SOS: Phát hiện tai con đầy DỊ VẬT sau khi trở về từ khu vui chơi

04/07/2016 - 14:59

PNO - Một điều cần vô cùng lưu ý là khi trẻ bị rơi dị vật vào tai, cha mẹ không được tự ý lấy ra. Có thể chính việc tự ý lấy này sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.

Trong quá trình chăm sóc trẻ, rất nhiều sự cố có thể xảy ra mà các mẹ không ngờ tới. Đặc biệt là việc trẻ bị rơi các dị vật vào tai. Chia sẻ dưới đây của chị Hoàng Trang (Thanh Hóa) sẽ là một cảnh báo cho tất cả các ông bố, bà mẹ trong việc chăm sóc trẻ để tránh không gặp phải các tai nạn ngoài ý muốn.

Chị Trang cho biết: "Chủ nhật vừa rồi mình có đưa 2 con đi chơi khu vui chơi. Như thường lệ, mẹ ngồi ngoài để các con tự chơi, 3 mẹ con vui vẻ phấn khởi lắm. Nhưng đến buổi trưa về lên giường ngủ thấy, cu Bon cứ day day tai, mình nghi ngờ bảo con nằm yên mẹ kiểm tra. Mình hoảng hốt khi phát hiện ra, cả 1 hốc tai bé toàn hạt muồng muồng (ở chỗ vui chơi có khu nhà cát nhưng họ không dùng cát thật mà thay bằng hạt muồng muồng).

SOS: Phat hien tai con day DI VAT sau khi tro ve tu khu vui choi
Bé Bon bị rơi rất nhiều hạt muồng muồng vào tai.

Mình cứ tưởng chỉ vài hạt thôi ai dè mẹ gắp ra 5 hạt rồi mà thấy còn rất nhiều, sâu bên trong tai con. Lúc ấy nói thật mình vẫn lớn tiếng quát con ầm ầm "chơi kiểu gì sao mà lại rơi cát vào tai...", nhưng tay thì run lẩy bẩy.

SOS: Phat hien tai con day DI VAT sau khi tro ve tu khu vui choi
Hạt muồng muồng được chị Hoàng Trang gắp ra từ tai con.

Đến 1 giờ trưa mình vẫn phân vân nên giờ đi bệnh viện hay đi bác sĩ đây? Sau đó, lọ mọ vào các diễn đàn hỏi thì mình cũng bình tĩnh lại, cho con ngủ trưa đã chiều dậy giải quyết.

Đến khi đi khám, bác sĩ soi tai thì quả là khủng khiếp. Con khóc thét, phải 4 người giữ bác sĩ mới làm việc được, gắp lia lịa ra 11 hạt nữa. Bác sĩ còn bảo nếu sâu quá hoặc để lâu thì phải gây mê mới gắp được, hoặc viêm tai thủng màng nhĩ.

SOS: Phat hien tai con day DI VAT sau khi tro ve tu khu vui choi
Sau khi đến bệnh viện, bác sĩ còn gắp thêm 11 hạt muồng muồng từ tai bé Bon.

Mình vừa sợ vừa thương con, rồi lại tự trách mình, giá mà mình để mắt đến con hơn 1 tí thì có phải tốt hơn không".

Bị rơi dị vật vào tai, tuyệt đối không tự tiện lấy

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Lệ Thủy, nguyên Phó viện trưởng chuyên môn, trưởng khoa Tai, viện Tai Mũi Họng Trung Ương cho biết: "Việc trẻ bị rơi các dị vật vào tai thực ra không gây nguy hiểm gì.

Cái tai vốn như một cái cốc nằm nghiêng mà cái cốc là cái màng nhĩ, chính vì thế khi rơi vào chỉ cần lắc cái sẽ ra, không có ảnh hưởng gì. Những trường hợp bị rơi vào tai có thể nó sẽ tự ra hoặc có thể do bác sĩ gắp ra.

Tuy nhiên, một điều cần vô cùng lưu ý là khi trẻ bị rơi dị vật vào tai, cha mẹ không được tự ý lấy ra. Có thể chính việc tự ý lấy này sẽ gây nguy hiểm cho trẻ. Vì nếu không biết cách lấy, cha mẹ có thể làm tổn thương tai hoặc làm trẻ bị thủng màng nhĩ nếu mạnh tay.

Cũng như việc lấy ráy tai vậy, đây cũng là việc cần hạn chế. Lấy nông thì không sao nhưng lấy sâu có thể gây xây xước, thủng màng nhĩ. Vì ống tai là rất hẹp khi động vào sẽ rất dễ gây trầy xước, viêm nhiễm.

Chính vì thế, khi thấy con bị như vậy, cha mẹ nên để nguyên trạng và mang đến bác sĩ nhờ họ giúp. Họ chỉ cần lấy các dụng cụ chuyên môn và lấy rất dễ dàng.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ, cha mẹ nên tránh cho trẻ chơi với các vật nhỏ, có dạng tròn. Bên cạnh tai thì việc gây nghẹt đường thở còn gây nguy hiểm lớn hơn, ảnh hưởng đến sinh mạng của trẻ. Các vật nhỏ như, cát, viên bi, viên phấn... là những vật mà cha mẹ cần để xa tầm tay trẻ".

Minh Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI