi nhựa nằm ở độ sâu 2m từ mặt nước biển gần bờ. Chúng cũng đã được tìm thấy trong xác của những con cá heo đã chết. Theo báo cáo của LHQ, khoảng 1.680 tấn hạt vi nhựa đã được thải xuống đại dương, và đây là vụ tràn nhựa lớn nhất trong lịch sử.

Năm 2020, cũng đã có ít nhất 2 vụ tràn hạt nhựa ra lòng đại dương. Ở vùng Biển Bắc, một container trên con tàu chở hàng MV Trans Carrier đã bị vỡ, làm đổ 10 tấn hạt vi nhựa xuống biển và trôi dạt vào bờ biển ở Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy.

Tại Nam Phi, một vụ tràn hạt nhựa khác đã xảy ra vào tháng 8/2020, sau một vụ tai nạn vào năm 2018, làm ảnh hưởng đến khoảng 2.000km bờ biển. Chỉ 23% trong số 49 tấn hạt nhựa bị đổ xuống biển đã được thu hồi.

Các nhân viên hải quân Sri Lanka dọn dẹp một bãi biển bị ô nhiễm do ‘vượt rào’ trong vụ tràn nhựa lớn nhất trong lịch sử của nước này, từ thảm họa tàu container X-Press Pearl.
Hải quân Sri Lanka dọn dẹp một bãi biển bị ô nhiễm do hạt vi nhựa trong vụ tràn dầu lớn nhất trong lịch sử của nước này, từ thảm họa tàu container X-Press Pearl

Hạt vi nhựa là các hạt nhựa nhỏ có thể được làm bằng polyethylene, polypropylene, polystyrene, polyvinyl clorua và các loại nhựa khác. Khi được thải ra môi trường từ các nhà máy nhựa hoặc khi được vận chuyển khắp thế giới dưới dạng nguyên liệu thô đến các nhà máy, chúng sẽ chìm hoặc nổi, tùy thuộc vào mật độ các hạt và ở trong nước ngọt hay nước mặn.

Trong môi trường bên ngoài, chúng phân thành các hạt nano vốn có độc tính khá cao. Trong lòng đại dương, các hạt vi nhựa là chất gây ô nhiễm có nồng độ thấp (micropollutant) đứng thứ 2 xét theo trọng lượng, chỉ sau bụi lốp xe. Hàng năm, 230.000 tấn nhựa vi hạt được thải ra các đại dương trên thế giới.

Chim biển, cá và các động vật hoang dã khác thường nhầm hạt vi nhựa là thức ăn. 

Giống như dầu thô, hạt vi nhựa là chất ô nhiễm khó phân hủy, và có thể trôi dạt theo các dòng hải lưu và dạt vào bờ biển trong vài chục năm. Hạt vi nhựa cũng là “bọt biển độc hại”, hút các chất độc hóa học và các chất ô nhiễm khác bám trên bề mặt của chúng.

“Bản thân các hạt vi nhựa này là một hỗn hợp các chất hóa học và chúng cũng là nhiên liệu hóa thạch. Chúng hoạt động như bọt biển độc hại, vì có rất nhiều hóa chất có hại trong lòng biển - như trường hợp của Sri Lanka - do kỵ nước nên đã bám trên bề mặt của những hạt vi nhựa này”, ông Tom Gammage - một quan chức của Cơ quan Điều tra môi trường (EIA), một tổ chức vận động vì môi trường quốc tế - giải thích.

Tuy nhiên, không giống như dầu hỏa, dầu diesel và xăng, hạt vi nhựa không bị đưa vào danh mục hàng hóa nguy hiểm của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), mặc dù tác hại của nó đối với môi trường đã được biết đến trong 30 năm qua, theo một báo cáo năm 1993 của Cơ quan Bảo vệ môi trường thuộc chính phủ Mỹ.

Hiện, các nhà bảo vệ môi trường đang hợp lực với chính phủ Sri Lanka nhằm tạo ra sự thay đổi trong quy định nói trên, từ thảm họa tàu X-Press Pearl.

Nhân cuộc họp của Ủy ban Bảo vệ môi trường biển thuộc IMO tại Luân Đôn, Anh, dự kiến diễn ra trong tuần này, Sri Lanka đã kêu gọi đưa hạt vi nhựa vào nhóm hàng hóa nguy hiểm, và đã thu hút được sự ủng hộ của công chúng, với hơn 50.000 người đã ký vào bản kiến ​​nghị.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI