Chồng sơ hở là bị quy cho đủ thứ tội. Kinh nghiệm ăn nói có tài ba cỡ nào, anh em cũng khó thoát “lưới luật” của bà vợ đầu ấp tay gối. Tôi cưới vợ đến năm thứ tám, yêu nhau đến năm thứ 15, vẫn phản lưới nhà như thường.
Chuyện mới nhất, một tối, vợ tôi vừa than vãn vừa mè nheo: “Mỹ phẩm hết hàng loạt, không có tiền mua chồng ơi, cho em tiền…”. Hẳn nhiên, đó là một mệnh lệnh dưới vỏ bọc xin xỏ. Tôi luôn sẵn lòng chi tiền cho nàng làm đẹp. Thế nhưng trong cơn nhiệt tình, tôi cao hứng nói: “Vợ cũng phải ăn uống heo-thì, tập thể dục đều đặn nữa thì mới đẹp được”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Nàng lập tức sa sầm, ra chiều cụt hứng. Tôi biết mình đã sai ở đâu đó (dù chưa biết chính xác là sai ở đâu), nên lập tức nói: “Không không, em cứ làm đẹp chứ, nhưng anh muốn em khỏe khoắn lên nữa”. Vừa nói tôi vừa thấy lời thật thừa thãi. Nhưng dường như nhận thấy tôi có vẻ… nhận ra vấn đề, nàng nhanh chóng lật bài ngửa: “Người ta đang xin tiền thì chỉ việc nói cho hoặc không thôi. Vừa cho tiền vừa dạy dỗ là điều tối kỵ, nó khiến người ta thấy tụt mood, thấy không muốn nương tựa, cậy nhờ nữa”.
Tôi cười xuề xòa, ra chiều “tại anh cả”, xuống nước tự giễu mình: “Ờ, anh làm như nói điều đúng đắn là hay lắm”. Nàng được lời như cởi tấm lòng, nói: “Ai mượn anh đúng. Trong lúc người ta đang vòi vĩnh thì chỉ cần đáp ứng. Đã sai trọng tâm mà còn nói đúng thì càng sai”.
Bài học rút ra: khi vợ đang vòi vĩnh thì mình chỉ việc vào vai gia trưởng “tiền đây, em cầm đi” để xứng đáng là chỗ dựa đáng tin cậy, không cần mở rộng đề tài, bàn bạc, dạy dỗ gì hết.
Nói vậy, chứ kinh nghiệm vô biên, dù tôi đã cảnh giác cao độ mỗi lần nàng vòi vĩnh vẫn gặp chuyện. Một ngày đẹp trời, nàng tuyên bố: “Mình phải tiết kiệm lại, nhất là khoản ăn uống. Từ nay, tới bữa thì về ăn cơm chị Hòa (giúp việc) nấu”.
Nàng huyên thuyên đủ thứ “dự định” cho mục tiêu tiết kiệm. Tôi nghe cũng thấy hào hứng; không phải vì số tiền sẽ tiết kiệm được, mà vì cái vẻ quyết tâm, suy tư nghiêm túc của vợ cho một việc mà nàng vốn chẳng bao giờ quan tâm. Thế là tôi cũng nhập cuộc.
Trong bữa cơm hôm đó, tôi cao hứng khen chị Hòa nấu ăn ngon ghê, vậy mà trước nay mình chẳng mấy khi muốn về nhà ăn cơm, toàn rủ nhau đi ăn tiệm. Vợ gật gù. Tôi lại vui miệng hiến thêm vài kế tiết kiệm, lan sang cả chuyện đi chơi, giải trí cuối tuần. Tôi thao thao bất tuyệt đến cả quan điểm cho/tặng quà/tiền cho bạn bè, người thân trong những dịp đặc biệt…
Tôi đang nói hăng say thì vợ buông đũa, nhìn tôi trân trối: “Anh để em ăn cho ngon có được không?”. Tôi lúng túng và thấy mình oan ức quá. Nhưng vì biết cảm xúc tiêu cực trong nàng đang dâng cao, càng đối chất thì thể nào phần sai cũng về mình. Tôi bèn im lặng.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Mãi đến đêm đó, tôi mới lân la hỏi vợ xem mình sai ở đâu. Tôi chỉ đang tiếp tục đề tài tiết kiệm mà nàng xướng lên thôi mà. Lúc này, như đã nguôi giận, nàng giảng giải: “Em là người giữ tiền, chịu trách nhiệm chi tiêu gia đình. Vậy nên việc anh đề ra chủ trương tiết kiệm với các yêu cầu a, b, c chẳng khác nào giao nhiệm vụ cho em. Chẳng có ai lại đi giao nhiệm vụ khi người ta đang ăn cả. Anh nói như vậy là không đúng lúc”.
Tôi ừ à, cố gắng tiêu hóa lý lẽ này. Dường như nói thế vẫn chưa thật trọng tâm, nàng bồi thêm: “Vả lại, anh đề xuất thay đổi có nghĩa là trong sâu xa, anh chưa hài lòng với vai trò của em trong tài chính gia đình”. Tôi “ơ” lên đầy ngơ ngác.
Nàng nói: “Thì em biết anh không có ý đó, nhưng người nghe là em sẽ thấy như vậy. Cho nên, có một vài đề tài mà trong vị trí của anh, anh không cần nhiệt tình quá. Ba cái chuyện cắt giảm chi tiêu để một mình em nói là được rồi, anh mà nói vô là… dở lắm! Cũng giống như em không bao giờ dám chê xe cộ, nhà cửa, điện nước, vì đó là lĩnh vực của anh. Em cần gì thì chỉ việc đề xuất, anh tự lo liệu. Em mà đòi hỏi, chê bai thử xem anh có tụt mood rồi tự ái lên không”.
Tôi ú ớ. Thật là một kiến thức… sâu sắc, khó bề lĩnh hội nếu không được vợ cất công dạy dỗ. Quả thật, nếu cứ bị góp ý ở những lĩnh vực mình phụ trách, tôi cũng sẽ chẳng thoải mái gì, nhất là khi chuyện đang yên đang lành, chẳng có sự cố gì đặc biệt. Khi trong nhà có bà vợ là “cảnh sát ngôn ngữ”, mọi sự trái khoáy đều được “đánh hơi” từ rất sớm và nhanh chóng được mổ xẻ, phân tích, rút kinh nghiệm.
Phận làm chồng, suy nghĩ đơn giản, nói năng huỵch toẹt, nhiều lúc khởi lên một cái sai rất nhỏ, nhưng nếu không chấn chỉnh dễ tạo thành nếp, rồi cứ thế sai tiếp. Khi cái sai đã lớn, muốn sửa cũng khó hơn.
Sống với bà vợ nhạy cảm ngôn từ kể cũng vất vả. Nhưng nhờ khổ trước sướng sau, khi nàng giỏi gọi tên mọi ấm ức trong mình, tôi cũng có cơ hội nhìn nhận mà tránh những lối nghĩ dễ dãi có thể mang đến tổn thương lâu dài cho bạn đời.
Khánh Bảo