Sri Lanka cấm phụ nữ mặc burqa, đóng cửa hơn 1.000 trường học

14/03/2021 - 09:38

PNO - Sri Lanka sẽ cấm phụ nữ mặc trang phục che kín đầu và mặt (tức burqa theo tiếng Ả Rập) và đóng cửa hơn 1.000 trường học Hồi giáo, Bộ trưởng An ninh công cộng của nước này cho biết hôm thứ Bảy (13/3). Động thái này được cho sẽ tác động mạnh đến cộng đồng Hồi giáo vốn chiếm thiểu số tại quốc gia này.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Sarath Weerasekera, Bộ trưởng An ninh công cộng của Sri Lanka cho biết hôm thứ Sáu tuần này ông đã ký thông qua một sắc lệnh chính thức cấm mặc burqa, một loại trang phục che kín đầu và mặt mà một số phụ nữ theo Hồi giáo thường sử dụng, vì các lý do “an ninh quốc gia”.

Một phụ nữ Hồi giáo mặc áo burqa đi dạo ở Colombo, Sri Lanka - Ảnh: AP
Một phụ nữ Hồi giáo mặc áo burqa đi dạo ở Colombo, Sri Lanka - Ảnh: AP

“Trước đây, phụ nữ hay các cô gái theo đạo Hồi chính thống không bao giờ mặc burqa. Trang phục này là một biểu tượng của tín ngưỡng cực đoan và chỉ mới phát sinh gần đây. Chúng tôi nhất định phải cấm việc sử dụng nó”, Weerasekera giải thích.

Năm 2019, Sri Lanka, quốc gia có đa số dân theo đạo Phật đã tạm thời cấm mặc burqa sau khi xảy ra các vụ nổ bom ở nhiều nhà thờ và trường học do quân đội Hồi giáo thực hiện, làm hơn 250 người thiệt mạng. 

Vào cuối năm này, Gotabaya Rajapaksa, nhân vật được biết đến nhiều nhất vì đã đánh bại cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập kỷ ở miền Bắc Sri Lanka ở vai trò Bộ trưởng Quốc phòng, đã được bầu làm tổng thống sau khi hứa hẹn sẽ xóa bỏ chủ nghĩa cực đoan. Rajapaksa đã bị cáo buộc lạm quyền sâu rộng trong chiến tranh nhưng ông đã phủ nhận lời cáo buộc này.

Weerasekera cho biết thêm chính phủ Sri Lanka cũng dự định sẽ đóng cửa hơn 1.000 trường học Hồi giáo mà ông cho rằng đang công khai xem thường chính sách giáo dục quốc gia. “Không ai được phép mở trường và muốn dạy bất cứ điều gì cho trẻ em thì dạy”, Weerasekera nói.

Trước khi đưa ra lệnh cấm mặc burqa, hồi năm ngoái chính phủ Sri Lanka cũng đã ban hành một sắc lệnh yêu cầu các nạn nhân bị tử vong vì COVID-19 phải được hỏa thiêu, một quy định được cho là đi ngược lại với mong muốn mai táng cho người thân của người theo Hồi giáo. Đầu năm nay, trước sự chỉ trích của Mỹ và các nhóm nhân quyền, sắc lệnh này đã được bãi bỏ.

Nhất Nguyên (theo Reuters/CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI