Tính từ đầu năm đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại TP.HCM đã hơn 9.600 ca (3 ca tử vong), tăng 14% so với cùng kỳ năm 2016. Theo đánh giá của bác sĩ (BS) Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, dấu hiệu vào mùa của bệnh dịch này đã bắt đầu, trong điều kiện thời tiết rất lý tưởng (mưa, nóng) cho muỗi vằn sinh sản và chu kỳ SXH quay trở lại.
|
Vị trí cũ của Trường THCS Phong Phú (H.Bình Chánh, TP.HCM) thành điểm nguy cơ “khủng” |
Phun xịt chỉ giải quyết phần ngọn
Hiện Q.12, Q.Bình Tân, huyện Hóc Môn và H.Bình Chánh là bốn địa phương “nóng” với số ca mắc gia tăng nhanh. “Các quận đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp. Thành phố cũng tập trung phối hợp cùng các quận huyện trọng điểm này để hỗ trợ, nhằm kiểm soát tình hình gia tăng SXH trong thời gian tới”, ông Dũng nói.
Theo BS Dũng, người dân không nên hoang mang. Điều quan trọng là cần thấy trách nhiệm của chính mình trong việc phòng chống dịch bệnh. “Đương nhiên bên cạnh trách nhiệm của đoàn thể, ngành y tế và chính quyền, cộng đồng phải tăng cường quan tâm, đừng đổ hết cho ngành y tế.
Quan điểm của tôi là, về trách nhiệm thì ngành y tế phải làm, nhưng cần đánh động cộng đồng. Chỉ cần một biện pháp đơn giản mỗi tuần một lần, dành 15-20 phút tự kiểm tra nơi mình ở, nơi mình làm việc xem có ổ lăng quăng, hoặc có chỗ đọng nước nào có khả năng phát sinh muỗi và lăng quăng để xử lý.
Nếu ai cũng làm được việc đơn giản đó, chắc chắn cơ hội giảm bùng phát dịch sẽ rất cao. Đợi đến khi có ca bệnh, môi trường đầy muỗi mới đi phun xịt thì đã chậm rồi, tức chỉ “đánh” cái ngọn, chứ không giải quyết cái gốc”, ông Dũng khẳng định.
Ông Dũng nhấn mạnh, tất cả mọi người kiểm soát nơi ở, nơi sinh hoạt, nơi làm việc, còn những nơi công cộng thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương cùng với ban ngành, đoàn thể, ngành y tế chung tay thực hiện, hướng dẫn, truyền thông và dập tắt những điểm nguy cơ, những ổ dịch đang xảy ra trong cộng đồng.
Đối với quận huyện đã xác định điểm “nóng”, bên cạnh giải quyết tận gốc, vẫn tích cực làm phần ngọn. “Tổ chức dập triệt để những ổ dịch, tiêu diệt đàn muỗi trưởng thành bằng biện pháp phun chủ động trên diện rộng ở từng khu phố. Song song đó, duy trì tổ chức diệt lăng quăng, xử lý triệt để những điểm nguy cơ phát sinh muỗi và lăng quăng”, ông Dũng cho biết.
Dân sai bị phạt, chính quyền thì sao?
Nghị định số 176 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế ban hành năm 2013. Chiếu theo nghị định này, từ năm 2015, TP.HCM đã tiến hành xử phạt những trường hợp vi phạm hành chính liên quan phòng chống SXH và bệnh do vi-rút Zika.
Hiện thành phố vẫn đẩy mạnh việc xử phạt này nhằm tăng cường ý thức của cộng đồng trong xử lý điểm nguy cơ. Từ đầu năm 2017 đến nay, tại TP.HCM đã có gần 50 quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế tại tám quận huyện.
“Trước giờ mới chỉ phạt những tổ chức. Đối với hộ dân, chủ yếu vẫn còn trong mức độ vận động, nhắc nhở, yêu cầu làm cam kết, các địa phương chưa xử phạt. Nhưng sắp tới, kể cả tổ chức hay cá nhân nào vi phạm cũng phải xử lý”, BS Dũng khẳng định.
Đánh giá về tác động của việc xử phạt, ông Dũng nói: “Tôi ủng hộ chuyện xử phạt những cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính theo Nghị định 176. Dĩ nhiên, cơ quan chức năng nhắc nhở trước, cho cam kết và nếu tái phạm sẽ tiến hành xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Hiện nay, về nhận thức, đa số bộ phận người dân đã có chuyển biến tích cực sau khi triển khai xử phạt liên quan phòng chống SXH và bệnh do vi-rút Zika. Tuy nhiên, vẫn còn không ít cá nhân, tổ chức chưa được phổ biến một cách đầy đủ về nghị định nên có thể chưa thực hiện đúng”.
Theo người đứng đầu ngành y tế dự phòng thành phố, điều quan trọng để đạt được tính răn đe, những người dân cũng phải tích cực giúp phát hiện, chỉ điểm những nơi, tổ chức chưa xử lý, thực hiện quy định phòng chống dịch để đơn vị chức năng đến hướng dẫn, nếu cần thiết xử phạt.
Nếu như một phần gốc của vấn đề phòng chống dịch như ông Dũng đã đề cập cần chờ đợi ý thức được nâng lên của cả cộng đồng thì phần còn lại vẫn thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý. Trong khi đó, theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, vẫn còn những điểm nguy cơ “chà bá lửa” ở các địa phương có thể khiến công tác phòng chống dịch SXH phá sản.
Người dân ngụ hẻm 548/70 Điện Biên Phủ (P.21, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, phía sau nhà họ, khu vực giáp với khu du lịch Văn Thánh, cỏ mọc um tùm, muỗi mòng dày đặc, bốc mùi hôi thối. Họ đã phản ánh và đề nghị phường có biện pháp xử lý, nhưng “chưa thấy ai nói gì”.
Hoặc cư dân ngụ P.Thảo Điền (Q.2, TP.HCM) cho biết, cuối đường số 44 là khoảng đất lớn, được quy hoạch làm trường học, nhưng đã “treo” rất nhiều năm. Hiện tại khu vực này biến thành dãy nhà trọ tạm bợ cho thuê mướn. Tình hình ngày càng phức tạp hơn khi các kênh, rạch tại khu vực ngập đầy rác, xây cất lấn chiếm... khiến chuột, ruồi, muỗi phát sinh gây nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm.
Một người dân khác cho biết, từ cuối 2016, Trường THCS Phong Phú (số D11/311 Trịnh Quang Nghị, ấp 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM) được di dời sang địa điểm khác. Tuy nhiên, trường cũ đang bị bỏ hoang, ngập sâu, tạo thành một ổ muỗi, chuột “khủng” gây ô nhiễm cho các hộ dân xung quanh.
Sau khi người dân phản ánh, chính quyền địa phương có đến xử lý thì tình trạng ngập nước đã hết. “Cách đây khoảng một tuần, cơ quan chức năng cử người đến cắt cỏ, nhưng nói chung cỏ vẫn còn mọc dày lắm. Hễ mưa xuống là ngập và đọng nước. Muỗi vẫn còn khá nhiều… chỉ đỡ thôi chứ không hết”, một người dân cho biết.
Những đơn cử trên đây, hẳn sẽ dễ dàng bắt gặp tình trạng tương tự trên địa bàn TP.HCM.
Trả lời thắc mắc của người dân P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM về việc ba năm trước đây có cơ quan chức năng đến địa phương phun xịt hóa chất diệt muỗi, nhưng đến nay không thấy nữa, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, phun xịt muỗi do ngành y tế thực hiện là nhằm mục đích xử lý khi có ổ dịch (xuất hiện hai ca trong vòng 14 ngày, trong phạm vi 200m được xem là ổ dịch nhỏ), phun xịt không mang tính dự phòng.
Tác dụng của thuốc chỉ diệt đàn muỗi trưởng thành trong thời gian rất ngắn trong 1-2 giờ đồng hồ, sau đó hết tác dụng. Trong khi đó, ý nghĩa của dự phòng là phải xử lý điểm nguy cơ để không có chỗ cho muỗi sinh sản và phát triển. Nếu ỷ vào chuyện phun xịt là sai lầm. Ngoài việc chỉ diệt được muỗi trưởng thành, chưa kể phun xịt cũng chưa chắc diệt được 100% đàn muỗi.
Quốc Ngọc
Sốt xuất huyết diễn tiến phức tạp, 14 người tử vong
Sáng 13/7, thống kê về tình hình dịch bệnh mùa hè, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hầu hết các bệnh dịch như sốt xuất huyết, liên cầu khuẩn… đều có dấu hiệu gia tăng so với cùng kỳ 2016. Cụ thể, hiện cả nước có 14 trường hợp sốt xuất huyết tử vong (hơn 45.000 ca mắc).
Trong sáu tháng đầu năm, có 10 ca tử vong vì viêm não trong tổng số gần 400 ca mắc, 35 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Bệnh do vi-rút Zika có 27 trường hợp và đều xuất hiện ở TP.HCM. Trong số này, có 13 thai phụ bị nhiễm.
Ho gà cũng ghi nhận 266 ca mắc trong sáu tháng đầu năm, trong đó 3 ca tử vong, tăng 186% so với năm 2016. Đáng lưu ý, bệnh liên cầu lợn trong mùa hè có dấu hiệu gia tăng mạnh. Hiện đã có 69 người mắc (tăng 40 trường hợp so cùng kỳ), 4 người tử vong.
Huyền Anh
Cần Thơ: Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết
Tính đến giữa tháng 7/2017, TP.Cần Thơ đã ghi nhận hơn 700 ca SXH, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Theo ngành y tế TP.Cần Thơ, nguy cơ cao bùng phát dịch SXH trong thời gian tới, vì muỗi và lăng quăng trong môi trường tự nhiên đang sinh sôi mạnh.
Hiện, mỗi ngày Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ có 150 bé mắc SXH điều trị nội trú, đa số trẻ bệnh nặng vì được gia đình đưa đến muộn.
Trong khi mầm bệnh đang hiện diện rất cao trong môi trường, nhiều người dân vẫn chưa có biện pháp phòng bệnh triệt để.
Để ngăn ngừa SXH bùng phát thành dịch, Sở Y tế TP.Cần Thơ đã tổ chức nhiều đợt diệt lăng quăng. Ngành y tế cũng kêu gọi người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tại gia đình như diệt muỗi, diệt lăng quăng, ngủ màn kể cả ban ngày.
Hiền Dung
|