Spa cho người đã khuất

25/10/2020 - 08:51

PNO - Ở Singapore, cái tên Ang Jolie Mei ngoài việc được biết đến là một giám đốc của nhà tang lễ The Life Celebrant, cô còn gây tò mò bởi “sáng kiến” táo bạo về những dịch vụ dành cho người đã khuất.

Nữ giám đốc… nhà tang lễ

Ang Jolie Mei là con gái của “Vua quan tài” Ang Yew Seng ở Singapore - một giám đốc tang lễ được kính trọng sau khi cung cấp các nghi lễ miễn phí cho người nghèo. Ang đã tham gia công việc này kể từ khi cha cô qua đời vào năm 2004.

Ang kể, lúc sinh thời cha cô không muốn con gái tham gia công việc kinh doanh của gia đình - “bởi vì tôi là phụ nữ, cha tôi không bao giờ yêu cầu con gái mình tham gia vào công việc này”. Nhưng điều đó không có nghĩa là cô tránh xa phòng tang lễ. Cô nhớ lại một trường hợp khi cô trẻ: một xác chết có khuôn mặt bị tổn thương nghiêm trọng đến nỗi nhân viên cấm cô nhìn vào. Nhưng Ang vẫn nhìn - không phải vì sự mê hoặc bệnh hoạn nào đó, mà là muốn hiểu mọi khía cạnh của công việc trong tương lai có thể mình sẽ làm.

Không chỉ tiếp quản công việc gia đình, Ang còn bắt đầu xây dựng nhà tang lễ theo cách riêng của mình từ năm 2010. Cô đặc biệt chú trọng vào những dịch vụ liên quan đến cái chết - chẳng hạn như thuê địa điểm để tổ chức sao cho trang trọng, ướp xác và cung cấp một số dịch vụ độc đáo, bao gồm một "spa" cho những người đã khuất cũng như các lễ tang đặc biệt cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và thai nhi.

Ang nói: “Có một câu ngạn ngữ là con người luôn đi qua vòng tròn: sinh, lão, bệnh, tử, nhưng tôi không đồng ý. Tôi đã chăm sóc những người sinh ra, già đi, rồi chết đi. Và đôi khi, thật không may, tôi chăm sóc những đứa trẻ vừa sinh ra đã chết. Vì vậy, tôi chỉ quan tâm điểm đến cuối cùng duy nhất là cái chết”.

Ang nói: “Thường sau khi hoàn thành một ca phá thai (dù bất kỳ lý do gì) bác sĩ phụ khoa sẽ yêu cầu bạn vứt bỏ như một chất thải sinh học nguy hiểm hoặc giữ nó trong một hộp đựng y tế vô trùng. Nhưng tôi không đồng ý với cách làm này - bởi vì mỗi người đều có một cuộc đời, bất kể nó ngắn ngủi đến đâu”. 

Sáng kiến ​​“Ngôi sao Thiên thần” của Ang cung cấp những chiếc tráp nhỏ có đệm màu hồng (cho bé gái) và xanh dương (cho bé trai) tươi vui cùng với những trang trí sang trọng.

“Tôi đã gặp rất nhiều bậc cha mẹ, họ cảm thấy không trọn vẹn khi không thể nói lời tạm biệt đúng cách với con mình. Bằng cách thực hiện một buổi lễ trang nghiêm, điều đó giúp cha mẹ có thể thực hiện những điều họ muốn và bớt  day dứt, đau khổ hơn về sau này”, Ang chia sẻ.

Riêng dịch vụ Showers of Love là tên của "spa" của Ang dành cho những người đã khuất. Dịch vụ này cho phép các thành viên trong gia đình mang đến cho người thân yêu của họ một chuyến tiễn đưa đặc biệt bao gồm việc tắm hoặc thậm chí là cả việc trang điểm cho người vừa mất. Một nữ nhân viên sẽ giúp gia đình thực hiện các quy trình này. Họ sẽ hướng dẫn mọi người làm tóc, trang điểm và mặc quần áo cho người thân của mình. Ang tin rằng chính những người trong gia đình sẽ biết cách ăn mặc đẹp nhất cho người đã khuất, thay vì giao việc đó cho một người lạ.

“Mọi người từng nghĩ tôi thật điên rồ: tại sao mọi người lại muốn nhìn thấy những người thân yêu đã khuất của họ được tắm rửa chứ đừng nói đến việc cho họ đi spa? Nhưng trước khi tôi bắt đầu công việc này, tôi đã liên tục nghe thấy những trải nghiệm tồi tệ của rất nhiều người, như có người nói nói, 'Ồ, trang điểm của mẹ không được tốt', hoặc 'Kiểu tóc của bố quá tệ'. Và những điều này dẫn đến những hối tiếc cho người thân.

Ang cho biết cô cũng trải qua việc hối tiếc này. Cái chết đột ngột của cha cô vào năm 2004 khiến gia đình vô cùng lúng túng. “Chúng tôi thậm chí còn không quyết định được sẽ sử dụng bức ảnh nào trong đám tang của ông. Chúng tôi chỉ giả định những gì bố tôi muốn”, Ang nhớ lại.

Hồi ký trải nghiệm của một phụ nữ luôn đối diện với người chết

Tháng 7 vừa qua, Ang đã phát hành ấn bản hồi ký thứ 2 của cô, Dying to Meet You. Trong cuốn sách của mình, người phụ nữ 40 tuổi này mô tả những gì diễn ra trong phòng ướp xác như những nét văn hoá, truyền thống của mọi gia đình, quốc gia hay cách lý giải vì sao nhiều người chết nhưng mắt không nhắm hẳn.

Cuốn sách thậm chí còn cập nhật thêm có một phần về những cái chết và nghi lễ liên quan đến đại dịch COVID-19, và những khó khăn của Ang trong việc xử lý những người tử vong vì bệnh này.

Mặc dù có nhiều ánh nhìn không hay về mình khi biết mỗi ngày cô đều làm việc trực tiếp với người chết nhưng Ang cho biết cô không quan tâm lắm. Cô nói, chỉ 1 điều duy nhất mà cô thấy khó khăn của việc trở thành người phụ nữ trong ngành công nghiệp tang lễ là nguy cơ bị thương trong quá trình ướp xác. “Nguy cơ nghề nghiệp hàng đầu là chấn thương lưng,” cô viết trong cuốn sách của mình, “vì phải chịu đựng khi thường xuyên nâng vật nặng”.

Ang và nhân viên của mình gồm 9 người - trong đó 7 người là phụ nữ - xử lý từ 10 đến 20 đám tang mỗi tháng. Họ rất quen thuộc với các truyền thống của các tôn giáo khác nhau. Nói về nghề của mình, Ang cho biết trong những năm gần đây, cách mọi người lên kế hoạch cho đám tang của họ đã thay đổi đáng kể. “Trước đây, mọi người thường chỉ nhìn vào chiếc quan tài khi lên kế hoạch cho một đám tang, nhưng bây giờ, trọng tâm đã thay đổi. Nó không chỉ là về quan tài, mà là những câu chuyện nhỏ trong gia đình”, Ang nói.

Ang là người ủng hộ việc lên kế hoạch cho đám tang của chính mình (cô đã lên kế hoạch rằng nếu chết, cô muốn được chôn cất với đôi giày salsa yêu quý của mình), đặc biệt là vì cái chết đột ngột của cha cô.

“Tôi đã gặp những trường hợp mà mọi người chỉ đoán xem người đã khuất muốn gì. Họ sẽ nói: 'Ồ, ba/mẹ có thích bộ đồ này không?'. Rồi bạn sẽ có cảm giác tội lỗi vì không biết có làm đúng ý người thân vừa mất hay không”, cô nói.

Đối với Ang, công việc giám đốc tang lễ của cô còn vượt qua cả việc đưa tiễn người chết một cách trang nghiêm bởi cô còn muốn công việc của mình giúp người ở lại có cuộc sống vượt qua nỗi buồn của họ tốt hơn.

“Tôi tin rằng với một cuộc chia tay tốt đẹp, bạn sẽ vượt qua đau buồn mất người thân tốt hơn. Vì khi bạn cảm thấy hối tiếc, tất cả những điều này sẽ sống mãi trong ký ức của bạn. Có rất nhiều người sau khi gặp tôi, nhìn những việc tôi làm hoặc đọc sách của tôi, đã nói rằng giá như họ biết tôi sớm hơn. Còn tôi thì muốn giúp nhiều người tránh được những nỗi buồn, sự day dứt trong lòng càng nhiều, càng tốt", Ang bày tỏ.

Thảo Nguyễn (theo SCPM)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI