Spotlight (Tiêu điểm): Câu chuyện về sự lựa chọn dấn thân

25/06/2024 - 06:28

PNO - Với cách kể chuyện điềm tĩnh và chân thực, "Spotlight" khắc họa một cách sắc nét nỗ lực không mệt mỏi của những nhà báo dũng cảm tại The Boston Globe.

Họ đã đào sâu hơn bản chất của vấn đề để tìm ra sự thực, giúp mang lại công lý cho nhiều nạn nhân và chứng minh sức mạnh to lớn của báo chí trong hành trình đấu tranh vì lẽ phải.

Từ câu chuyện có thật về vụ án lạm dụng trẻ em suốt nửa thế kỷ, đạo diễn Tom McCarthy đã mang đến những thông điệp về sự dấn thân, can đảm; về nguyên tắc báo chí cẩn trọng, đầy đủ, chính xác và tuyệt đối tôn trọng sự thật. Bộ phim cũng mở ra những suy nghĩ sâu sắc về trách nhiệm và đạo đức của người cầm bút, với niềm tin về một nền báo chí nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực cho xã hội.

Poster phim
Poster phim

Hành trình tìm kiếm sự thật

Năm 2002, thành phố Boston chấn động bởi loạt bài điều tra của nhóm phóng viên Spotlight từ tờ The Boston Globe. Loạt phóng sự đã phơi bày những bí mật đen tối khủng khiếp bị che giấu suốt nhiều thập niên: hàng trăm đứa trẻ đã bị lạm dụng tình dục bởi hàng chục linh mục trong nhà thờ tại Boston.

Sự việc kéo dài từ năm 1976 nhưng phải đến 25 năm sau, vào năm 2001, khi Marty Baron - Tổng biên tập mới của tờ The Boston Globe đọc được mẩu tin về vụ án của John Geoghan - tay linh mục bị cáo buộc lạm dụng tình dục nhưng dễ dàng thoát tội - đã ngay lập tức đặt ra các câu hỏi cho những phóng viên của tòa soạn: “Tại sao vụ án bị khép lại khi chưa thực sự được điều tra đến nơi đến chốn và Globe đã thực sự đặt câu hỏi cho tòa án để tìm ra chân tướng sự việc hay chưa?”.

Ngay trong ngày đầu tiên nhận việc, Marty Baron đã giao cho những cộng sự của mình một nhiệm vụ gần như là lời thách thức với tất cả, khi phải đối đầu với một thế lực gần như tối thượng lúc bấy giờ - Giáo hội Công giáo. Nhóm điều tra của The Boston Globe được thành lập với tên gọi Spotlight, gồm các nhà báo Walter Robinson, Michael Rezendes, Sacha Pfeiffer, Matt Carroll và Ben Bradlee Jr. có nhiệm vụ lật lại toàn bộ vụ án về hành vi lạm dụng tình dục của các linh mục xứ Boston.

Quá nhiều khó khăn gần như đã có lúc khiến các nhà báo muốn bỏ cuộc. Sức ảnh hưởng lớn của nhà thờ khiến các tài liệu mật và chứng cứ liên quan trở nên vô cùng khó tiếp cận. Sau một thời gian dài, nhiều nạn nhân đã gần như tuyệt vọng và trở nên sợ hãi, né tránh; nhiều đứa trẻ bị lạm dụng tình dục trở nên mất lòng tin, tìm đến thuốc phiện, chất kích thích, thậm chí tự tử.

Bộ phim là câu chuyện truyền cảm hứng mãnh liệt đến những người theo đuổi công việc báo chí hoặc quan tâm đến báo chí
Bộ phim là câu chuyện truyền cảm hứng mãnh liệt đến những người theo đuổi công việc báo chí hoặc quan tâm đến báo chí

Tuy nhiên, càng đào sâu, những sự thật khủng khiếp càng được hé lộ, quá trình gặp gỡ nạn nhân là những câu chuyện đau xót khiến các phóng viên của Spotlight không thể dừng lại. Họ phát hiện ra những vụ việc bao che có hệ thống và những đồng lõa đáng sợ: hàng chục linh mục đã lạm dụng hàng trăm trẻ em trong suốt nhiều năm và Giáo hội đã cố tình che giấu sự thật, chuyển các linh mục phạm tội từ giáo xứ này sang giáo xứ khác để tránh bị phát hiện.

Với tiếng nói không khoan nhượng, loạt phóng sự của Spotlight đã giúp hàng trăm nạn nhân được cứu rỗi khỏi quá khứ kinh hoàng. Toàn bộ bản chất của sự việc bị phanh phui đã gây chấn động toàn cầu, buộc Giáo hội Công giáo phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Hàng loạt linh mục bị buộc tội và kết án, các giám mục phải từ chức, Giáo hội phải bồi thường hàng triệu USD cho các nạn nhân. Vụ việc này không chỉ phơi bày tội ác của một số cá nhân mà còn vạch trần sự tha hóa và thiếu trách nhiệm của một tổ chức tôn giáo lớn.

“Chúng ta có trách nhiệm theo đuổi sự thật, bất kể nó dẫn chúng ta đến đâu. Chúng ta phải làm điều đó với sự công bằng và lòng can đảm” - Tổng biên tập Martin Baron ngoài đời nói trong bài phát biểu khi nhận giải thưởng Thành tựu trọn đời từ Hiệp hội Tin tức Trực tuyến (ONA) vào năm 2016, về công việc của mình, trong đó, ông có nhắc đến cuộc điều tra về lạm dụng tình dục gây chấn động nọ.

7 năm sau, câu chuyện chấn động đó được đạo diễn Tom McCarthy tái hiện trên màn ảnh rộng qua bộ phim: Spotlight (tên tiếng Việt: Tiêu điểm). Không cần đến những cảnh quay hoành tráng hay những yếu tố đau đớn lấy nước mắt, bộ phim chinh phục khán giả bằng lối kể chuyện tối giản, điềm tĩnh nhưng vô cùng chân thực. Chỉ với những lát cắt sắc sảo, bộ phim khắc họa rõ nét sự đấu tranh khốc liệt, sự dấn thân và cả những giằng xé nội tâm của người làm báo trong hành trình đi tìm sự thật.

Trailer phim Spotlight:

“Chúng tôi chỉ làm công việc của mình!”

Kịch bản của Spotlight do Tom McCarthy và Josh Singer - những biên kịch nổi tiếng của Hollywood - viết. Trong quá trình thực hiện kịch bản, 2 nhà làm phim đã làm việc chặt chẽ nhiều ngày với nhóm Spotlight, nghiên cứu tài liệu và gặp gỡ những người trong cuộc để giữ tính chân thực của câu chuyện, đảm bảo rằng các tình tiết và lời thoại đều phản ánh đúng những gì đã diễn ra. “Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian với các phóng viên, với những người còn sống, với các luật sư, với những người ủng hộ các nạn nhân. Chúng tôi muốn tái hiện mọi thứ thật chính xác” - đạo diễn Tom McCarthy chia sẻ.

Các nhà sản xuất cũng chú trọng việc tái tạo chính xác môi trường làm việc của nhóm Spotlight. Ê kíp đã kỳ công xây dựng lại văn phòng của The Boston Globe một cách chi tiết, từ cách bài trí bàn làm việc, máy tính… đến các tấm bảng ghi chú. Phim được hoàn thiện qua nhiều lần chỉnh sửa để đảm bảo chính xác và tôn trọng sự thật đến từng chi tiết.

Từ những ý tưởng ban đầu hết sức nhân văn và ý nghĩa về công việc báo chí, thay vì các ngôi sao phòng vé, những người làm phim lựa chọn những diễn viên có thực lực và phù hợp nhất với tinh thần của bộ phim như Mark Ruffalo, Liev Schreiber, Michael Keaton, Rachel McAdams, John Slattery, Brian d'Arcy James… Với sự thể hiện hết sức tinh tế, tất cả đã làm nên một Spotlight hoàn hảo, gây ấn tượng mạnh mẽ trên toàn cầu.

Bộ phim là câu chuyện về những nỗ lực không ngừng của cả một tập thể, không ai trở thành “siêu sao”, đó là sự kết hợp ăn ý của quá trình tác nghiệp chính xác đến từng mắt xích nhỏ. Để đến được với bản chất sâu xa nhất của sự việc, đôi khi các nhà báo phải trải qua quá trình đấu tranh và nỗ lực khốc liệt, những sự cân não, đôi khi là cả những mánh lới đeo bám, thuyết phục… và cả những sai lầm. Có khi, họ cũng vô tình bỏ qua cơ hội để sự thật được lên tiếng.

Spotlight là bức tranh chân thực, không tô vẽ về nghề báo
Spotlight là bức tranh chân thực, không tô vẽ về nghề báo

Khi bộ phim được khởi quay, nam diễn viên Liev Schreiber (vai Tổng biên tập Martin Baron) đã tới gặp nguyên mẫu nhân vật của mình ngoài đời. Khi đó, Baron đã rời tờ The Boston Globe để đảm nhận vị trí mới tại Washington Post. Schreiber bày tỏ lòng ngưỡng mộ trước sự thông minh, quyết đoán, can đảm và khả năng lãnh đạo cực kỳ thấu đáo của Baron. Khi được hỏi về những gì đã làm tại Boston, Baron nhanh chóng từ chối việc được coi như một "anh hùng". "Tôi không nghĩ mình thích nghe từ “anh hùng”. Chúng tôi chỉ làm việc của mình - bắt những người có tội phải chịu trách nhiệm” - ông nói.

Ra mắt năm 2015, Spotlight là bức tranh chân thực, không tô vẽ về nghề báo. Giữa thời đại báo giấy đang dần lụi tàn, các trang tin trực tuyến và mạng xã hội với việc đưa tin nhanh chóng đang chiếm lĩnh, Spotlight muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của báo chí điều tra với những phóng viên dũng cảm, dám dấn thân theo đuổi những góc khuất sự thật ít ai dám động đến.

Vượt ra khỏi một tác phẩm điện ảnh thuần túy, Spotlight còn là câu chuyện truyền cảm hứng mãnh liệt đến những người theo đuổi công việc báo chí hoặc quan tâm đến báo chí. Nhưng trên hết, đó là câu chuyện về sự lựa chọn dấn thân, tỉnh táo và quyết đoán để đứng về phía công lý và những nạn nhân yếu thế. Như lời tổng biên tập Marty Baron đã nói trong phim: "Những câu chuyện kiểu này là lý do để chúng ta làm báo!".

Lan Anh

Nguồn ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI