Dù không được phép, các điểm làm đẹp này vẫn vô tư tiêm chích, xóa xăm… gây biến chứng cho không ít trường hợp.
Dịch vụ làm đẹp kiêm... bán quần áo
Cùng một phụ nữ “nghiện” làm đẹp, chúng tôi đến spa V-Hàn trên đường Lê Quang Định, Q.Bình Thạnh. L., một nhân viên của spa tư vấn: “Dịch vụ lăn kim 3D đang được nhiều người ưa chuộng, làm trọn gói 15 triệu đồng. Mỗi tuần, chị đến làm một lần, mỗi lần làm 60 phút; bên em sẽ làm tuần tự các bước rửa mặt, tẩy tế bào chết, ủ tê, sau đó lăn kim bằng tay, xức tế bào gốc nhau thai cừu vào da chị. Đảm bảo sau khi làm, sắc tố da của chị sẽ đều, mịn màng ngay tức thì. Nếu chị không thích thì bắn laser từ ba đến bốn lần, giá 12 triệu đồng, vết nám sẽ mờ đi trên 90%”.
Đang nói chuyện, một nhân viên khác từ trong phòng làm đẹp đi ra, chúng tôi hỏi đó có phải là bác sĩ (BS) không, L. cười lớn: “Mấy cái này cần gì BS. Chuyên viên ở đây ai cũng làm được hết! BS chỉ phẫu thuật, chứ ai lăn kim”. Thấy khách lưỡng lự, L. trấn an: “Mặt chị thâm nhiều nên cần lăn kim. Lúc mới làm, chỉ đau như kim chích, da bị hồng chút thôi, sau đó phải kiêng nắng, bôi tế bào gốc là ổn. Bên em sẽ bao hiệu quả trong 10 lần làm. Chị yên tâm”.
Spa Nụ Cười trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận lại có hẳn danh mục các dịch vụ lăn kim, bắn laser… cho khách lựa chọn. Một nhân viên nữ hướng dẫn: “Nếu làm các kỹ thuật lăn kim, bắn laser kiểu “đời cũ” thì nhân viên làm; còn thích lăn kim, bắn laser bằng máy móc hiện đại hơn thì spa sẽ thuê BS về làm. Bên em có thuê các BS M., Tr., C. chuyên về da liễu đến cộng tác. Những dịch vụ BS làm đang có chương trình khuyến mãi đến 50%”.
Nhân viên này khuyên chúng tôi nên thử phương pháp lăn kim huyết tương giàu tiểu cầu bằng cách lấy máu của chính khách hàng, đem quay ly tâm, lọc rồi đem lăn kim cho trẻ hóa da, xóa vết chân chim, mỗi liệu trình năm buổi với giá 80 triệu đồng, mỗi buổi làm một - hai giờ. Thấy khách chần chừ vì giá cao, nhân viên này khuyên lăn kim truyền thống hoặc lăn kim “phong cách hoàng gia” do các kỹ thuật viên của spa thực hiện, giá 11 - 15 triệu đồng; còn bắn laser thì giá 40 triệu đồng cho 10 buổi.
Chủ một spa giới thiệu cách lăn kim trẻ hóa làn da cho khách hàng qua clip
Nhiều spa không khác quầy tạp hóa, vừa thực hiện lăn kim, bắn laser, vừa bán quần áo cho khách. Đơn cử như spa T.Hằng trên đường Phạm Phú Thứ, Q.Tân Bình: ở tầng trệt vừa là nơi tư vấn cho khách, trưng bày mỹ phẩm, vừa là phòng ngủ, vừa là một cửa hàng may đo, treo móc quần áo ngổn ngang. Thấy khách có nhu cầu lăn kim để da mặt đẹp hơn, bà chủ H. đem ngay các clip lăn kim cho khách xem và nói: “Ở đây chị lăn kim bằng tay, sau bốn ngày là da cải thiện thấy rõ. Trước tiên, chị sẽ rửa mặt cho em, tẩy trang, vệ sinh nước muối sinh lý, rồi vừa lăn vừa thoa tế bào gốc nhung hươu”. “Chị là BS?”. “Chị không có bằng BS nhưng có đi học nghề đàng hoàng, nhân viên chị đang làm cho nhiều khách trên lầu đó. Ở đây chị làm giá mềm, có 1,2 triệu một lần. Làm xong, chỉ cần mua thêm viên chống nắng uống là ai nhìn cũng mê”.
Biến mặt nám thành... mặt đen
BS Ngô Quốc Hưng, Phó khoa Thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, bệnh viện này đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị nhiễm trùng, nhiễm các bệnh vi nấm do lăn kim, tổn thương võng mạc khi thực hiện triệt lông, trị mụn bằng phương pháp ánh sáng “IPL” hoặc biến chứng sau khi bắn tia laser trị nám ở các spa. Mới đây nhất là trường hợp của chị Tr.V.K. (36 tuổi, nhà ở Q.Tân Phú) phải nhập viện do trị nám ở một spa. Sau sinh, chị K. bị nám hai bên má nên tìm đến một cơ sở spa gần nhà, “đốt” hết 15 triệu đồng để thực hiện bắn tia laser, nhưng càng lúc da chị K. càng bị nám đen hơn và lan ra cả khuôn mặt với màu da đen sì như... Bao Công. Chủ cơ sở spa đã hoàn lại tiền điều trị, đồng thời “khuyến mãi” thêm công đoạn khắc phục sự cố, nhưng suốt ba năm trôi qua, mặt chị K. vẫn đen sì nên chị phải tìm đến bệnh viện da liễu điều trị.
BS Ngô Quốc Hưng giải thích, da mặt bệnh nhân K. bị đen sạm là do nhân viên của spa khi bắn tia laser đã kích hoạt không đủ nguồn năng lượng. Ví dụ, nếu màu da sáng (mức độ từ 1 - 3) thì nguồn năng lượng kích hoạt phải đạt 2,5 J/cm2 da, còn màu da sậm hơn (mức 4) thì cần chiếu 2 - 2,5 J/cm2 da, nếu da đen hơn (mức 5 - 6) thì chiếu 1,5 - 2,0 J/cm2 da. Do chiếu laser không đủ năng lượng nên các tế bào tạo sắc tố da bị kích thích đã tăng lên nhanh chóng và làm da mặt đen sạm hơn. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp việc bắn tia laser quá liều dẫn đến tế bào tạo sắc tố da bị tiêu diệt, khiến da trở nên trắng bệch, da mặt chỗ trắng chỗ đen như da beo. Một số bệnh nhân bị chiếu tia laser quá liều cũng khiến da mặt loang lổ, để lại sẹo xấu. Những ca bị biến chứng do bắn tia laser thường khó phục hồi.
Không chỉ nhân viên ở các spa, ngay cả BS không có tay nghề cũng gây biến chứng khi bắn tia laser, bởi việc bắn tia laser trị nám không chỉ dựa vào các thông số của máy móc mà còn phụ thuộc vào màu da chủng tộc, kinh nghiệm điều trị của BS. Da mặt càng đen thì khi bắn laser trị nám càng dễ gây biến chứng, do tế bào tạo sắc tố rất dễ bị kích hoạt. Ngoài ra, không phải bệnh nhân nào bị nám cũng được bắn tia laser, chẳng hạn những người dễ bị dị ứng với thuốc gây tê hoặc phụ nữ có thai, nhưng nhân viên spa vẫn cứ bắn bừa.
Theo BS Ngô Quốc Hưng, Bộ Y tế quy định: chỉ cho phép BS da liễu, BS phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ thực hiện việc lột da mặt bằng hóa chất, chăm sóc da bằng ánh sáng, triệt lông bằng tia laser, sử dụng các sản phẩm từ tế bào gốc trong thẩm mỹ, IPL, kỹ thuật RF trẻ hóa da… tại phòng khám, bệnh viện. Thế nhưng, các spa vẫn thực hiện bừa bãi, tràn lan.
BS Cao Ngọc Bích, Phó chủ tịch pháp chế Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ TP.HCM khẳng định: những kỹ thuật xâm lấn hay ít xâm lấn qua da như lăn kim, xăm có bôi thuốc tê, gây chảy máu đều bị cấm làm ở các spa. Tất cả các kỹ thuật này đều phải tuân thủ quy trình vệ sinh dụng cụ y tế nghiêm ngặt và xử lý dị ứng, sốc thuốc tê… Do đó, chị em có nhu cầu làm đẹp bằng các phương pháp này cần đến các cơ sở đã được ngành y tế thẩm định và cấp phép.
Biểu trưng “Thương hiệu quốc gia” đã được trao cho đại diện BIDV trong khuôn khổ “Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam” tổ chức ngày 4/11/2024...