Sống tử tế giữa mùa dịch, có khó không?

01/08/2020 - 18:12

PNO - Tử tế giữa mùa dịch bệnh có khó không? Thưa rằng: không! Từ những ngày bùng dịch, ta đã thấy vô số điều tử tế được gieo mầm.

Sống tử tế trong những ngày bình thường đủ ăn đủ mặc có lẽ không cần bàn tới. Nhưng giữa làn sóng dịch COVID-19 lần 2 đang ập đến với những nỗi lo cơm áo gạo tiền, nỗi lo mất việc và “mắc dịch”, việc đòi hỏi mỗi người phải sống tử tế mỗi ngày, có khó quá không?

Tử tế là gì? Tử tế chính là những việc làm tốt, đơn giản, nhỏ bé, bình thường mà mỗi ngày con người có thể thực hành, lâu dần tạo nên một thói quen tốt.

Không ai đòi hỏi một người giàu phải dành cả gia tài của họ làm từ thiện để được gọi là người tử tế.

Không ai bắt ai bằng mọi giá phải giàu, thậm chí giàu bằng những cách bất lương, rồi ngày ngày phải tụng kinh sám hối và “thối lại” cuộc đời bằng số tiền từ thiện góp nhặt được từ công việc bất lương đó.

Cái sự tử tế nên được tạc bằng những ngôi trường đàng hoàng, thay những mái lá trống trước dột sau, hay những cây cầu sắp "rụng" giữa sông sâu cho trẻ em vùng lũ.

Hoặc giả chăng, cũng chẳng cần những việc quá lớn lao như thế, chìa tay mua giúp một người bán vé số những tấm vé cuối cùng - để họ có thể đổi được vài ba cân gạo là đã dư sức tử tế rồi!

Tử tế giữa mùa dịch bệnh có khó không? Thưa rằng: không! - Ảnh: Internet
Tử tế giữa mùa dịch bệnh có khó không? Thưa rằng: không! (ảnh minh họa)

Tử tế giữa mùa dịch bệnh có khó không? Thưa rằng: không!

Bên cạnh những uất ức giận hờn, những móc mỉa chỉ trích của một số kẻ rảnh hơi ngông cuồng, đâu đó trên mặt báo từ những ngày bùng dịch, ta đã thấy vô số điều tử tế được gieo mầm.

Nhiều người xúc động trước những bức ảnh quý giá về các bác sĩ sẵn sàng quăng mình vào tuyến đầu chống dịch. Nghề của họ, trách nhiệm lớn nhất là cứu người. Nhưng bên cạnh trách nhiệm buộc phải có đó, còn có thứ soi rọi rõ nhất con đường họ đi: sự tử tế.

Họ cũng là những người cha người mẹ, có con cái, gia đình. Họ có nhiều lí do để từ chối lên tuyến đầu - nơi nguy hiểm hàng đầu trong dịch bệnh, để đương đầu với con virus đáng sợ mà chẳng biết mai này có đường về?

Sự tử tế và lòng trắc ẩn đối với sinh mạng mỗi con người ngự trị trong trái tim họ đã khiến họ bớt đi sợ hãi và kiên cường hơn trong cuộc chiến khốc liệt mà cả thế giới  phải đối mặt.

Những ngày qua thật sự là những ngày ảm đạm không chỉ của riêng Đà Nẵng, mà cả nước cũng chung nỗi thấp thỏm âu lo.

Khi bác sĩ của các bệnh viện lớn dồn về chi viện cho Đà Nẵng dập dịch, nhiều công ty, cá nhân, hội nhóm… nhanh chóng kêu gọi gom góp lương thực, thực phẩm chuyển đến các bệnh viện để tiếp sức, tiếp năng lượng cho đội ngũ y tế đảm bảo sức khỏe để làm việc 24/24.

Các xe thức ăn tiếp tế luôn túc trực trước cổng bệnh viện. Nhiều bạn trẻ tình nguyện đến khuân vác, vận chuyển số lương thực vào trong.

Mới đây, một hội nhóm tình nguyện cũng đã đứng ra hỗ trợ nấu những suất ăn đủ chất cho lực lượng y tế trong các bệnh viện.

Không những vậy, họ còn mang đến những suất cơm nghĩa tình cho số du khách còn đang kẹt lại Đà Nẵng trong giai đoạn cách ly này. Nghĩa cử cao đẹp đó khiến nhiều người rưng rưng xúc động.

Nếu không có sự tự tế và lòng trắc ẩn, các bác sĩ có thể đã từ chối lên tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Internet
Nếu không có sự tự tế và lòng trắc ẩn, các bác sĩ có thể đã từ chối lên tuyến đầu chống dịch

Sau Đà Nẵng, đến lượt các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và một địa phương khác đang phải đối phó với đợt dịch mới. Không quá hoang mang, nhưng vẫn buồn vẫn lo, khi hai từ “mất việc” vẫn đang treo lơ lửng trước mặt. Mất việc đồng nghĩa với những cơn thiếu thốn, đói ăn, mọi nhu cầu cơ bản nhất cũng đều phải tằn tiện lại.

Những cây "ATM gạo" nghĩa tình trong đợt giãn cách lần 1 chắc sẽ quay trở lại đúng chức năng của nó. Những người tử tế đã góp tay tạo nên những chiếc máy ATM đầy gạo đó chắc chắn sẽ quay trở lại.

Rất nhiều người cần lắm sự cảm thông và sẻ chia. Vậy thì, việc của chúng ta - những người vô cùng bình thường - cần hơn nữa là hãy tử tế với người thân, người quen, người trong gia đình bằng cách nhắc nhau tự bảo vệ bản thân. Nhắc mình hạn chế nhu cầu giao tiếp ở mức thấp nhất, dẹp hết rượu chè, tiệc tùng; luôn mang khẩu trang; không trốn tránh khi cần khai báo y tế, tự cách ly khi có cảm giác không an toàn; không tích trữ hoặc giành giật khi mua thực phẩm…

Tử tế với chính mình và tử tế với người, chính là việc đơn giản nhất góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho xã hội trong cơn đại dịch. Nhà triết học Aldous Huxley trước lúc lâm chung cũng đã kịp nhắn nhủ hậu thế rằng: “Hãy luôn tử tế với người khác, mỗi ngày!”.

Trần Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI