Sống xanh để môi trường ngày càng 'đáng sống'

07/06/2019 - 09:56

PNO - Cầm trên tay chiếc đồng hồ mặt ván gỗ, có đầy đủ các bộ phận và đang hoạt động, ông Thơm bảo, những sản phẩm này được ông tự làm theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”

Không còn dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, phong trào chung tay giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chống rác thải nhựa bằng việc sử dụng các sản phẩm tái chế, sản phẩm xanh sạch thân thiện môi trường đã thật sự lan tỏa đến mọi người, mọi nhà tại TP.HCM. 

Khi người trẻ mê sống xanh

Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5/6, Chủ nhật đầu tháng 6/2019, không gian xanh mát của công viên Lê Văn Tám đã đón hơn 5.000 lượt người đến tham dự Ngày hội sống xanh TP.HCM năm 2019 do UBND TP.HCM chủ trì, được tổ chức bởi Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.   

Song xanh de moi truong ngay cang 'dang song'
Hoạt động “Đổi sách lấy cây xanh” của tổ chức Grac.vn thu hút rất đông các bạn trẻ tham gia.

Dắt con gái 6 tuổi len lỏi qua hàng chục gian hàng hưởng ứng ngày hội sống xanh, chị Phan Hoàng Thảo, 33 tuổi, đến từ Q.7, TP.HCM, dừng lại tại quầy trò chơi phân loại rác tại nguồn. 

Đây là gian hàng của Công ty Môi trường đô thị TP.HCM (Citenco) phối hợp với các đơn vị tổ chức nhằm tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức thu gom rác tại nguồn của người dân. 

Với ba hộp ghi bên ngoài là chất thải hữu cơ, chất thải vô cơ, rác khác, khách được các nhân viên đưa một xấp hình ảnh các loại rác. Người chơi theo hiểu biết của mình sẽ lần lượt bỏ các thẻ vào hộp cho đến khi hết. 

Hai mẹ con chị Thảo, sau một hồi thảo luận cũng đã vượt qua trò chơi một cách xuất sắc và nhận được quà của ban tổ chức. 

“Bình thường, các thành viên trong gia đình tôi hay nhắc nhở nhau về việc phân loại rác tại nhà. Với các vật dụng có thể tái chế thì bán ve chai, các loại rác khác, đặc biệt là loại độc hại như pin, bóng đèn, chúng tôi luôn để riêng, để khi có các anh đổ rác đến tiện bề phân loại” - chị Thảo, tâm sự. 

Một đoàn sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM dừng lại trước quầy triển lãm ảnh cùng với các vật dụng tái chế đến từ tổ chức Anna. 

Mô hình con cá mắc cạn với hàng loạt rác các loại đeo bám trên mình, kèm những chú thích tác hại của từng loại rác nhựa khó phân hủy được ghi chú cẩn thận và những hình ảnh công nhân vệ sinh môi trường làm việc cật lực đã gây xúc động mạnh. 

Chị Nguyễn Thị Hoàng Dung - cán bộ dự án Anna, một tổ chức phi chính phủ cho biết, nhóm đã thực hiện việc hỗ trợ, chụp ảnh, lấy thông tin rất nhiều thành viên rác dân lập ở 9 quận huyện trên địa bàn TP.HCM trong nhiều năm qua. 

Mục đích của nhóm là tìm hiểu công việc của công nhân thu gom rác dân lập, theo thống kê có hơn 4.000 thành viên. 

Thông qua những chia sẻ câu chuyện nghề của họ, nhóm hỗ trợ, tập huấn, cung cấp các công cụ, phương tiện để các công nhân có thể thực hiện tốt công việc khó nhọc của mình, trong đó có vấn đề nâng cao ý thức phân loại rác thải, phân loại rác tại nguồn. 

Công ty Môi trường đô thị TP.HCM cho biết, trong bối cảnh TP.HCM đang nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường, công ty cũng chuyển đổi hoạt động theo hướng hiện đại hóa trang thiết bị để nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường. 

Cụ thể, với trang thiết bị phục vụ cho công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn, công ty đã tiến hành đầu tư xe ép kín chuyên dụng. Việc đưa xe ép kín chuyên dụng vào hoạt động từng bước giúp giảm ô nhiễm thứ cấp, không làm phát sinh mùi hôi, nước rỉ rác trong quá trình vận chuyển. 

Việc thu gom và xử lý chất thải y tế cũng được công ty đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại. Ngoài ra, từ năm 2013, công ty đã đầu tư triển khai xây dựng mô hình "Khu phố xanh" kiểu mẫu, hỗ trợ người dân thực hiện và duy trì thói quen phân loại rác tại nguồn ở Q.Tân Phú. 

Cho đến nay, đã có hơn 2.000 hộ gia đình tại đây thường xuyên thực hiện phân loại rác tại nguồn và chuyển giao đúng lịch hẹn cho đội ngũ vệ sinh thu gom. 

Hiện chương trình “Khu phố xanh” đã hỗ trợ người dân ở các tuyến đường Độc Lập, Lê Lư, Lê Khôi, Tân Sơn Nhì, Cây Keo, Trần Hưng Đạo và 9 lốc chung cư Tây Thạnh, Q.Tân Phú thực hiện phân loại rác tại nguồn trước khi chuyển giao. 

Công ty đang tiếp tục mở rộng dự án khu phố xanh thêm 5 trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn Q.Tân Phú và kế đến là Q.Bình Tân. 

Đặc biệt, điểm mới của chương trình là ngoài việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác thải, công ty cũng đưa vào ứng dụng phần mềm MGREEN (app mgreen) sử dụng trên điện thoại thông minh. 

Đây là phần mềm đầu tiên về môi trường được thiết kế để hướng dẫn phân loại rác thải, quy đổi điểm lấy quà hoặc liên hệ điện thoại để được hỗ trợ chuyển giao rác thải… Hình thức mới này đem lại nhiều lợi ích thiết thực hơn cho người dân khi tham gia hoạt động bảo vệ môi trường. 

Không dừng lại đó, thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ hiện đại, biến rác thành điện năng và xử lý rác thải xây dựng, công nghiệp, công ty cũng đã có những bước chuyển biến cần thiết.

Tái chế rác nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường

Bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về sự nguy hại của rác thải nhựa, vận động người dân phân loại rác tại nguồn, phong trào tái chế rác thải thành những vật dụng hữu ích cũng nhận được sự hưởng ứng của nhiều người. 

Tại ngày hội sống xanh, nhiều gian hàng có những sản phẩm tái chế rác độc đáo đã thu hút nhiều khách tham quan. Trước gian hàng trưng bày các vật dụng tái chế từ rác thải trở thành các vật dụng sinh hoạt như đồng hồ, huy hiệu, biểu trưng độc đáo là một ông già mặc áo công nhân vệ sinh. 

Ông là Tống Văn Thơm, 72 tuổi, hiện là chủ tịch nghiệp đoàn vệ sinh dân lập Q.5 có thâm niên hơn 40 năm thu gom rác. Cầm trên tay chiếc đồng hồ mặt ván gỗ, có đầy đủ các bộ phận và đang hoạt động, ông bảo, những sản phẩm này là “độc nhất vô nhị” được ông cóp nhặt theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” nhưng rất khéo léo, hài hòa, mỹ thuật, mang tính ứng dụng cao. 

“Hơn 40 năm thu gom rác, đến nay, nhà tôi ở Q.12 tràn ngập các vật dụng này. Nhiều gia đình không có thì mình tặng, một số thì các quán cà phê cần trang trí độc lạ, thì mình bán cho họ”. 

Cùng hưởng ứng chống rác thải nhựa, các bạn trẻ đến từ tổ chức Grac.vn, có cách làm rất hay qua chương trình “đổi sách cũ lấy cây xanh”. 

Hơn 500 gốc cây kiểng chưng văn phòng được các bạn chuẩn bị để đổi sách cũ nhằm hỗ trợ học sinh nghèo. 

“Để hưởng ứng chương trình ngày hội sống xanh, chống rác thải nhựa, bên em hưởng ứng bằng chương trình này. Để tham gia, các bạn chỉ cần đem 5 quyển sách cũ đến là đổi được 1 chậu cây xanh. Số cây xanh này được các nhà tài trợ tặng” - Nguyễn Thị Hồng Mai, trưởng nhóm cho biết.

Chị Trịnh Nguyễn Hồng Phúc, từ Q.12 mang đến Ngày hội sống xanh các sản phẩm độc lạ được tái chế từ vải cũ, đã qua sử dụng hoặc vật thừa bỏ đi. 

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, TP.HCM là một trong 10 thành phố trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu; các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên, diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn… ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực đời sống. 

Vì vậy, Ngày hội sống xanh TP.HCM là một sự kiện môi trường thường niên của thành phố nhằm thúc đẩy hình thành và nhân rộng lối sống thân thiện với môi trường, góp phần thực hiện các mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường và tăng trưởng xanh, xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại.

Ngày hội là cơ hội để cộng đồng dân cư thành phố tìm hiểu về tiêu dùng bền vững, lối sống thân thiện với môi trường và cùng trực tiếp tham gia các hoạt động trải nghiệm sống xanh, bảo vệ môi trường. 

Đặc biệt, tại lễ khai mạc Ngày hội sống xanh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương và các tổ chức đoàn thể đã ký cam kết đẩy mạnh phong trào "Chống rác thải nhựa" trên địa bàn thành phố.

 Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI