edf40wrjww2tblPage:Content
Ngày 6/9, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896).
Tiết kiệm 1.600 tỉ đồng mỗi năm
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo 896 đã chính thức ra mắt do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng ban. Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, đây là lần ra mắt chính thức của ban chỉ đạo để báo cáo với người dân về việc thực hiện Đề án 896 giai đoạn 2013-2020 nhằm mục tiêu quan trọng nhất là số định danh cá nhân - một vấn đề lớn và rất mới.
Người dân làm chứng minh nhân dân tại Công an TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhìn nhận đề án này khá quan trọng để cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và “người dân đang rất sốt ruột, chờ đợi vào kết quả thực hiện đề án cải cách TTHC”. Ông Cường cho biết phải đến cuối năm 2013, Chính phủ mới rà soát xong và có con số cụ thể cắt giảm được bao nhiêu loại giấy tờ. Hiện Bộ Tư pháp đang liên hệ với GS Ngô Bảo Châu để phối hợp với Viện Toán cao cấp nhằm ứng dụng toán học cao cấp vào triển khai đề án.
Theo đại diện Bộ Ngoại giao, nước ta hiện có hơn 4 triệu kiều bào, trong đó nhiều người có đa quốc tịch. Bộ đang quản lý các cơ sở dữ liệu đặt ở Cục Lãnh sự về cấp hộ chiếu, thị thực (kể cả người Việt Nam ở nước ngoài). Vì vậy, hoàn toàn có thể kết hợp kho dữ liệu này để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết ở Cộng hòa Liên bang Đức, chỉ cần nhấp chuột, sau 5 giây sẽ ra hết thông tin cá nhân một người. Ông trăn trở: “3.500 tỉ đồng là số tiền để làm 30 km đường cao tốc. Chúng ta làm được đường cao tốc, lẽ nào không làm được đề án? Nếu đề án hoàn thành, mỗi năm sẽ tiết kiệm được cho dân 1.600 tỉ đồng. Bộ Tư pháp rất mong các bộ, ngành tập trung làm sớm, làm tổng thể để tránh chắp vá vì càng chắp vá càng thêm tốn kém, lãng phí”.
Với cách nhìn thận trọng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá mục tiêu của đề án rất lớn. Do đó, không nên thực hiện dàn trải mà cần tham khảo kinh nghiệm thế giới để tìm ra mô hình phù hợp nhất. Tán đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho rằng khi xây dựng số định danh cá nhân, cần kết hợp với các kho dữ liệu của những bộ, ngành khác (đã có) như Tài chính, Ngoại giao, Công an, Tư pháp... để tránh việc phải xây dựng lại từ đầu.
Lo nguồn vốn
Tham dự cuộc họp, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục 7 - Bộ Công an), thông tin: Dự án số định danh cá nhân không phải do Bộ Công an tự nghĩ ra mà đã tham khảo 19 nước. Số định danh cá nhân bảo đảm 500 năm không trùng nhau. Tới đây, khi có số định danh, các bộ, ngành muốn cấp các loại thẻ thì cứ lấy dữ liệu từ đó để làm.
Tuy nhiên, ông Vệ lo ngại việc phải vay vốn ODA để thực hiện sẽ rất chậm vì thủ tục phức tạp. Về vấn đề này, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) góp ý: Để có cơ sở vận động vốn ODA, phải xây dựng đề án hoàn chỉnh.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý giao Bộ KH-ĐT tìm nguồn vay ODA để thực hiện đề án. Phó Thủ tướng đánh giá Đề án 896 sẽ đổi mới cơ bản về quản lý công dân, không chỉ có ý nghĩa lớn đối với công dân trong nước mà cả người ở nước ngoài.
“Chính phủ rất coi trọng việc triển khai đề án này nhằm tạo điều kiện cho người dân tiện lợi về TTHC, không phải mang theo giấy tờ cá nhân như hiện nay khi có cơ sở dữ liệu quốc gia và số định danh cá nhân. Đây là cuộc cách mạng về quản lý dân cư của nhà nước, là cơ sở quan trọng để xây dựng Chính phủ điện tử” - ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Phó Thủ tướng đề nghị căn cứ vào kế hoạch của ban chỉ đạo, các bộ, ngành thành lập tổ công tác triển khai đề án do lãnh đạo bộ, ngành làm tổ trưởng. Việc triển khai đề án phải tránh lãng phí, khắc phục được tình trạng cát cứ, phối hợp yếu kém như hiện nay. “Những vướng mắc của cơ sở dữ liệu quốc gia phải được giải quyết, làm sao để có một bộ cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất chứ không phải làm mới hoàn toàn” - ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tích hợp dữ liệu các ngành Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo 896 cho biết Chính phủ không chủ trương thành lập cơ sở dữ liệu quốc gia mới mà sẽ tích hợp trên cơ sở dữ liệu quốc gia của Bộ Công an (về quản lý hộ tịch, hộ khẩu), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (về quản lý lao động), Bộ Ngoại giao (về quản lý visa, thị thực)... Mục tiêu là xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia chính xác, khoa học, không tốn kém và tránh trùng lắp. |
Theo THẾ DŨNG (Người Lao Động)