Sống trong ngôi nhà 'âm khí', tôi chẳng rõ mình là đàn ông hay phụ nữ?

14/06/2017 - 14:27

PNO - Tôi có cảm giác không được ổn khi sống trong ngôi nhà này, một ngôi nhà toàn là phụ nữ.

Tôi có cảm giác không được ổn khi sống trong ngôi nhà này, một ngôi nhà toàn là phụ nữ. Cảm giác đó cứ hành hạ tôi suốt thời trung học, làm tôi luôn phân vân: “Mình là đàn ông hay phụ nữ?”. 

Tất cả những “trụ cột” trong ngôi nhà này đều lần lượt ra đi, bỏ lại những người phụ nữ độc thân. Chính vì thế, những người đàn bà cưng tôi như trứng mỏng, quý báu tôi còn hơn cả mạng sống của họ. 

Song trong ngoi nha 'am khi', toi chang ro minh la dan ong hay phu nu?
 

Ngôi nhà gồm có năm thành viên: bà, mẹ, hai cô và tôi. Được sống trong hoàn cảnh đầy “âm khí” ấy nên tôi trở nên mềm yếu về thể chất lẫn tinh thần. Ngay từ nhỏ, cả nhà chăm sóc tôi theo kiểu “công chúa”.

Tôi thích đá bóng với lũ trẻ con trong xóm thì mẹ không cho, bảo rằng vấy bẩn quần áo. Tôi thích đánh trận giả với đám bạn thì nội lại ngăn cấm, sợ xây xát da thịt. Tôi thích đồ chơi siêu nhân, xe lửa... thì các cô lại mang về toàn là những con búp bê Barbie đắt tiền. Tóm lại, tôi không có một thế giới riêng theo đúng nghĩa, mọi sự đều phụ thuộc vào những người phụ nữ.

Suốt thời cấp II, tôi luôn mặc cảm, xấu hổ bởi những lời trêu chọc của bạn bè.  Tôi cảm thấy sợ hãi ngôi trường mình đang học. Mỗi khi vào lớp, những lời chọc ghẹo lại rầm rộ vang lên, tiếng cười và tiếng vỗ tay hòa theo làm tôi đỏ cả mặt. Tôi chỉ biết lầm lũi đi vào chỗ ngồi và định khóc, nhưng rồi tôi kiềm chế được.

Mỗi khi ra chơi, tôi tựa vào bức tường xem các bạn vui đùa mà thèm khát. Nhìn các bạn đá bóng trong sân trường tôi muốn chạy ra nói được câu: “Cho mình tham gia với!”, nhưng một cảm giác khác ngăn tôi làm điều đó. Tôi mất dần sự tự tin, tôi chán đời, học hành sa sút. 

Rồi tôi quen Nam, người bạn khác lớp, Nam học cạnh lớp tôi. Nam hiểu rất rõ cuộc sống đầy đau khổ của tôi vì chính Nam từng khủng hoảng như thế nhưng rồi vượt qua được. Nam cố tập chơi thể thao (bóng đá, bóng rổ), mỗi sáng đều đặn tập thể dục và dạn dĩ hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng. Từ khi quen Nam, tôi có một chỗ dựa tinh thần.

Mỗi chiều đi học về, Nam hay đạp xe ghé nhà tôi rủ đi đá bóng cùng lũ trẻ xóm Nam. Lúc đầu tôi quá vụng về khi đặt chân vào trái bóng, nhưng sau một tuần tôi cũng biết rê bóng, sút bóng và từ từ có những đường chuyền khéo léo.

Những lần có sinh hoạt trong xóm Nam, cậu ấy kéo tôi vào cuộc. Dần dà, tôi thấy mình không còn nhút nhát và rụt rè như xưa nữa. Trong tiết học, tôi hay phát biểu ý kiến, bắt chuyện thường xuyên với bạn bè, bỏ ngoài tai những tiếng chế nhạo đầy xúc phạm. 

Trong những lần sinh hoạt văn nghệ của lớp, thi thố bóng đá cùng lớp bạn hay các hoạt động trong dịp lễ lớn ở trường không thiếu phần tôi. Ban đầu bạn bè tôi thấy lạ, nhưng dần dần họ không còn dùng những lời nói hay hành động khiếm nhã nữa. Thay vào đó là những cái nhìn thân thiện, sự khích lệ. 

Những người đàn bà trong nhà ngạc nhiên về sự thay đổi diệu kỳ của tôi. Mọi người bắt đầu “ồ”, “à” khi nhận ra cách mình xử sự với “thằng cháu đích tôn” là sai lệch, là chệch choạc về giới tính. “May quá, nó chưa thành “pê đê”, cô Hai của tôi thì thào với mẹ. 

Nguyễn Hoàng Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI