Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, từ ngày 3/2 đến 9/2, TPHCM ghi nhận 475 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH). Tổng số ca SXH tính từ đầu năm 2025 đến nay là 2.920 ca. Các địa phương có số ca mắc/100.000 dân cao là huyện Cần Giờ, quận 7 và TP Thủ Đức.
Lo bệnh cúm, vô tình bỏ qua sốt xuất huyết
Chăm con trai tại phòng cấp cứu của Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2, chị Nguyễn Thị Phương (ở tỉnh Đồng Nai) khá lo lắng khi chồng điện thoại báo con gái út ở nhà cũng đang bị sốt cao. Chị Phương thở dài: “Hy vọng con gái chỉ bị sốt thông thường, chứ con trai lớn vừa mới ổn định, thêm con gái SXH nữa sẽ rất khó khăn”.
Chị Phương luôn áy náy khi trước đó đã tự khẳng định con trai bị cảm cúm chứ không phải SXH khi thấy cúm mùa đang bùng phát, lên mạng xem thấy triệu chứng của con giống bị cúm. Chị đã đưa con đến bác sĩ tư khám và được chẩn đoán mắc cảm cúm thông thường, cho thuốc về uống. Sau 2 ngày, bé đỡ nóng sốt, ăn uống bình thường. Ngày tiếp theo, gần như bé hết sốt nhưng lại bị ói, chán ăn, chỉ nằm ngủ.
“Tôi nghĩ con trai mệt sau đợt bệnh nên không ép bé ăn nhiều, cho con nghỉ ngơi. Không ngờ sau đó, bé đau bụng dữ dội, người lờ đờ, mềm nhũn. Đưa con đi cấp cứu, bác sĩ nói bé bị sốc SXH nặng, phải chuyển đến TPHCM điều trị” - chị kể. Đến nay, tình trạng sốc SXH của bé được kiểm soát, không còn bị ói, đau bụng ít, đã qua nguy hiểm.
 |
Trẻ mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 |
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng tiếp nhận và điều trị cho bé trai 8 tuổi (ở quận Bình Tân) bị sốc SXH nặng. Theo bệnh sử, bé trai sốt cao liên tục không hạ, kèm đau bụng, nôn ói. Người nhà đưa bé đến bệnh viện địa phương khám. Bác sĩ chẩn đoán bé sốc SXH nặng, tay chân lạnh, chỉ định nhập viện. Sau 3 ngày điều trị tích cực, tình trạng của bệnh nhi vẫn diễn biến xấu với các triệu chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa và tổn thương gan. Bệnh viện đã chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại đây, bé trai được chẩn đoán sốc SXH nặng, rối loạn đông máu, suy hô hấp, tổn thương gan và xuất huyết tiêu hóa. Các bác sĩ nhanh chóng điều trị tích cực qua truyền dịch cao phân tử, albumin, các loại thuốc vận mạch để hỗ trợ tình trạng huyết áp thấp và sốc; truyền bù máu, huyết tương, hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, thở máy… Sau gần 2 tuần điều trị, tình trạng của bé dần ổn định, cai máy thở, tỉnh táo, các chức năng gan, thận đã trở lại bình thường.
Nguy cơ sốt xuất huyết gia tăng
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Qui - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - những ngày qua, số lượng trẻ nhập viện do mắc SXH đang gia tăng. Có ngày, khoa tiếp nhận đến 8 bệnh nhi, trong đó có 4 ca sốc SXH nặng. Hầu hết trẻ nhập viện từ 8-14 tuổi, diễn tiến bệnh nhanh, đặc biệt là sốc SXH. Sở dĩ trẻ lớn mắc bệnh nặng hơn bởi đa số phụ huynh cho rằng con bị cảm cúm thông thường, ít nghĩ đến SXH. Sau khi được các bác sĩ tích cực cứu chữa, đến nay tình trạng sức khỏe của các bệnh nhi đã ổn định.
Bác sĩ Nguyễn Đình Qui cho biết, những ngày qua, TPHCM và các tỉnh lân cận đều xuất hiện các cơn mưa trái mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản, phát triển của muỗi vằn, kéo theo số ca SXH tăng. Dự đoán SXH sẽ tăng mạnh vào tháng Ba, thay vì tháng Tư, tháng Năm như những năm trước.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, mặc dù số ca mắc SXH tại TPHCM trong 2 năm qua thấp hơn trung bình so với những năm trước đó, nhưng trong tháng 1/2025, thành phố đã ghi nhận 2.159 ca mắc mới, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2024. Dự báo, số ca mắc SXH có thể tiếp tục tăng trong những tháng tới. Các bác sĩ cho hay, SXH có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai. Vì vậy, người dân cần chủ động theo dõi sức khỏe và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Sở Y tế TPHCM khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp phòng ngừa, bao gồm giữ vệ sinh, phát quang bụi rậm, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng như bình bông, lu, chậu… nhằm triệt phá nơi muỗi ở, sinh sản. Ngoài ra, nên mặc quần áo dài tay, dùng kem chống muỗi và ngủ mùng để tránh muỗi đốt. Hiện nay đã có vắc xin ngừa SXH, cha mẹ cho trẻ từ 4 tuổi trở lên đi tiêm ngừa để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Khi nghi ngờ mắc SXH, người bệnh (đặc biệt là người có bệnh nền, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người già) cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám, điều trị, tư vấn cách chăm sóc bệnh. Người bệnh nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu hóa; không dùng đồ ăn, nước uống có màu đỏ; uống thuốc hạ sốt đúng cách. Tuyệt đối không cho người bệnh truyền nước biển, truyền dịch, nặng máu, giác hơi hay uống thuốc không rõ nguồn gốc… Trường hợp bệnh chuyển biến xấu, hay cần sử dụng thêm thuốc, thực phẩm chức năng, hãy đưa người bệnh vào bệnh viện.
Phân biệt sốt xuất huyết với bệnh sởi, cúm Hiện bệnh cúm mùa, hô hấp, sởi đang tiến triển nên khả năng cao người dân vô tình bỏ sót bệnh SXH, bởi các bệnh này đều có dấu hiệu nóng, sốt trong 3-4 ngày đầu. Theo các bác sĩ, nếu sau vài ngày sốt, người bệnh tươi tỉnh, ăn uống trở lại bình thường, khả năng chỉ bị cảm cúm, cần bổ sung dinh dưỡng, vitamin, ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ sẽ hồi phục sức khỏe. Với bệnh sởi, sau 2-3 ngày sốt, trên cơ thể trẻ sẽ xuất hiện các nốt hồng ban, nổi nhiều ở lòng bàn tay, chân, khoang miệng… rất điển hình. Bệnh SXH sẽ ngược lại. Sau khoảng 2-4 ngày sốt cao, trẻ sẽ hạ sốt nhưng chán ăn, dễ bị ói, than đau bụng, lừ đừ, khó chịu, tiểu ít; nặng hơn có dấu hiệu xuất huyết như ói ra máu, đi tiêu phân đen, chảy máu chân răng… Gia đình cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra bởi giai đoạn này khả năng trẻ bị biến chứng, sốc SXH rất cao. |
Phạm An