Sống trong thiên đường trầm cảm

19/03/2018 - 08:54

PNO - Chiếc loa ở ga Kyoto, Nhật Bản thông báo “tàu đến trễ vì gặp sự cố”. Bạn nam đứng cạnh quay sang tôi, thở ra thật nhẹ: “Lại có người nhảy tàu!”, rồi ai nấy bình thản lấy một món “đồ chơi” ra giết thời gian chờ đợi.

Không có gì bất thường, dù hệ thống tàu điện ở Nhật nổi tiếng là kỷ luật và đúng giờ. Bởi, hầu như cứ đến chiều là tàu trễ. Lý do gần như duy nhất: có người nhảy tàu tự tử. 

Song trong thien duong tram cam
 

Từ những ngày đầu tập thích nghi với đất nước này, tôi đồng thời cũng được trải nghiệm và học cách bình thản trong những chuyển động kỳ lạ của một “thiên đường trầm cảm”.

Có thể vì môi trường làm việc đặc biệt, mà quanh tôi, cứ 10 người thì có chừng 7 người trầm cảm. Việc nhìn thấy một cánh tay đầy sẹo, những chiếc cổ tay dán băng y tế, hay những gương mặt trở về trạng thái thả lỏng với đôi mắt sâu và lạnh của những người mới đó còn cười nói hoạt bát - là rất bình thường.

Tôi có một chị bạn xinh đẹp, giỏi giang. Chị học hành bài bản để làm cô giáo. Chị khiến người ta ngưỡng mộ bởi niềm hạnh phúc và sự tận tâm tỏa ra từ lòng yêu nghề mỗi lần chị xuất hiện trong không gian làm việc. Tôi từng trò chuyện với chị rất nhiều lần, nói mọi điều mơ mộng nhất của những phụ nữ độc thân, lại làm nghề dạy học.

Nhưng, bao nhiêu tháng trời đối diện với đôi mắt sắc sảo và làn da căng mọng đó vẫn không khiến tôi nhận ra những bất ổn dữ dội vẫn không ngừng hoành hành bên trong chị. Chị gọi đó là “một cõi lòng trống hoác”, như một cách diễn giải thêm cho lời chia sẻ “mình là bệnh nhân trầm cảm”.

Trong nhà chị không có bất kỳ một vật dụng nào có mũi nhọn.  Tôi không biết họ loay hoay thế nào trong bếp khi không có dao, kéo. Tôi cũng không biết chị đã sống sót thế nào sau hàng chục lần tự tử bằng dao. Chị nhắc đến chúng như nhắc đến một phần đời của chị, bình thản như cái cách tiếp nhận mà tôi đã học được khi sống trong chuỗi bất ổn vô hình này.

Tôi làm bạn được với Amida, có lẽ là do tôi không quá áp lực việc phải “nói gì đó” khi ở cạnh một con người. Còn lại, tuyệt nhiên không có ai làm bạn được với anh. Anh không nói tiếng người. Từ lúc tốt nghiệp đại học, anh đã quyết định không đi làm đúng chuyên ngành cần giao tiếp nhiều của mình. Rồi khi đã làm được một công việc phù hợp, anh đã khước từ những đám đông, những cuộc làm việc nhóm. Người ta chỉ thấy anh như một “cỗ máy” làm việc tự động, vì anh không hề giao tiếp.

Tôi được cho là người đặc biệt, bởi ngay lần đầu gặp, anh đã “meo meo” mấy tiếng, “để chào”. Những người quen chung của tôi và anh gọi đó là “tiếng mèo”. Đó có lẽ là cách anh chọn sau một thời gian dài không tham gia một cuộc giao tiếp nào để phải dùng tiếng Nhật, tiếng Anh, hay bất kỳ một ngôn ngữ nào của con người. Những lúc đủ động lực để giao tiếp, anh lại dùng tiếng mèo. Nó chỉ là “meo meo”, cho tất cả mọi trường hợp. 

Nhưng những khiếm khuyết trong giao tiếp, hay cái khoản khác thường nào đó ở Amida vẫn không mất đi, mà cứ nén chặt như một cái lò xo. Sự chất nén ấy làm anh dễ nổi giận, nổi giận trong sự bình thản của mọi người, bởi họ đã quá quen, không chỉ là với anh, mà còn với những-con-người-như-anh. Họ chấp nhận những cá nhân khác biệt và tách biệt này hệt như cái cách họ chịu đựng chứng dị ứng phấn hoa mỗi năm hai mùa.

Một học viên tiếng Việt của tôi, khỏe mạnh, thông minh, hài hước, là người nghiên cứu mỹ phẩm của một tập đoàn đa quốc gia. Ở anh luôn tỏa ra một nguồn năng lượng và cảm hứng mà tôi hiếm khi gặp ở đàn ông xứ này, nó làm cho những buổi học thăng hoa và những cuộc chuyện trò bao giờ cũng sinh động. Những điều đó làm tôi tin rằng, anh luôn là một người yêu đời và tích cực như vậy. Và rồi anh nói với tôi: mới đây thôi, anh từng bị trầm cảm, chắc nhìn anh vậy em không tin đâu, không ai tin cả, nhưng điều đó là thật.

