Vụ án người mẹ giết con trai nghiện rượu mới đây làm xôn xao cộng đồng. Nhiều người trách bà mẹ dã man, máu lạnh. Thế nhưng, dù không thể chấp nhận hành vi của bà mẹ, tôi vẫn thấy tội nghiệp người mẹ của kẻ nát rượu; bởi tôi thấy hình ảnh của má và các chị dâu mình trong đó.
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Nhà có chồng và 4 con trai nghiện rượu
Mới tờ mờ sáng, ba tôi đã ngồi bên chai rượu. Ông bưng chung rượu bằng cái tay run run (di chứng của nghiện rượu). Uống vài ly, ông chửi đổng: “Tao chán cái nhà này quá, con cái chẳng được tích sự gì, chỉ giỏi báo hại báo đời. Cái nhà này nợ nần tứ phía cũng vì tụi bây phá gia chi tử”.
Mấy câu chửi này đã đánh thức anh Năm, anh Bảy tôi dậy. 2 người vẫn còn trong cơn say khướt đêm qua, trả treo: “Ông tưởng ông ngon hả ông già? Ông cũng suốt ngày say xỉn nên cơ nghiệp mới lụn bại, mắc gì chửi tụi tui?”. Khi đó, ba nhảy dựng lên, lao vào anh tôi. Nhưng, chân ba không kịp chạm vào 2 anh, vì má tôi đã lấy thân mình ra che chắn. Có lúc, ba tôi kịp thu chân lại, có lúc bụng, ngực, má hứng trọn những cú đá của ba. Những lúc ấy, má tôi vừa can, vừa khóc: "Má lạy 2 con, 2 con đừng nói nữa. Dù đúng sai cũng là ba tụi con, con làm ơn nhịn dùm má đi con!".
Rồi má lại quay qua ba tôi: "Tui cũng lạy ông, tụi nó bị vợ con bỏ nên mới buồn rầu, rượu chè. Ông bỏ qua đi!".
Đó chỉ là “khúc dạo đầu” nhẹ nhàng buổi sáng. Buổi tối mới là địa ngục của má tôi. Cứ chạng vạng là má tôi qua nhà bác Tám và bác Bảy - 2 nhà kế bên để xin lỗi trước, vì chỉ trong chốc lát, 4 anh tôi sẽ kéo về trong tình trạng say bét nhè và kiếm chuyện chửi nhau, chửi hàng xóm. Thường là anh Tư và anh Sáu về trước.
Anh Tư hay bị vợ càm ràm nên thường xuyên lánh nạn ở nhà ba má. Còn anh Sáu sau nhiều lần cai rượu không thành, cũng bị vợ bỏ, dẫn theo 3 đứa con về nhà ngoại. 2 anh xỉn là hát đến khuya, từ boléro cho đến tân cổ giao duyên và cả trích đoạn cải lương. Có lúc đang hát, anh Tư chửi anh Sáu: "Bài Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà là bài ruột của tao, một chút tao hát, ai cho mày hát trước, mất dạy hả mậy?". Anh Sáu cự lại: "Ông kỳ cục quá, nãy ông hát bài Chợ Mới của tui, tui có nói gì đâu".
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Thế nhưng, sự ồn ào này vẫn là quá bình yên so với lúc anh Năm và anh Bảy về. Khi tiếng xe gầm rú, bô xe nẹt ầm ĩ xa xa là má giục tôi vô phòng. Còn chị Bảy dắt con trai 4 tuổi chạy như bay xuống nhà bác Tám, chui vô gầm bàn thờ hoặc ra nghĩa trang sau nhà. Mấy lần chị dâu tôi chậm chân, bị chồng túm được, nắm tóc kéo lê, rồi tát, đấm đá dù chẳng có mâu thuẫn gì. Không thấy vợ, anh Bảy gào lên: “Con M. về mau, tao kiếm được mày, tao đánh là ba má mày nhìn không ra luôn”. Kêu vợ không được, anh Bảy chửi rủa 2 nhà hàng xóm, rồi anh Năm cũng phụ họa chửi tưng bừng.
Má tôi theo sát 2 ông con, nài nỉ: "Má lạy 2 con, 2 con thương má, 2 con vô nhà ngủ đi con". Nhưng 2 anh chỉ dừng chửi hàng xóm khi chuyển qua chửi anh Sáu và anh Tư vì "thằng P., thằng V. (tên 2 anh lớn) câm đi, hát như c.c.". Anh Tư điên lên: "2 thằng bây là em mà mất dạy, thứ ăn nhậu phá làng phá xóm, hèn gì vợ con bỏ đi là phải rồi". Khi đó, 4 cái đầu nóng lao vào nhau, đấm đạp tá lả. Các anh rút dao, thanh sắt... chực lao vào nhau. Má nhào vô ôm đứa con này, rồi lại ôm đứa kia. Bà gào bất lực: "Tụi con muốn đâm chém, muốn giết thì giết má đi, má chẳng muốn sống nữa. Hết ba tụi bây làm khổ má, giờ đến tụi bây. Tụi bây để má chết đi, má chết còn sướng hơn sống nữa".
Thấy người mẹ vốn hiền lành, nhẫn nhịn bỗng nổi giận, 4 anh tôi chùng lại. Má thu vũ khí của từng người đem giấu rồi dật dờ ngồi canh 4 đứa con lè nhè chửi suốt đêm. Tới khi tàn trận thì trời hửng sáng. Những năm tháng đó, tôi chỉ có một khát khao: đi khỏi nhà, kiếm nhiều tiền và đưa má tôi theo. Thế nhưng, tôi mới thực hiện được 1/2 ước mơ, khi tôi đang học năm cuối đại học thì má tôi qua đời vì đột quỵ ở tuổi 66.
