Sau chục năm lui tới bác sĩ và cả đền chùa cầu khấn mà chị vẫn không có con, bà cô bên chồng đánh tiếng anh cưới vợ hai kiếm đứa nhỏ cho nhà cửa đỡ trống vắng. Ừ, nhà không có tiếng khóc trẻ thơ thì quả là trống vắng, chị thấu hiểu điều này hơn ai hết và không oán trách gì. Nhưng nghĩ tới cảnh vợ lớn vợ bé, chị thấy chẳng những đau đớn mà còn nhục, thà ly hôn.
Má hốt hoảng, lỗi tại mình mà mình đòi bỏ chồng sao được hả con? Chị nói mình không làm gì nên lỗi, chỉ là số phận. Không lý lẽ lại được, má bật khóc, nhà có hai đứa con gái mà chị hai đã bỏ chồng rồi, nay tới con cũng vậy thì má mặt mũi nào nhìn hàng xóm láng giềng. Xin con, hãy vì má...
Ừ, thì vì má. Cũng may là nhà chồng chưa chính thức bày chuyện cưới xin thì chị bỗng thèm chua và nôn ọe. Nếu đong đếm được hạnh phúc thì khoảng thời gian nôn ọe oặt ẹo đó là chị được hạnh phúc nhất. Bao la yêu chiều...
Đến khi siêu âm, biết là con gái thì yêu chiều giảm dần. Nói cho công bằng thì chỉ giảm thôi, không đến nỗi hững hờ. Khi em bé ra đời, nhà chồng cũng rối rít mừng vui, tiệc đầy tháng rôm rả, quà cho bé chất cao như núi. Tới lúc chị mang thai đứa thứ hai, thằng cu ra đời với biết bao tưng bừng chào đón.
Tưởng tới khúc này đời mình hạnh phúc tròn đầy. Nhưng không, đó cũng là lúc chị biết chồng có người khác.
Chồng nói anh có người khác mà vẫn tròn trách nhiệm với mẹ con em. Mấy tiếng “tròn trách nhiệm” như dao cứa vào tim chị. Việc chậm có con khiến chị quyết định nghỉ việc để dồn sức chăm sóc chu đáo hết mức cho con. Chị lệ thuộc hoàn toàn vào chồng từ khi nào không hay.
Nổi giận muốn chứng minh sự lệ thuộc này chỉ là tạm thời mà thôi, chị tay bồng tay dắt hai đứa con ra đi. Mẹ chồng xuất hiện ngay cửa thở dài, đàn bà có con rồi thì sống vì con, những đứa bé hiếm muộn quen được nâng niu không dễ thích nghi. Đừng có cạn nghĩ mà lỡ con mình sơ sẩy trở tay không kịp rồi phải hối hận cả đời.
Sau này, khi tuổi năm mươi, nhớ lại chị mới nhận ra sự khôn khéo của mẹ chồng, chẳng lẽ con không hiếm muộn thì dễ dàng hơn sao? Nhưng ngay khi đó thì đúng là lý do khiến chị nao núng.
Vì con.
*
Dù được sự che chở tận tình của chồng chị nhưng người đàn bà đó không đến nỗi mặt dày mày dạn. Năm lần bảy lượt, người đàn bà tìm gặp chị và khóc, tại duyên số chị ơi chứ em cũng đâu đến nỗi, bao kẻ ngỏ lời mà trời đất xui khiến em thương trúng người đã có vợ.
Là chồng mình lừa người ta hay là…? Chị nghĩ bâng quơ trong đầu. Chỉ bâng quơ thôi, chứ nào thay đổi được mà phải nghĩ ngợi sâu xa cho nặng nề. Vô tình mà sự dửng dưng (cố ý) của chị lại được ghi nhận là giữ cho gia đình được êm ấm. Mẹ chồng cảm ơn nhờ chị nhẫn nhịn nên đường công danh sự nghiệp của con trai bà vẫn được yên ổn. Còn bà cô bên chồng thì nói chị khéo ăn ở nên giữ được chồng. Ý lồ lộ là sự nhẫn nhịn của chị là vì chính mình thôi, chẳng phải vậy sao?
- Cám ơn em đã vì anh.
Có lần chồng nói vậy. Dù cuộc sống vợ chồng không trọn vẹn nhưng cũng có lúc mềm lòng. Câu nói của chồng vang lên như một tiếng chuông khiến chị bối rối. Rõ ràng là anh không xứng để chị vì anh. Nhưng mà cũng rất thật là chị đang ở bên anh và dù bể dâu đến mấy thì chị cũng đường đường chính chính sánh vai cùng anh trong những dịp quan trọng. Chẳng phải nhờ sự nhẫn nhịn, cam chịu của chị mà thiên hạ nhìn vào mái ấm vẫn thấy là mái ấm đó sao?
Nếu không vì anh thì tại sao chị chấp nhận nổi vai diễn mệt mỏi và cũng là nỗi nhục suốt bao năm tháng dài?
*
Bất kể chị nghĩ mình vì ai thì cuộc sống vẫn trôi vun vút và cơn đau khớp tuổi năm mươi xuất hiện vào một ngày mưa. Chị khựng người ngay trước cổng nhà mình, cẳng chân cứng ngắc không nhúc nhích được.
- Má không đi được thì để con gọi bác sĩ tới khám cho má.
Con gái nói với nụ cười khiến chị ngạc nhiên và cảm thấy buồn. Rõ là cha nào con nấy, chị bị đau mà con cười được sao? Nhưng khi chàng sinh viên y khoa năm cuối xuất hiện thì chị hiểu liền. Cuộc ra mắt bất ngờ khiến chị hình dung tới lúc mình làm sui, bỗng mở ra bao nỗi lo ngoài tầm với.
Nhà bên đó đã biết chuyện nhà mình chưa? Chị thì thầm hỏi con gái, thương con đứt ruột mà không biết làm sao. Họ có nói gì không?
Má có quan tâm họ nói gì hay không thì cũng đã muộn quá rồi, con gái trả lời, lẽ ra má nên ly hôn khi cha không chịu từ bỏ.
Cứ tưởng là mình vì con, nào ngờ sự chấp nhận cam chịu chỉ là vô nghĩa. Có vẻ như sự hy sinh mà chị mang vác bấy lâu chỉ là ảo tưởng của chính mình thôi. Chị sững sờ đau điếng.
Con gái vội ôm lấy chị, cho con xin lỗi…
*
Cơn tổn thương nặng nề rồi cũng lắng xuống như bao điều chị cố dằn xuống trong đời, đọng lại là tiếng “muộn” trong câu nói của con gái.
Thật sự muộn chưa khi chị đã nhận ra? Tuổi năm mươi có còn cơ hội cho chị sắp xếp lại cuộc đời mình?
Nguyên Hương