Mọi chuyện bắt đầu từ khi cậu em trai út của tôi làm việc trên huyện nghe được thông tin về một dự án sắp được triển khai ngay ở làng. Trong lần giỗ gần đây, em có nói bóng gió về việc cần phải “xem xét” lại mảnh đất rộng mà anh cả đang trồng cây lâu năm.
Đó là phần đất ba mẹ để lại nhưng vì mấy anh em đều làm việc ở thành thị, có cơ ngơi riêng nên chỉ có anh cả sử dụng để sản xuất. Cũng vì lo cho mấy đứa em mà anh cả không có cơ hội học hành. Bởi vậy khi ba mẹ mất đi, bốn anh em tôi nghĩ việc nhà cửa đất đai để cho anh là điều đương nhiên, dù không có bản di chúc nào.
|
Khi đụng đến quyền lợi về đất đai, tình anh em không còn vẹn tròn. Ảnh minh hoạ |
Tôi và chị gái lấy chồng cách nhà gần 150km còn anh ba ở thành phố, đứa út làm việc trên huyện nên ở luôn thị trấn. Mấy chục năm qua vẫn vậy, một mình anh cả ở quê làm nông và lo luôn việc trông nom nhà từ đường, thờ cúng cha mẹ. Đến ngày giỗ chạp, mấy anh em chỉ về thắp hương còn mọi việc đều một tay vợ chồng anh cả quán xuyến.
Vậy mà, chỉ gần một tháng sau, đất quê tôi lên cơn "sốt xình xịch" khi xuất hiện những nhóm người về gom mua đất với số lượng lớn. Họ đưa tin về một vị đại gia Việt kiều sẽ về đầu tư xây dựng một tổ hợp nghỉ dưỡng ở ngay làng tôi. Dự án gồm nhiều hạng mục như cửa hàng miễn thuế, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí kết hợp khu biệt thự cao cấp nghỉ dưỡng...
Đất được gom với giá khá cao khiến người làng tôi bán cả đất ruộng để kiếm lời. Một mảnh đất vườn của nhà hàng xóm chỉ rộng 400m mà có người mua lên đến 1 tỷ. Khu đất trồng cây lâu năm của anh cả nằm ở vị trí đắc địa nhất và được nhiều người tìm đến hỏi.
Thế là, em trai út đứng ra triệu tập cuộc họp gia đình gấp để giải quyết chuyện đất đai. Mấy người còn lại vội vã về ngay vì không biết ở nhà xảy ra chuyện gì. Em trai út muốn đòi quyền lợi ở số đất mà anh cả đang sử dụng trước sự ngỡ ngàng của anh chị em.
Lúc đầu, anh ba và chị gái chỉ cười trừ nhưng sau khi nghe thông tin về cơn sốt đất đang diễn ra thì ai cũng chau mày suy nghĩ. Riêng tôi không quan tâm lắm nhưng chồng tôi lại sốt sắng không kém, nhẩm tính xem từng đó đất bán được bao nhiêu tiền.
Vợ chồng anh cả ngồi lặng im, không có ý kiến gì. Một mình em út thao thao bất tuyệt đề ra phương án này, kế hoạch nọ. Cuối cùng em kết luận một câu: “Khu đất trồng cây làm thế nào cũng phải chia ra mà cho một người một phần, đất cha mẹ để lại là của chung, phần anh cả là ngôi nhà và vườn này thì không bàn”.
Chị cả đến lúc đó mới bảo: “Cái khu đất mà các cô các chú đòi chia là mồ hôi nước mắt của vợ chồng tôi. Từ một bãi sình lầy đầy rẫy hố bom, chúng tôi phải còng lưng đổ đất rồi trồng cây mới được như bây giờ. Vậy cứ nói chia là chia ngay được à”.
Anh ba nghe thế liền đề xuất: “Nếu vậy thì anh chị cứ tính giá trị cây trồng hết bao nhiêu, tụi em sẽ tính toán đền bù lại” còn anh cả chỉ thở dài: “Mấy đứa muốn làm gì thì làm”. Sau đó, anh ba và đứa út bàn nhau đo đạc rồi đi chuyển mục đích sử dụng của khu đất cho dễ bán.
Tiền lo thủ tục và đền bù cây cối cho anh chị cả được chia đều ra và mỗi người phải đóng góp vào. Quả thực đó là số tiền không nhỏ với gia đình tôi nhưng chồng tôi vẫn gắng đi vay mượn để đóng, với hy vọng sau này bán đất sẽ bù lại.
Tuy nhiên, khi vất vả hoàn thành xong mớ giấy tờ, cắt sổ đỏ gọn ghẽ cho từng người xong thì cơn sốt đất như trêu ngươi, bỗng... xẹp lép. Chỉ là dự án ảo, là bong bóng bất động sản phình lên theo thông tin đâu đó dựng lên.
Mảnh đất nhà tôi bây giờ chẳng ai hỏi mua, nhóm cò đất đã rút hết, bặt bóng chim tăm cá. Không ít người làng tôi bạc mặt vỡ nợ do bỏ tiền đứng ra gom đất với hy vọng thu lãi cao. Có ông hàng xóm của tôi phải trốn biệt xứ vì không khả năng trả nợ.
|
Cơn sốt đất đi qua để lại cho gia đình tôi một lỗ hổng tình cảm quá lớn. Ảnh minh hoạ |
Bây giờ, phần đất tôi được chia có giá chưa đến vài chục triệu đồng, không đủ số tiền vay mượn làm thủ tục. Chồng tôi và chị gái quay ra trách anh ba và thằng út làm ăn chậm chạp, để mấy cơ hội ngàn vàng.
Còn anh cả, từ ngày các em đòi chia đất, anh tuyên bố: “Giờ việc thờ cúng, kỵ giỗ, hương hoả ông bà, mấy đứa chia nhau ra mà lo chứ anh không làm nữa”. Hồi trước, mỗi lần về sum họp, mấy anh em tôi rất vui nhưng giờ tình cảm nhạt nhẽo, chưa đến cổng chị dâu đã quét nhà để đuổi khéo.
Còn anh em tôi mỗi người giữ một sổ đỏ của phần đất “chết” mà không biết để làm gì. Giá như, lúc đó, tôi đủ tỉnh táo để can ngăn việc chia chác đất đai thì tình hình may ra đã khác.
Cơn sốt đất vì dự án ảo qua đi để lại cho cho gia đình tôi một lỗ hổng tình cảm quá lớn, khi lợi ích vật chất xen ngang, tình thân bỗng như bát nước bị hắt cạn trơ đáy. Tuy chưa đến mức phải đưa nhau ra toà hay xung đột tương tàn, nhưng đã tạo ra một khoảng cách anh em, không gì bù đắp nổi.
Minh Vân
- Thống kê của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra hơn 1.200 vụ giết người, trong đó nhiều vụ có nguyên nhân từ mâu thuẫn gia đình nhưng không được ngăn chặn sớm. - Thống kê tổng số vụ án hành chính được TAND cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm có tới 89,7% khiếu kiện về tranh chấp đất đai, hỗ trợ bồi thường tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. |