edf40wrjww2tblPage:Content
Là vì, cái sự ghen tuông không thể định nghĩa. Người ta định nghĩa ghen là yêu, ghen là sở hữu, ghen là mất lòng tin, là nghi ngờ… đều đúng cả, nhưng lại cũng chẳng chính xác được với ai. Đàn bà ghen như ớt hiểm thường lại tự nhận mình chẳng biết ghen gì đâu. Đàn ông ghen đến mức giết chết bạn tình lại định nghĩa đó không phải là ghen tuông mà là thù hận. Mà thôi cũng không cần định nghĩa. Ai cứ thử một lần bị ngọn lửa ghen tuông nung nấu, sẽ biết ngay thế nào là ghen.
Là vì, cái sự ghen tuông không thể phân tích, lập luận theo kiểu một học thuyết hàn lâm. Không bà lớn nào ghen bác học cũng chẳng mợ nào ghen bình dân. Hễ máu ghen nổi lên là ai nấy đều biến thành… kẻ khác, kẻ mà trước đó mình không bao giờ hình dung mình sẽ trở thành. Bởi không có học thuyết “Ghen học”, nên người trước nối người sau, dù đã nghe đã biết bao chuyện cổ kim, đều lặp lại màn ghen tuông một cách mù quáng.
Người tự hủy hoại bản thân, người trở nên dữ dằn hung bạo đến mức phạm tội, người bỏ bê gia đình con cái, người dấn thân vào những mối quan hệ trả đũa rẻ tiền… Nổi tiếng đến như Hoạn Thư, “danh gia” từng được giới học giả văn chương mài bút viết bao nhiêu ngàn trang giấy phân tích là “ghen gia”, mà cũng đành chấp nhận cuộc đánh ghen lắm công phu nhưng rốt cuộc chẳng thành.
Nỗi giận dữ ẩn sâu trong mỗi con người
Người ta đến với nhau bằng tình yêu chứ không phải bằng nỗi sợ hãi ghen tuông, hay lời cam kết sẽ không bao giờ phản bội. Ghen, như một hệ quả, một câu chuyện tập 2 của tình yêu, của hôn nhân, không thể dự đoán. Chỉ có cách chấp nhận thôi: trong mỗi người đàn bà đều có một ngọn lửa ghen tuông ngủ yên. Ngọn lửa ngủ ấy được bọc bằng một lớp giấy mỏng tang, chỉ mảy may sự thay đổi trong cảm xúc, chỉ vướng vất chút bóng mây của nỗi nghi ngờ, đều bùng lên thành ngọn lửa ghen tuông khủng khiếp có thể thiêu rụi mọi công sức, công trình. Biết và chấp nhận ngọn lửa ngủ ấy trong mỗi con người, để đừng khơi dậy nó, để nếu có thể thì dẫn nguồn năng lượng của nó đi theo hướng tích cực hơn.
Qua bao nhiêu câu chuyện chia sẻ trên diễn đàn, có thể thấy ghen mang tính cá nhân rõ rệt. Cách đánh ghen cũng được cá biệt hóa triệt để. Không ai giống ai, cũng không ai giống mình trong mỗi cuộc ghen tuông. Có thể, đâu đó có chuyện một chị đã tìm ra cách “mắt nhắm mắt mở”, bớt ghen mà sống cho bình yên.
Có thể, đâu đó có anh đã tụng ca vợ như “bà xã tuyệt vời”, hẹn đến kiếp sau có lấy vợ cũng lấy bà xã ấy mà thôi, bởi chị nhà đã để anh yên ổn trong hoàn cảnh có thêm bà nhỏ cùng cô con gái riêng ngoan hiền. Có thể, đâu đó có người tuyên bố “không bao giờ ghen vì đó là hành động mất văn hóa”… Nhưng người đọc đều hiểu, đều biết rằng đó là những lúc mà cơn ghen bị lý trí kìm hãm, những lúc bình tĩnh phải “ngoại giao” với đời cho nó có sắc màu văn hóa, chứ thực ra thì, xét cho cùng, có khi họ còn là những người ghen khủng khiếp nhất, ghen tàn bạo nhất chứ khác gì ai.
Nỗi giận dữ ẩn sâu trong mỗi người cũng là một phần của chúng ta, một sinh thể sống ẩn trong một sinh thể sống. Hãy cho nó không gian sống phù hợp, đừng mất công tìm cách loại bỏ nó, đừng tuyên bố “không bao giờ ghen”, đừng ảo vọng đến một ngày ghen sẽ trở thành một loại hình gì đó có đề thi mẫu và bài giải mẫu theo kiểu như anh A thì là ghen có văn hóa còn như chị B thì là ghen vô văn hóa. Bản chất con người phức tạp, sự bí ẩn này cũng chỉ là một trong những điều mà nhân loại chưa hiểu hết về mình. Thử nghĩ, tẻ nhạt biết bao nếu một ngày chẳng còn ai ghen tuông nữa, chẳng có ai gìn giữ mình, thì cũng đến lúc mình cũng chẳng còn muốn gìn giữ mình luôn…
Sống với ghen và ghen cho đáng sống
Vậy, cư xử với cơn ghen thế nào? Liệu có lớp học “ghen một cách văn hóa”? Học xong liệu có thực hiện được hay vẫn ghen tứ tung, tanh bành như ngày xưa? Có thể có, lớp học ghen, như một lộ trình điều trị bệnh ghen. Nhưng phác đồ điều trị chuẩn cho đến giờ chỉ là điều trị cắt cơn, điều trị cấp tính.
Cần dứt người có bệnh ghen ra xa đối tượng bị ghen, để tránh xô xát, cãi vã hành hung, tránh nặng lời cắt sâu vào lòng nhau những vết thương không bao giờ hàn gắn được. Cần cách ly nguồn vi trùng, nguồn lây nhiễm - người thứ ba, kẻ gây ra bệnh này, để họ có thời gian và không gian hối lỗi, lành bệnh, để không gây thêm cơn sốt nóng nào. Căn bệnh này đừng mong điều trị tận gốc, vì có khi gốc rễ nó cũng là xương tủy, tim óc của con người, đào bới vào là đau đớn lắm. Chỉ có thể gói nó lại, bọc kín, rồi để nó tự suy hao dần…
Đã không ít diễn đàn về ghen mở ra. Đã không ít khóa tư vấn, lớp học giữ chồng, nhưng tựu trung là: chẳng có cách ghen nào mới. Ghen là một tình - cảm - xúc cũ mèm, thiên cổ. Ai chẳng có lần nói dóc mình không ghen, nhưng cứ thử chờ đi, “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Không vật vã khóc than, là vì đã khóc thầm đến đứt ruột; không gào khóc, kết tội, đập phá đồ đạc, xé áo xé quần, là vì đã có những kế hoạch trả thù tàn bạo hơn, đau đớn hơn.
Cơn ghen của phụ nữ có thiên hướng đổ lỗi, trừng phạt lẫn nhau, tàn phá đồng loại, nhất là tàn phá chính chị em mình, vừa níu giữ vỏ bọc hôn nhân, vừa phá ruỗng tất cả những gì trong ruột cuộc hôn nhân ấy. Cơn ghen của nam giới thường có kết cục là tan vỡ, không thể tha thứ, không thể chấp nhận. Suy cho cùng tất cả đều là hủy hoại và tự hủy hoại cả mà thôi.
Lặn lội vào trong từng cơn ghen, diễn đàn “Văn hóa ghen” có một câu chuyện rất đồng cảm và thực tiễn: “đừng trách người ta sao hay nghi ngờ, sao hay ghen bóng ghen gió. Thực ra, nạn nhân đủ nhạy cảm để biết mình đang vuột mất điều gì”. Giật mình: hình như thỉnh thoảng mình cũng thấy nhói lên một cảnh báo về điều gì đó mà mình đang vuột mất, dù đó là gì chẳng rõ.
Chỉ vì mình đã dặn lòng không được nghi ngờ, không được ghen bóng ghen gió, nên mình đã bỏ qua nó đi? Hay cơ thể hôn nhân đã già cỗi không đủ nhạy cảm để nhận biết những dấu hiệu của một căn bệnh nào đó đang thâm nhập? Thực ra, như cơn nhức đầu, sổ mũi, một liều lượng ghen vừa đủ là cần thiết, để cảnh báo về những diễn tiến có thể nặng nề hơn của bệnh tật. “Vừa đủ” đến đâu là tùy sức chịu đựng của mỗi người.
Nếu tháo gỡ hàng rào phòng vệ đó, những con vi trùng mang tên “sự gian lận trong hôn nhân”, “mất lòng tin”, “sự lường gạt”… sẽ đẩy cả cơ thể hôn nhân này tới lúc phải trả giá. Đến đó thì đã quá muộn, vì có ghen hay không, ghen dữ dội bạo tàn đầu đường xó chợ, hay ghen có văn hóa, thì cũng có giải quyết được gì nhiều nữa đâu…
HOÀNG MAI
(1) Nguyễn Du: "Rằng tôi chút phận đàn bà. Ghen tuông thì cũng người ta thường tình..."