Tôi dân miền Tây lên TP.HCM nuôi con ăn học, Dương Thùy Nguyên là sinh viên quê Đồng Nai. Mối quan hệ giữa chúng tôi chỉ là chung nhà trọ, nhưng 20 năm rồi vẫn thân thiết, khi có việc cần là giúp nhau tận tình.
Cháu gái dễ thương ở khu nhà trọ
Khu nhà trọ chỉ dành cho nữ, rất đông con gái nhưng không cô nào hiền lành, nết na, chân chất như Nguyên. Cô bé không vì xa gia đình mà đi chơi lu bù. Lúc không lên lớp, Nguyên ở nhà lo bài vở, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng. Món bột ngũ cốc khuấy với đường, cô bé ăn hoài không ngán, nói là để “cho đẹp da”.
Thỉnh thoảng có anh chàng sinh viên trẻ trẻ, hiền hiền, đẹp trai tới chơi, hai bạn trẻ ngồi ở phòng khách của khu nhà nói chuyện, không có vẻ gì cho thấy “trên mức tình cảm”, nên tôi cứ tưởng là bạn bè quen biết bình thường. Tuy nhiên, khi tôi "làm mai" người khác, Nguyên cười cười lắc đầu.
|
Gia đình hạnh phúc của anh chị Nguyên - Tuấn |
Ở lâu, chúng tôi gần gũi như bà con họ hàng. Cứ rảnh rỗi là hai cô cháu nói đủ thứ chuyện trên đời. Thấy tôi chân yếu, đường vào nhà vệ sinh lúc nào cũng ngập nước, Nguyên níu tay dùm cho tôi bước qua, sợ tôi trượt té. Lên xuống cầu thang là cô ngó chừng, nhắc tôi cẩn thận.
Nguyên như đứa cháu ruột thịt bé bỏng của mình, làm sao mà không yêu, không quý.
Có lần người bạn gái của tôi dưới quê lên thành phố muốn gặp tôi mà không biết đường, còn tôi thì đi không tiện.
Tôi rất ngại làm phiền, nhưng Nguyên sốt sắng, để con đưa cô đi. Với chiếc xe Chaly đời cũ (sau này chồng Nguyên nói đùa là đồ cũ để bán đấu giá), Nguyên chở tôi từ Q.1 qua Phú Nhuận rồi ngồi chờ. Dù chờ khá lâu nhưng Nguyên vẫn vui vẻ, ân cần.
Đám cưới của con trai tôi, chú rể phải tới nhà người cậu trước để sắp xếp cho lễ rước dâu, nhờ Nguyên chở tôi lên sau. Nguyên có vẻ lo, nói đường Nguyễn Kiệm xe đông quá, con không quen, cũng sợ… Nói thì nói vậy, Nguyên cũng đưa tôi đi. Tôi biết Nguyên lái xe mà tay run.
Nguyên có người bạn nghèo, gia đình đơn chiếc, không còn ai, chồng người bạn ấy cũng nghèo, Nguyên phụ lo đám cưới cho bạn với tâm trạng vừa ái ngại vừa thương cảm, nên rất chu đáo, tận tình.
Ngoài mấy người thân phải ngồi tiếp khách, chỉ còn Nguyên là chỗ thân tình, giao cho Nguyên “chạy bàn”, coi trong coi ngoài và giữ dùm thùng phong bì cho đám cưới…
Tôi nói nhiều về Nguyên vì cô là một phụ nữ hiền lành, đức hạnh; một người có tình có nghĩa. Chắc vì vậy mà sau này cô có một gia đình hạnh phúc, đầm ấm khiến bao người mơ ước.
Vợ chồng tương kính như tân
Mấy năm sau, chàng sinh viên Lê Minh Tuấn, hay ghé khu nhà trọ năm nào, nay ra trường thì cưới Nguyên. Chưa có nhà, vợ chồng ở trọ cùng các em chồng còn đi học. Chị dâu em chồng ở chung nhưng không hề có điều tiếng, khó chịu hay so đo, tính toán gì với nhau.
Nguyên vốn hiền, dễ chịu, tốt tính, em là em, không phân biệt em chồng, em vợ. Không nghe than phiền, phải phụ cha mẹ lo các em hay nấu cơm cho nhiều người ăn, cực quá…
Vợ chồng đi làm, Nguyên khéo vun vén, chi tiêu hợp lý, không lâu sau mua được nhà. Bây giờ thì họ đã sở hữu mấy căn nhà, mua xe đời mới và con cái học trường quốc tế.
Có điều kiện sống tốt, Nguyên vẫn tốt bụng, quan tâm tới bạn bè như trước đây. Bác sĩ Tuấn - chồng Nguyên - có phòng mạch tư nhưng chỉ làm vào buổi tối. Phần mặt tiền phía trước bỏ trống cả ngày. Nguyên mở lời với bạn bè muốn buôn bán gì thì tới đó, không lo tiền mặt bằng.
Tuấn cũng là người tốt, hiền, có tình có nghĩa y như vợ. Mấy năm trước lúc chưa có con, rảnh tay rảnh chân, nghe tôi bị tai biến là hai đứa tức tốc chạy tới, theo xe cấp cứu đưa đi bệnh viện.
Rồi gần đây tôi bị bệnh đường hô hấp khá trầm trọng, Tuấn giới thiệu cho bác sĩ quen ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Là thầy thuốc có lòng, thương người nghèo, đích thân ông dẫn đưa đi xét nghiệm, chụp hình, dặn nhỏ với nhân viên “đừng lấy tiền, bệnh nhân nghèo”. Nhờ vậy tôi được khỏi bệnh mà không tốn nhiều tiền.
Xem ra, nhờ Nguyên mà tôi có bác sĩ để nhờ cậy. Phòng mạch tư của Tuấn khám cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, không lấy tiền, còn giúp đỡ thuốc men. Cái nghề “áo trắng sạch sẽ” vậy chớ chiều tan tầm là Tuấn chạy riết về rước con, nấu cơm, cho con ăn. Xong là chạy tới phòng mạch.
Nguyên làm ở một công ty sữa, cô thường về sau, lùa vội chén cơm, lẹ đưa con tới lớp học thêm cho kịp giờ. Không có thời gian để ý coi cơm ngon hay dở. Ăn không ra ăn, thiếu chất, thường phải bổ sung thêm viên sắt cho khỏe. Cái lịch như vậy từ hồi nào tới giờ không thay đổi. Mạnh ai nấy lo công việc của mình, mạnh ai nấy ăn.
“Chắc tới ngày về hưu mới được “sum họp” quá!”, là cả nhà mới được ngồi ăn cùng mâm - Nguyên nói, rồi cười nhẹ tênh như chẳng có gì nặng nề, bận tâm.
Cô không than thở sao mình cực khổ, bù đầu bù cổ. Sao mình không có giờ phút riêng tư để gặp gỡ bạn bè, giao lưu, cà phê cà pháo… hay sao chồng không nhớ ngày sinh nhật hay 8/3, chồng cứ chăm chăm lo bên nhà mình, không quan tâm nhà vợ…
Nguyên tâm sự: “Tụi con sống hồn nhiên lắm cô, không suy nghĩ xa xôi, không chi ly đong đếm gì cho rắc rối, thêm phiền. Chuyện nhà thì ai rảnh người ấy làm, dọn dẹp nấu nướng, lau quét, giặt giũ, chăm sóc con cái.
Người đàn ông làm tròn trách nhiệm của mình trong gia đình là coi như đã thương vợ, thương con rồi. Vậy là quá tốt, đâu cần vòi vĩnh hoa, quà.
Nếu sống ích kỷ, chỉ được phần mình, không đếm xỉa tới vợ con thì có 100 lần quà hay hoa gì đó cũng đâu có ý nghĩa. Vợ chồng ở với nhau cả đời, chỉ cần cái thật, lâu dài, không cần hình thức bề ngoài”.
Con gái lớn 15 tuổi rồi, vợ chồng Nguyên vẫn “tương kính như tân”. Nói chuyện với nhau thì thủ thỉ, nhỏ nhẹ y như lúc còn sinh viên đến thăm nhau ở nhà trọ. Tôi thấy vui lây với hạnh phúc của hai cháu.
Dù thời đại có văn minh tiến bộ tới đâu nhưng nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam “tứ đức tam tòng” ở chừng mực nào đó vẫn giữ nguyên giá trị. Trọn vẹn vai trò của người vợ hiền, người mẹ tốt, người đàn ông còn đòi hỏi gì hơn.
Với ai cũng vậy, cứ sống hết lòng rồi cũng sẽ nhận lại tấm chân tình. Vợ chồng con cái chắc cũng vì lẽ đó mà thuận hòa, yên ấm.
Cẩm Phúc