Sống với yêu thương

02/04/2015 - 20:40

PNO - PN - Joy Haizelden là vận động viên (VĐV) nhỏ tuổi nhất trong đội tuyển bóng rổ xe lăn nữ của Anh sẽ tham dự Paralympic Rio 2016 ở Brazil. Năm 2013, mới 16 tuổi, Joy đã được giới chuyên môn chú ý khi đội bóng của em đoạt huy chương...

edf40wrjww2tblPage:Content

Điều bất ngờ, Joy Haizelden không phải là người Anh chính gốc. Đằng sau chiến tích đáng mơ ước nói trên là nỗ lực phi thường của Joy và người chị tên Miriam. Họ đã trải qua thời thơ ấu đầy đau buồn ở cách nước Anh cả vạn cây số. Đến nay, họ vẫn phấn đấu không ngừng để vượt qua định mệnh khắc nghiệt.

Joy và Miriam là hai cô gái người Hoa không cùng chung máu mủ nhưng có số phận đáng thương như nhau: bị cha mẹ ruồng rẫy, bỏ rơi nơi bậc thềm trại mồ côi ở một thành phố lớn của Trung Quốc lúc còn đỏ hỏn, vì mắc chứng Spina Bifida (nứt đốt sống). Đây là một khuyết tật hiếm gặp của ống thần kinh, làm teo cơ chân. Tận đến bây giờ, họ thành thiếu nữ, nhưng cũng không biết tên tiếng Hoa của mình bởi khi lén lút bỏ con trước trại mồ côi, cha mẹ họ không để lại dòng chữ nào.

Song voi yeu thuong

Joy (bìa trái) và Miriam Haizelden - NGUỒN: SA

Nhưng, trong cái rủi có cái may. Hai em được ông bà Jim và Margaret Haizelden ở thành phố cảng Southampton, thủ phủ hạt Hampshire, nhận làm con nuôi vào năm 2005. Lúc đến quê cha mẹ nuôi, Joy lên sáu còn Miriam lớn hơn một tuổi, hai em chỉ biết nói tiếng Hoa. Ông Haizelden kể lại: “Chúng tôi biết chút ít tiếng Hoa nhưng không đủ để giao tiếp với hai cháu. Cũng may, một người bạn biết tiếng Bắc Kinh thỉnh thoảng đến nhà trò chuyện với chúng. Lúc nào bí quá, tôi gọi điện cho bạn nhờ phiên dịch lại cho con”. Chuyện bất đồng ngôn ngữ rồi cũng qua mau. Joy và Miriam khá thông minh, học hành không tệ. Cả hai đến với môn bóng rổ xe lăn thật tình cờ. Miriam kể lại: “Cha luôn muốn chúng tôi vận động nhiều, không muốn chúng tôi ngồi xem truyền hình hoặc ru rú trong nhà suốt ngày”.

Năm 2011, ông Haizelden dẫn Joy và Miriam đến xem triển lãm xe lăn thể thao. Tại đây, các em gặp lại bạn cũ thời tiểu học trong khi hai người cha trao đổi kinh nghiệm chăm sóc trẻ khuyết tật. Rồi ông Haizelden được giới thiệu tới câu lạc bộ bóng rổ xe lăn: “Em tôi là người đầu tiên thích môn thể thao này” - Miriam hào hứng kể.

Joy hăng hái tham gia lớp huấn luyện môn bóng rổ dành cho người khuyết tật và tiến bộ rất nhanh. Trong khi Miriam chú ý nhiều hơn đến hoạt động bên lề môn thể thao này: “Tôi thích cuộc sống tự do và sôi động nên chú tâm nhiều đến hoạt động xã hội. Mãi đến khi em Joy đạt thành tích tốt ở giải vô địch U-25 châu Âu năm 2013, tôi mới tập luyện nghiêm túc môn bóng rổ xe lăn”. Giờ đây, mục tiêu lớn nhất của Miriam là trở thành một VĐV bóng rổ. Tất nhiên, ông bà Haizelden hiểu và ủng hộ Miriam hơn ai hết.

Song voi yeu thuong

Ông bà Haizelden và hai đứa con nuôi năm 2005 - NGUỒN: SA

Miriam và Joy học chung với nhau từ năm 2011. Năm 2014, cả hai tham gia Hội thao trường Sainsbury, và đều được nhận vào GB Futures, trại huấn luyện VĐV khuyết tật nổi tiếng của Anh.

Thử thách của Joy còn gay go hơn Miriam. Năm 2008, Joy lâm bệnh, các bác sĩ phát hiện tim của cô nhiễm một loại virus, khiến hiệu suất tim chỉ còn 10%. Tuy nhiên, được cha mẹ nuôi chăm sóc tận tình với tình thương yêu vô bờ bến, sức khỏe của Joy dần phục hồi hoàn toàn. Bằng chứng là Joy liên tiếp gặt hái chiến tích trên ghế xe lăn tại quê nhà và trên đấu trường quốc tế.

Hai em hiện trở thành tấm gương giúp các bạn trẻ chẳng may bị khuyết tật khám phá thế giới thể thao trên xe lăn. “Hãy tin vào chính mình. Trở ngại lớn nhất từng là bản thân tôi. Trước đây ai nói gì, tôi cũng không tin vào bản thân. Giờ đây, tôi đã trưởng thành với tư cách là VĐV” - Miriam, VĐV đội Blackhawk, tâm sự.

 TRỌNG NGHĨA
(Theo Mailonline, Dailyecho và British Wheelchair Basketball)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI