Ruộng lúa, bờ hoa
Đầu tháng Mười hai, nước lũ từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về khiến cánh đồng lúa hàng trăm héc ta của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Kiến Thành (xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) ngập lênh láng. Nhiều xã viên tranh thủ mở đê bao đưa phù sa vào bồi đắp ruộng đồng và để có thêm nguồn cá thiên nhiên.
Ông Võ Văn Liêm - ấp 9A2, xã Vị Bình - bộc bạch: “Ngày trước nông dân mạnh ai nấy làm nên rất cực, tốn nhiều công sức, chi phí, mà lợi nhuận không bao nhiêu. Năm 2021, khi HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Kiến Thành được thành lập, 111 hộ ở địa phương tình nguyện tham gia và được hướng dẫn trồng lúa VietGAP, lúa hữu cơ với các giống như ST25, Đài Thơm 8… có liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu, giá bán cao hơn thị trường 300-500 đồng/kg.
|
Cánh đồng “ruộng lúa bờ hoa” thân thiện với môi trường ở Hậu Giang |
Nhờ sản xuất đồng loạt, quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa và công nghệ tiên tiến… nên chi phí giảm, năng suất tăng lên 8 tấn/ha, chất lượng lúa tốt nên lợi nhuận lên đến 40-50 triệu đồng/ha/vụ”.
Theo ông Đặng Thanh Hùng - Trưởng ấp 9A2, xã Vị Bình - mấy năm nay, khi HTX được Nhà nước hỗ trợ đê bao khép kín, đầu tư trạm bơm điện, máy bay không người lái; đặc biệt là các tổ chức quốc tế giúp nông dân về quy trình sản xuất lúa sạch, thân thiện môi trường, đưa bà con đi học hỏi các mô hình hiệu quả, bà con đã dần thay đổi sang phương thức trồng lúa hiện đại, không còn ai vứt chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi ngoài đồng ruộng như trước.
Ngoài ra, bà con còn trồng hoa dọc bờ ruộng, bờ kênh tạo nên “ruộng lúa, bờ hoa” vừa đẹp vừa giúp hạn chế sâu bệnh. Cánh đồng lúa của xã Vị Bình giờ “xanh, sạch”, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, ai thấy cũng mê.
Cũng ở Hậu Giang, nhiều nông dân xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ) phấn khởi khi vừa được ngành nông nghiệp và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức hỗ trợ sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP. Mô hình giúp giảm lượng giống gieo sạ 20kg/ha; áp dụng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, IPM, trồng hoa trên bờ ruộng để tạo môi trường cho thiên địch sinh sống và bắt mồi (sâu, rầy); áp dụng tưới nước ướt, khô xen kẽ; sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, từ đó tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, số lượng lớn, hạt đồng đều.
Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - cho hay: “Cách làm này giúp chi phí sản xuất giảm hơn 4,5 triệu đồng/ha, giá bán cao hơn thị trường nhờ lúa sạch. Ngoài ra, bà con còn tận dụng nguồn rơm rạ để sản xuất nấm, góp phần giảm phát thải khí CO2 và tăng thêm thu nhập”. Ông Tuyên cho biết thêm, dù chỉ mới triển khai thí điểm tại một số HTX trên địa bàn tỉnh, nhưng những tín hiệu đạt được bước đầu rất tích cực.
Các mô hình giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo sức khỏe cho nông dân và người tiêu dùng. Đây là tiền đề để Hậu Giang triển khai thực hiện 28.000ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh trong năm 2025, theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT).
Ở An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ… những cánh đồng lúa xanh, phát thải thấp, thân thiện môi trường cũng ngày càng nhiều. Trên cánh đồng 80ha lúa sạch của HTX Nông nghiệp Thuận Thắng (xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), ông Dương Văn Siêu - Phó giám đốc HTX - khoe, vài năm nay nông dân xứ này đã từ bỏ cách trồng lúa đại trà, phun thuốc tràn lan để chuyển sang canh tác VietGAP tạo ra hạt lúa sạch từ những cánh đồng xanh.
Các xã viên tham gia HTX đã được ngành nông nghiệp và dự án GIC (do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ) huấn luyện, xây dựng mô hình sản xuất lúa sạch, sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường, nâng cao năng lực kinh doanh cho các HTX lúa gạo. Các lớp tập huấn còn giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp để nâng cao thu nhập. Trong năm 2024, cả ba vụ đông xuân, hè thu và thu đông các xã viên canh tác VietGAP đều trúng đậm, lợi nhuận 40-50 triệu đồng/ha/vụ.
Ông Nguyễn Danh Dũng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiến Dũng (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) - thông tin, năm nay HTX đại diện cho hàng trăm xã viên ký kết việc bao tiêu đầu ra với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên diện tích hơn 220ha mỗi vụ, tiêu thụ gần 3.000 tấn lúa sạch với giá cao hơn thị trường 300-500 đồng/kg, giúp bà con an tâm sản xuất theo hướng liên kết bền vững…
Nông dân “thế hệ mới”
Ông Nguyễn Văn Sử - Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ - nói: “Thời gian qua chúng tôi đã chọn 10 HTX sản xuất lúa gạo điển hình ở các huyện Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ… tham gia dự án GIC. Có hơn 1.200 nông dân được tập huấn IPM, được hướng dẫn sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải CO2, kết nối thị trường tiêu thụ…
Hiện tại, TP Cần Thơ đang chủ động thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cưu Long đến năm 2030.
Theo đó, giai đoạn 1 (2024-2025) triển khai 38.000ha với 34 HTX tham gia. Giai đoạn 2 (2026-2030) nâng diện tích lên 50.000ha. Tới đây, TP Cần Thơ sẽ hoàn thiện hệ thống thủy lợi, xây dựng thêm trạm bơm điện, mở rộng giao thông nông thôn phục vụ đề án”.
Tỉnh Đồng Tháp cũng đang khẩn trương triển khai mô hình thí điểm của đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh với mục tiêu: năm 2024 có 20.000ha ruộng lúa tham gia, năm 2025 tăng lên 50.000ha, năm 2030 hơn 160.000ha. Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - chia sẻ: “Mới đây, khi thu hoạch thí điểm vụ thu đông 2024 tại HTX Nông nghiệp Thắng Lợi, huyện Tháp Mười cho thấy, 20 xã viên tham gia đã áp dụng quy trình canh tác bền vững sạ hàng kết hợp vùi phân nhằm giảm lượng giống 80kg/ha, giảm lượng phân bón 50kg/ha, giảm 5 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm 399 đồng/kg giá thành sản xuất… trong khi lợi nhuận cao hơn 4,2 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng nhờ được 5 doanh nghiệp liên kết đầu vào và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt là còn giảm được 4,92 tấn CO2 cho mỗi ha”.
|
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long trồng lúa sạch, có liên kết đầu ra, thu lời 40-50 triệu đồng/ha/vụ trong năm 2024 |
Theo Bộ NN-PTNT, kết quả thí điểm của đề án tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long rất khả quan. Tuy nhiên, để nhân rộng và phát triển bền vững thì còn nhiều việc phải làm, trong đó có đào tạo một đội ngũ nông dân “thế hệ mới”. Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN-PTNT - cho hay, đã lên kế hoạch đào tạo quy trình sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh cho hơn 1 triệu nông dân, cùng các HTX, cán bộ quản lý… ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2024-2030.
Tất cả sẽ được tập huấn bài bản về sản xuất lúa hiện đại, tăng trưởng xanh, giảm phát thải từ lý thuyết cho đến thực tế trên đồng ruộng, đồng thời áp dụng đánh giá giảm phát thải ở cấp độ hộ nông dân. Đây được xem là khâu quan trọng trong việc giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất, thay đổi cách nghĩ, cách làm theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường. Những nông dân được đào tạo này sẽ góp phần lan tỏa mô hình sản xuất xanh, giảm phát thải rộng khắp ra toàn vùng.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết, đã khảo sát năng lực và hiện trạng sản xuất, liên kết tiêu thụ lúa gạo của 400 HTX đăng ký tham gia đề án. Một trong những hạn chế của các HTX là quy mô nhỏ về diện tích, thành viên còn ít; các dịch vụ trong chuỗi lúa gạo chưa đa dạng; năng lực quản lý và điều hành của ban quản trị HTX chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…
Đây là những vấn đề cần khắc phục sớm. Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nông nghiệp, khuyến nông cộng đồng nhằm hỗ trợ các HTX và nông dân tham gia đề án, hướng tới nền sản xuất lúa gạo bền vững, căn cơ…
Huỳnh Lợi
Kỳ cuối: Phải tăng thu nhập cho người trồng lúa