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Có thể lựa chọn số phận?
Cái chết của má là một đòn giáng mạnh vào cả nhà tôi. Tôi day dứt mãi với hình ảnh những tháng cuối đời, khi ba tôi và anh Sáu, anh Năm, anh Bảy bị loạn thần do rượu, má và chị Bảy phải vào bệnh viện chăm cả bốn người. Nhìn má, chị Bảy tất tả giữa chồng, con trong cơn điên loạn, nói năng lảm nhảm và những phụ nữ có chồng nghiện rượu tôi thấy đời họ quá thảm. Tôi chợt điểm lại những người phụ nữ trong gia đình mình và nhận ra bất hạnh hay bình an phụ thuộc nhiều vào sự lựa chọn của mỗi người.
Chị Năm, chị Sáu - sau cả chục năm chịu đựng ông chồng say xỉn, bạo hành, không lo làm ăn đã mạnh dạn chọn cuộc đời làm mẹ đơn thân. Chị Năm lên TPHCM, theo em gái làm nghề may chuyên bỏ sỉ quần áo. Mẹ con chị làm chủ xưởng may ở quận Bình Tân, cuộc sống khấm khá, ổn định. Cách đây 4 năm, khi anh Năm lại bị loạn thần do rượu rất nặng, tưởng không qua khỏi, chị Năm và 2 con đã đưa anh đi điều trị ở Bệnh viện Tâm thần TPHCM và sau đó đón về sống cùng. Đến nay, anh Năm tôi đã bỏ hẳn rượu và điều má tôi mong mỏi nhất khi xưa đã thành hiện thực: anh Năm có việc làm ổn định (bảo vệ siêu thị) và vợ chồng anh Năm tái hợp.
Chị Sáu khéo tay, làm bánh ngon nên đã mở tiệm bánh ngọt ngay chợ huyện, cuộc sống khá giả, bình yên. Sau này, anh Sáu bị phát hiện u não, mẹ con chị về chăm anh hơn 1 năm cuối đời. Anh cứ khóc vì nỗi buồn bệnh tật và đã không làm tròn trách nhiệm với vợ con. Anh Sáu mất khi mới 49 tuổi.
Chị Tư không quá cam chịu, nhưng cũng nhún nhường nên cuộc sống như trò may rủi. Hôm nào chồng không nhậu thì gia đình vui vẻ, còn chồng “quắc cần câu” thì 2 người cãi nhau dữ dội. Cách đây 2 năm, anh Tư tôi qua đời vì bị ung thư phổi ở tuổi 58.
Còn chị dâu thứ Bảy, suốt 21 năm hôn nhân, chị “ăn” không biết bao trận đòn của chồng. Chị là dâu út, sống cùng ba má tôi nên sự cam chịu của chị cũng ảnh hưởng phần nào từ mẹ chồng. Sau khi ba tôi mất, 2 con trai đã lớn, chị bắt đầu phản kháng khi bị chồng bạo hành. Lần đầu, anh Bảy đã rất sốc vì vợ không còn “ngoan” như trước. Anh hùng hổ lao vào định đánh chị như trước. Chị né đòn dễ dàng trước ông chồng nghiện rượu ốm yếu. Đánh không được, anh tôi lôi cả họ nhà vợ ra chửi. Chị dâu ức quá móc điện thoại định báo công an.
Thật ngạc nhiên, anh tôi chùng xuống, làu bàu “vợ gì hung như quỷ” và sau đó anh đi ngủ. Sáng sớm đó, trước khi anh tôi “súc miệng” bằng rượu, chị Bảy đã “xả” 22 năm qua chị đã nhịn nhục, chịu đựng chồng và làm trụ cột vất vả thế nào. Chị tuyên bố: “Bây giờ ba má đã mất, 2 con đã lớn, nếu ông còn say xỉn và mạt sát, đánh đập tôi như trước thì tôi không nhịn nữa đâu. Tôi sẽ ly hôn, còn ông muốn sống sao cũng được”.
Từ hôm đó, anh tôi “thiệp” hẳn và mọi người nhận ra: “Vì ai cũng nhịn nên anh tôi quen thói hung hăng”. Đến nay, sau 6 năm (từ khi chị dâu tôi vùng lên), anh Bảy tuy vẫn còn nhậu, nhưng đã chừng mực và luôn chừa tỉnh táo để giữ cháu nội trong lúc vợ đi bán cơm sáng - chiều. Đặc biệt, anh tôi đã bỏ hẳn thói bạo hành vợ. “Đến giờ tôi mới sống như con người, chứ trước đây ngày nào cũng trốn chui trốn nhủi ổng” - chị Bảy nói.
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Nghiện rượu và những hệ lụy liên quan đến rượu đã và đang diễn ra từ thôn quê đến thành phố. Nạn nhân của tệ nạn này hầu hết vẫn là phụ nữ. Có rất nhiều phụ nữ cả cuộc đời sống trong bi kịch, bị bạo hành triền miên vì chồng/con nghiện rượu. Có một điểm chung ở những nạn nhân này là chịu đựng, không dám phản kháng. Với 5 người phụ nữ trong gia đình tôi, đều vướng phải những người chồng nát rượu. Thế nhưng, cuộc đời của mỗi người sướng - khổ khác nhau được quyết định từ chính sự lựa chọn của họ.
Dù chồng nát rượu, mỗi phụ nữ vẫn còn có một bảo bối là quyền được lựa chọn: chịu đựng hay phản kháng; sống tiếp hay dừng lại; nhờ chính quyền, đoàn thể can thiệp khi bị bạo hành… và nên sử dụng bảo bối này một cách hiệu quả. Nói như chị Năm tôi: “Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, giàu nghèo không biết, nhưng phải sống vui và bình an”.
Giang Thùy