Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, tổng số ca SXH tính từ đầu năm đến ngày 13/8 là 5.434 ca. Trong đó, quận 1, 7 và TP Thủ Đức có số ca mắc cao. |
Trong tuần vừa qua, TPHCM ghi nhận 272 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng so với 4 tuần trước. Diễn biến đáng lưu ý là nhiều trẻ lớn bị bệnh sốt xuất huyết trong đó có không ít ca diễn biến nặng.
Số trẻ lớn nhập viện tăng
Những ngày qua, số trẻ mắc sốt xuất huyết (SXH) đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 có xu hướng tăng, đặc biệt là trẻ lớn từ 8-14 tuổi. Hiện Khoa Nhiễm của bệnh viện đang điều trị cho khoảng 14-16 trẻ, trong đó 2 trường hợp diễn tiến nặng đã vào sốc SXH, 6 ca khác có dấu hiệu cảnh báo, một số trẻ nhập viện có bệnh nền.
|
Hiện có 3 trẻ mắc sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại Phòng Cấp cứu, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 |
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Qui - Phó khoa Nhiễm của bệnh viện - cho biết: “So với tháng trước, số lượng trẻ SXH nhập viện trong khoa cũng như điều trị ngoại trú tăng 2-3 lần. Hiện, mỗi ngày có khoảng 6 trẻ đến khám vì SXH. Đợt này, trẻ lớn có bệnh nền, thừa cân béo phì chiếm đa số”.
Chăm con tại Phòng Cấp cứu, chị Lý Thị Ái Xuân (ở phường Phú Tân, tỉnh Bình Dương) kể, ban đầu, bé L.Q.A. (8 tuổi) sốt cao, đau bụng, ói nhiều. Sau 2 ngày, bé rơi vào li bì, mệt mỏi nên gia đình đưa đến bệnh viện tư tại địa phương khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bé A. dương tính với SXH Dengue, phải nhập viện điều trị. “Nằm bệnh viện thêm 2 ngày, cơn đau bụng của con dữ dội hơn, ói liên tục nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu” - chị Xuân nói thêm. Khi vừa chuyển đến TPHCM, bé A. tiến triển nặng nề, sốc SXH, gan sưng to, tràn dịch màng phổi. Hiện các bác sĩ vẫn đang theo dõi sát sức khỏe của bé.
Cạnh giường của bé A., bé D.T.T.T. (12 tuổi, ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) cũng đang mệt mỏi vì các cơn đau ê ẩm, bụng trương to, đi tiêu, tiểu nhiều lần. Chị Vũ Thị Sen - mẹ bé T. - lấy khăn ướt lau hạ nhiệt cho bé rồi dùng muỗng cho con uống nước. Thế nhưng, cứ uống vào, bé lại than đau bụng và nôn ói.
“Hôm nay đã hơn 1 tuần con tôi mắc SXH, nhưng chưa thấy khá hơn. Chăm con gái ở đây, tôi khá bồn chồn bởi con trai hơn 20 tuổi cũng đang bị SXH nhập viện ở tỉnh Bình Dương. Hiện xung quanh nhà gần như nhà nào cũng có người bị SXH’’ - chị nói.
LƯU Ý Các dấu hiệu trở nặng
Bác sĩ Nguyễn Đình Qui cho biết, hiện tại, số ca SXH chưa tăng đột biến, nhưng có bệnh nhi vừa nhập viện đã vào giai đoạn sốc, suy hô hấp, thoát dịch… May mắn, các bệnh viện tuyến dưới phát hiện và chuyển đi kịp thời nên sức khỏe các bệnh nhi đều được kiểm soát.
Điều đáng lưu ý, theo bác sĩ Nguyễn Đình Qui, “nếu như lúc trước SXH phần lớn là trẻ nhũ nhi thì bây giờ tỉ lệ trẻ lớn nhập viện vì bệnh này tăng nhanh. Nhiều trẻ mắc bệnh lại thuộc nhóm thừa cân, béo phì, có bệnh nền… Do vậy, việc điều trị phức tạp hơn”. Nếu trẻ đang có bệnh nền, tim mạch, suy thận mạn tính, ung thư… nghi ngờ bị mắc SXH, phụ huynh đừng chần chừ, hãy đưa con đến bệnh viện ngay.
Tuy SXH gây nhiều biến chứng nhưng khoảng 60% trẻ có triệu chứng nhẹ, không có dấu hiệu cảnh báo, có thể tự điều trị tại nhà như uống hạ sốt, bổ sung dinh dưỡng… Khi cho trẻ ở nhà, cha mẹ phải lưu ý các dấu hiệu trở nặng của con, kịp thời đưa đến bệnh viện. Nếu trẻ bị sốt cao 2-3 ngày, uống thuốc không hạ, trẻ than đau bụng liên tục, nôn ói, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm.
Chú ý khi trẻ bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, nặng hơn có thể nôn ra máu, đi cầu phân đen… Thậm chí, sau khi trẻ hết sốt chưa chắc con đã hết bệnh. Lúc này, người lớn cần theo dõi trẻ có bị lạnh tay chân không, hoặc trẻ lừ đừ, li bì, không chịu chạy chơi cũng là dấu hiệu SXH nặng.
“Một điều rất đáng lưu ý là người lớn cần chủ động dự phòng không để trẻ bị muỗi chích, dọn dẹp tất cả chậu đựng nước, thường xuyên thay nước bình bông, tránh ao tù nước đọng dễ sản sinh ra muỗi. Đặc biệt, nhiều cha mẹ tưởng phải đến đêm muỗi mới chích. Trên thực tế, muỗi hoạt động mạnh vào khoảng thời gian 16 - 17g và gần sáng. Tốt nhất hãy cho trẻ ngủ mùng, hoặc có thể sử dụng thêm các sản phẩm bôi, đuổi muỗi cho trẻ” - bác sĩ Nguyễn Đình Qui khuyến cáo.
Đừng mắc sai lầm khi chăm con bị sốt xuất huyết Trẻ bị SXH sẽ rất chán ăn, không muốn uống nước, nhiều người đã cho con nhịn ăn, nhịn uống. Điều này khiến trẻ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng nên dễ mất sức, một số trường hợp có thể hạ đường huyết, gây co giật. Giải pháp tốt nhất là đừng ép trẻ phải ăn theo món định sẵn, mà cứ để trẻ tự do ăn, uống. Cha mẹ chỉ cần cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, cung cấp đủ nước, kể cả nước dừa, nước điện giải; tránh các thức ăn, thức uống có màu đỏ, màu đen vì khó phân biệt với màu máu, tránh nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa. Sai lầm phổ biến của nhiều bà mẹ hay nóng lòng khi thấy con bị sốt cao liên tục nên cứ tự ý sử dụng thuốc hạ sốt đến 4-5 lần/ngày, khi đưa vào bệnh viện trẻ đã tổn thương gan nặng nề. Bên cạnh đó, nếu con bị SXH thì không được cho trẻ truyền dịch, bởi truyền dịch liên tục cũng gây nguy cơ quá tải cho cơ thể, thoát dịch màng bụng, màng phổi, diễn tiến sẽ rất nặng nề, nhất là biến chứng suy hô hấp. Ngoài ra, không ít gia đình khi thấy con xuất hiện những mẩn bầm còn cắt lể để lấy bớt máu độc. Việc cạo gió, cắt lể dễ dẫn đến hiện tượng chảy máu không cầm, tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập, gây rối loạn đông máu. |
Phạm An