Ngủ nhờ, tắm ké do nhà quá nhỏ
Nếu đi ngang nhà 16/8 Nguyễn Thái Học, Q.1, không ai nghĩ đó là nơi để ở, bởi hình ảnh đầu tiên đập vào mắt mọi người đó là một bồn cầu nằm trước cửa ra vào. Bà Trương Tài Lan - 60 tuổi, chủ nhà - cho hay: “Gia đình tôi từng bị cắt điện vì thợ điện đến đưa hóa đơn mà tìm không thấy nhà ở đâu. Người phụ trách khu vực cũng nói đã đến nhiều lần mà chỉ thấy nhà vệ sinh”.
Theo bà, hơn 30 năm trước, cả gia đình tích góp được hai chỉ vàng và chỉ mua một nhà vệ sinh cạnh chợ Cầu Ông Lãnh. Theo giấy chuyển nhượng, miếng đất chứa nhà vệ sinh này dài 0,5m, rộng 0,5m. Nếu xây lên, nơi này không đủ chỗ cho một người đứng nên gia đình xin phép chính quyền cho cơi nới ra để có tổng diện tích hơn 2m2. Do cơi nới nên gia đình bà phải xây tạm bợ bằng trụ gỗ, vách ván ép.
|
Căn nhà siêu nhỏ của gia đình bà Trương Tài Lan ở Q.1 |
Cả gia đình bà sống bằng nghề buôn gánh bán bưng. Để có chỗ ở, sinh hoạt, gia đình bà quyết định xây căn bếp ngay trên nắp bồn cầu. Muốn nấu ăn, gia đình bà phải lấy ván gỗ đậy nắp bồn cầu rồi lấy bếp ở vách tường ra đặt lên. Nhà chật nên mọi vật dụng phải vừa nhỏ, vừa treo được. Vật dụng to nhất là chiếc ti vi đời cũ 21inch nhưng nó cũng được đặt dưới chân bàn thờ ở tầng 2. Khu vực này vừa là nơi chứa đồ, vừa là phòng khách. Gọi là phòng khách nhưng chỉ vừa đủ một người ngồi rộng chân. Để cùng xem ti vi, bốn người trong nhà phải chia ra, một người ở tầng 2, ba người nằm trên tầng 3 thò đầu xuống dưới.
Thứ xa xỉ nhất đối với gia đình bà Lan là ánh nắng mặt trời. Dù không có ánh nắng nhưng căn nhà luôn nóng hầm hập. Khi có khách vào, bà Lan phải bật bốn cái quạt cùng lúc. Bà Lan ngủ ở tầng 3 cùng con. Bà kể, lúc mới dọn vào ở, do con còn nhỏ, sợ nửa đêm chúng rớt xuống dưới, bà phải cột một sợi dây thừng vào tay con, còn bà phải thò chân ra cửa sổ bởi trong nhà không còn chỗ để chân.
Việc sinh hoạt trong căn nhà “tí hon” này rất khó khăn. Muốn đi vệ sinh, người nhà bà phải khóa chặt cửa, thông báo cho những người ở tầng trên không bước xuống tầng trệt. Trước đây, muốn tắm, người trong nhà bà phải tắm nhờ ở một căn nhà đầu hẻm. Từ khi nhà đầu hẻm cho người khác thuê mở cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm, các thành viên trong gia đình bà Lan phải đi bộ ra công viên 23/9 hoặc ra nhà vệ sinh công cộng dưới chân cầu Ông Lãnh. Khi giặt đồ, họ phải mang đồ ra bờ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé.
“Lúc trước, khi con còn nhỏ, tôi còn khỏe thì ở nhà chật chẳng sao. Nay mấy đứa con tôi cao to nên có mấy lần đi đụng trần nhà muốn rụng mọi thứ xuống đất. Chồng tôi nay cũng chân yếu mắt mờ rồi. Hôm nào khỏe, tôi với chồng trèo lên trên ngủ, còn lúc mệt thì lấy ghế xếp ra ngủ ở vỉa hè” - bà Lan kể.
Tương tự, nhà ông Võ Đình Toàn - 65 tuổi, ở hẻm 408 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3 - có diện tích chỉ 6m2, không lầu nhưng có đến 19 người sinh sống. Đêm xuống, ông Toàn và vợ ngủ chõng xếp ở đầu hẻm 275 Nguyễn Đình Chiểu, sáu đứa con chia nhau ngủ cạnh khuôn viên một ngôi miếu bên hông nhà, còn vợ chồng đứa con út của ông Toàn ngủ ở nền nhà, lót chiếu thò ra mép đường để nằm vừa chân, số người còn lại tự tìm chỗ trống ở đâu đó mà ngủ.
Ông Toàn tâm sự: “Nếu gọi đủ 19 người đứng xếp chân lại thì nhà này cũng không đủ chỗ chứa. Đông người nên mọi vật dụng đều móc bên ngoài cửa, còn đi vệ sinh, tắm rửa thì ké hàng xóm, mỗi tháng trả 1 triệu đồng”.
Dù sống chật chội, khó khăn nhưng chủ những căn hộ siêu nhỏ đều không muốn chuyển chỗ ở. Nhà bà Lan nằm sâu trong hẻm, không xác định được hướng mặt trời mọc nhưng vẫn có người trả giá 900 triệu đồng, gần bằng giá một căn hộ nhỏ ở vùng ven nhưng bà vẫn từ chối. “Ở đây gần chỗ tôi buôn bán hơn. Đi nơi mới mà không làm ăn gì thì không biết cuộc sống về già sẽ ra sao” - bà Trương Tài Lan nói. Ông Võ Đình Toàn cũng cho rằng, khi lớn lên, các con ông sẽ tự tìm nơi ở mới, riêng vợ chồng ông vẫn bám trụ ở đây để tiếp tục buôn bán trên vỉa hè.
Vẫn còn hàng ngàn căn nhà siêu nhỏ
Theo Sở Xây dựng TPHCM, thành phố hiện có trên 1.000 căn nhà siêu mỏng, siêu nhỏ (diện tích dưới mức tối thiểu), tập trung nhiều ở các quận 1, 3, 5. Trong đó, riêng đường Nguyễn Thượng Hiền, Q.3 có trên 30 căn, có căn chỉ 1,8m2; đường Tân Hóa - Lò Gốm, Q.6 có 34 căn; đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3, Q.10, Q.Tân Bình) có 82 căn.
|
Tại khu vực trung tâm TPHCM vẫn còn rất nhiều căn nhà siêu nhỏ do lịch sử để lại. |
Thạc sĩ Trần Minh Kha (Trường đại học Kiến trúc TPHCM) cho biết, nhà siêu nhỏ được hình thành một phần do việc chỉnh trang, mở rộng đường, một phần do người sở hữu nhà không đủ điều kiện kinh tế để chọn nơi ở khác. Về lâu dài, cần giải tỏa những căn nhà kiểu này để đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn cháy nổ và chất lượng sống của cư dân. Tuy nhiên, việc di dời cần tính đến sinh kế của người dân. “Trước đây, khi giải tỏa khu dân cư ở Rạch Ụ Cây, Q.8, cư dân ở đó được di dời đến chung cư Tân Mỹ, Q.7 nhưng sau đó, nhiều người không có việc làm và rơi vào cảnh khó khăn” - ông Trần Minh Kha dẫn chứng.
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc nghiên cứu và phát triển (R&D) Công ty cổ phần DKRA Vietnam - cho biết từ năm 2014, sau giai đoạn khủng hoảng, thị trường bất động sản phục hồi và phát triển sôi động, bất động sản liên tục tăng giá và lập mặt bằng giá mới ở mọi phân khúc. Mức giá bất động sản tăng nhanh hơn mức tăng thu nhập bình quân đầu người cả nước nói chung và TPHCM nói riêng. Đây chính là một trong các nguyên nhân khiến cho nhiều người muốn chuyển từ các căn nhà chật chội sang những căn hộ giá thấp trở nên khó khăn. Để xóa nhà siêu nhỏ, chính quyền cần kiểm soát giá nhà hoặc hỗ trợ nơi ở mới phù hợp cho những người đang phải sống trong các căn nhà siêu nhỏ.
Theo Sở Xây dựng TPHCM đối với các căn nhà có diện tích nhỏ hơn 15m2 sẽ không được cấp phép xây dựng và chỉ được phép cải tạo dựa trên hiện trạng có sẵn. Phần lớn những căn nhà này đều có nhiều người sinh sống với nhiều thế hệ. Về mặt quản lý nhà nước chính quyền chỉ hỗ trợ về công tác cấp số nhà, tiện ích điện, nước…
Hiện nay TPHCM chưa có chính sách hỗ trợ các gia đình sống tại các căn nhà diện tích nhỏ hơn quy định. Tuy nhiên, trong kế hoạch “Chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021 - 2025” Sở Xây dựng TPHCM kiến nghị UBND TPHCM giao cho các quận, huyện và TP.Thủ Đức cần lưu ý việc giải tỏa những căn nhà này. Sở Xây dựng TPHCM gợi ý một vài trường hợp tại Q.1 chính quyền địa phương đã dùng nguồn xã hội hóa và vận động để giải tỏa. Cụ thể, một căn nhà siêu nhỏ tại P.Bến Thành diện tích dưới 4m2 đã được người dân, doanh nghiệp đóng góp tiền mặt hơn 600 triệu đồng để hỗ trợ chủ nhà đi nơi khác và tạo việc làm ổn định. Căn nhà này được giải tỏa để mở rộng hẻm, qua đó bộ mặt đô thị cũng được cải thiện.
Yên Hòa