Học viên của tôi, chị bạn tôi, anh bạn tôi, họ đều chưa có người yêu. Có lẽ họ thiếu một người để chia sẻ thế giới tinh thần, một người có thể tiếp cho họ năng lượng khi họ sắp cạn kiệt. Tôi đã nghĩ về trầm cảm ở họ như vậy. Cho đến một ngày, sau khi trở về từ chuyến tàu chiều, bạn trai tôi kể: “Lúc nãy, đứng chờ tàu anh đã nghĩ, hay thôi mình nhảy quách xuống đây cho rồi. Mà nghĩ lại, ở nhà có một con nhỏ ngu lắm, không biết làm thủ tục trả nhà hay bảo hiểm đâu, nên thôi, anh đi về”. Tôi phá lên cười vì sự hài hước đó.

Nhưng cái chuyện “nhảy quách xuống cho rồi” nó đã trở thành một lựa chọn bình thường đến vậy đó. Nó giống như người ta nói rằng, sẽ đi spa thay vì đến quán cà phê vậy. Vậy thì tại sao? Tôi nghĩ đến những chiếc xe lăn trên đường tôi đi, những nhân hình gầy gò tản đi trên chuyến tàu tôi gặp, những gương mặt già úa trong các khu mua sắm. Những chiếc xe lăn ấy, nó hoạt bát. Những nhân hình ấy, họ vẫn còn sức để sống. Những gương mặt già úa đó, họ vẫn còn giữ được một làn da đẹp. Nhưng có điều, nó buồn quá.

Đi đến đâu, tôi cũng dễ dàng thấy người ta tinh tươm, chuyên nghiệp, đâu ra đó. Không ai làm gì ngoài những nguyên tắc về lịch sự, văn minh. Ai cũng vui vẻ, hòa đồng, và sẵn lòng giúp đỡ. Nhưng ngay sau phút ấy, nếu vô tình nhìn thấy họ trong trạng thái một mình, bạn sẽ chỉ thấy một dáng người lặng lẽ và lạnh nhạt. 

Ở chỗ làm, mỗi giờ ăn cơm chung, tôi lại thấy người Nhật vui vẻ lấy chỗ thức ăn chung chia phần cho tất cả mọi người. Và lần nào họ cũng chỉ nhón một chút xíu vào từng cái chén, phần thức ăn thừa còn lại được đổ đi sau đó. Chỗ thức ăn được chia ra ít hơn rất nhiều so với khẩu phần bình thường của một người, nhưng không ai xin thêm.

Sau này, tôi hay chủ động chia phần ăn và luôn lấy cho mỗi người một khoản gấp đôi. Và tôi lặng lẽ quan sát, thấy mọi người đều ăn ngon lành. Nhưng nếu phần thức ăn đó để ra giữa bàn, sẽ chẳng có ai lấy. Họ có những quy tắc không thể phá bỏ. Họ không có cái nhu cầu… thỏa mãn nhu cầu, cũng không có động lực theo đuổi đến tận cùng một điều gì đó để bảo vệ quan điểm. Chỉ có sự tận tụy, chừng mực là… vô cùng.

Và nỗi buồn ấy đập vào mắt ta mỗi phút. Có lẽ, không ở đâu mà người khuyết tật có thể thoải mái với sự khuyết tật của mình, người bệnh có thể sống một cuộc sống bình thường với vốn sức khỏe giới hạn của mình, người già có thể sống lâu nhất có thể với nguồn sống trong họ, như ở Nhật.

Và cái đẹp trong sự tàn kiệt ấy, cái ánh hoàng hôn sắp tắt ấy, cái nụ cười chào của một dáng hình bé nhỏ lọt thỏm trong chiếc xe lăn tối tân ấy, một ngày nọ, làm tôi bật khóc. Và không thể không nghĩ đến thứ bi cảm đậm chất Nhật - thứ bi cảm đã có trước cả chế độ an sinh và những phương pháp chữa bệnh tân tiến kia, thứ bi cảm nằm ngoài sự cô đơn đời thường kia, thứ bi cảm đã có từ trong hơi thở của miền đất này.

Trong “thiên đường trầm cảm” kỳ lạ này, tôi hay nghĩ đến Việt Nam của tôi. Những người Việt thân thiết với tôi vẫn đang lưu lạc trong cuộc sống của họ mà không “chạm” được vào người thân, chưa từng nghĩ đến việc đến gặp bác sĩ, chưa từng nghĩ đến một cách gọi tên thật chính xác cho trạng thái chán nản, “muốn từ bỏ”, và “chán ghét loài người” của mình.

Tôi nghĩ đến một cuộc “khám tâm lý tập thể” cho người Việt, nhất là nhóm người quanh tôi thời đó. Biết đâu, người ta lại tìm thấy cho trầm cảm một thiên đường.

 (Osaka, Nhật Bản)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI