Kính gửi chị Hạnh Dung,
Gia đình em đang có vấn đề, nhiều chuyện lộn xộn không theo nền nếp nhưng em không biết làm sao vì em chỉ là con út trong nhà, mới cưới vợ được hai năm. Gia đình em có ba “nhà”: nhà em (hai vợ chồng một đứa con), nhà chị Hai (hai vợ chồng hai đứa con) và nhà ba má.
Mỗi “nhà” ở một tầng, ba má ở tầng trệt, chị Hai tầng hai, em tầng ba. Mỗi nhà đều ăn riêng, là do từ khi cưới dâu về, má em đã nói vậy để mỗi nhà chủ động chuyện chi tiêu, ăn uống. Tuy nhiên, càng ngày em càng thấy cuộc sống này không ổn.
Sống trong nhà như sống trong chung cư, mạnh ai người đó sống. Nhiều khi đi làm về thấy hai ông bà già ngồi ăn cơm với nhau dưới bếp, em thấy hiu hắt tội nghiệp gì đâu. Những khi ấy, em hay ngồi vô bàn, hỏi chuyện trên trời dưới đất, ăn thứ này thứ kia với ba má cho vui, giống như khi em chưa lấy vợ.
Có bữa ba bệnh mà cả nhà em và nhà chị Hai đâu có hay, má đưa ba vô bệnh viện rồi mới điện thoại báo. Em bàn với vợ: hay là vợ chồng mình nấu cơm ăn chung với ba má. Vợ em đồng ý, cô ấy nói chỉ ngại lỡ chị Hai không đồng ý. Em nói quan trọng là ba má có đồng ý hay không. Khi em nói chuyện với ba má, ông bà vui vẻ nhưng chưa đồng ý ngay. Vậy mà chị Hai đã bắt đầu chọc ra chọc vô, kiểu “chú Út nấu cơm cho ba má ăn, mai mốt ba má cho chú Út cái nhà này…”. Em không nói gì nhưng trong nhà đi lên đi xuống đụng mặt nhau rất khó chịu. Em nên nói chuyện với chị Hai thế nào để chị ấy vui vẻ đồng thuận, cùng chăm lo cho ba má?
Ngô Cường (TP.HCM)
Ngô Cường thân mến,
Em nghĩ về gia đình, về ba má như vậy là đúng rồi, rất đáng quý. Bây giờ, chỉ cần tìm cách làm phù hợp để những suy nghĩ của em không làm cho chị em bất đồng ý kiến. Trong gia đình nhỏ, em đã có sự ủng hộ của vợ, là thuận lợi bước đầu.
Tuy nhiên, mình cũng cần nghĩ xa, chuyện này không phải cứ nói vài câu, chờ mọi người đồng ý là xong. Đây là chuyện đòi hỏi sự cố gắng của từng người mỗi ngày và kéo dài trong thời gian hằng tháng, hằng năm.
Vậy nên, để chuyện không thành “đầu voi đuôi chuột” hoặc về lâu về dài lại sinh ra mâu thuẫn, em cần bàn bạc với vợ, với ba má kỹ hơn. Hãy vững tin ở sự đúng đắn của mình. Con cái chăm lo cho cha mẹ là điều phải làm; trong nhà, không thể để kiểu mạnh ai nấy sống. Không chăm sóc cho ba má, đến lúc cả hai ông bà ốm đau, ai là người phải lo đây?
Chuyện nấu cơm chung, chi phí chợ búa, chuẩn bị bữa ăn, thời gian bữa ăn và thói quen ăn uống của ông bà… em nói vợ cứ nên cùng má làm bếp một thời gian, vợ em sẽ biết. Không cần phải cái gì cũng chung. Thời gian buổi sáng ba má thong thả, vợ chồng em bận rộn, cứ để ông bà tự do lo phần ăn sáng cho nhau. Nhưng buổi tối, bữa cơm chung của gia đình nếu có đủ mặt con cháu, ông bà chắc sẽ rất vui. Ăn cơm chung với ba má, mình còn có thể biết tình hình sức khỏe, tâm tư tình cảm của ông bà.
Khi đó, những việc ông ba cần nhờ vả con cháu, ông bà cũng dễ nói ra hơn. Cái tốt, cái hay là rõ rồi, nhưng em cũng phải cố gắng nhiều: quan tâm ba má nhưng đừng quên vợ, sắp xếp thời gian để về nhà ăn cơm đúng giờ… Sự chủ động của em sẽ động viên vợ em cùng tham gia vào những bước kết nối này.
Chuyện chị Hai cũng phải bàn với ba má. Nếu ba má thuận lòng, ba má mới là người đứng ra giải quyết chuyện này. Ba má chỉ cần nói với chị Hai là được. Mọi chuyện khác, em cứ nhìn một cách nhẹ nhàng, không nên tranh cãi đúng sai. Sau một thời gian, mọi chuyện sẽ quen theo nếp mới. Chúc em thành công.
HẠNH DUNG
Nếu tôi là người trong cuộc
Cường Võ (Q.2, TP.HCM): Còn bao nhiêu thời gian cho những bữa cơm sum vầy?
Tôi cũng sống trong một gia đình như bạn đang sống. Cuộc sống kiểu đó nhận được sự trầm trồ của rất nhiều bạn bè tôi vì họ thấy sự sum vầy. Nhà tôi đông hơn nhà bạn nhiều. Trong khu đất của cha mẹ tôi mọc lên bốn cái nhà nhỏ. Anh chị em tôi mỗi người một căn nhưng chúng tôi ăn chung với ba mẹ. Bữa ăn nào cũng náo nhiệt.
Đặc biệt là Tết, khi nhà tôi nấu bánh chưng, gói chả giò. Ai cũng thích cảnh đó. Nếu tôi là bạn, chắc chắn tôi sẽ ăn cùng cha mẹ. Cha mẹ già như chuối chín cây, ai biết được cha mẹ sẽ sống cùng ta đến khi nào. Biết đâu chẳng còn bao lâu nữa để được ăn cùng nhau những bữa cơm vui vầy.
Nếu tôi là bạn, tôi sẽ thử đề nghị gia đình chị Hai cùng ăn chung để cha mẹ đỡ cô đơn. Bạn nên làm rõ cho chị Hai, anh rể và cả vợ bạn hiểu rằng nhà là nhà chung, của ba mẹ. Chẳng ai có quyền giành giật. Đừng nghĩ đến việc đó. Nhiều gia đình, sau khi cha mẹ mất, mấy anh chị em vẫn chung sống đấy thôi.
Theo tôi, ngay ngày mai, bạn nên nghiêm túc và chân thành nói chuyện cùng các anh chị em về vấn đề này và bắt đầu việc ăn uống chăm sóc cha mẹ. Có lẽ chị Hai của bạn cũng hiểu thôi. Chúc bạn vui.
|
Ảnh minh họa |
Hoàng Yến (Q.Bình Thạnh, TP.HCM): Mình làm điều đúng, đừng sợ người ta hiểu sai
Tình cảm chị em thường xung đột khi xảy ra tranh giành nhà cửa và chị Hai của bạn thuộc số đó. Có vẻ chị ấy đang cố giữ lấy nhà của ba mẹ vì sợ rằng nếu mình lỡ buông thì mất phần. Chính vì lẽ đó nên nhà bạn không thể vui như gia đình khác. Biết làm sao được! Thế nhưng, có một điều tôi nghĩ bạn nên cương quyết: thời gian và sự chăm sóc dành cho ba mẹ. Hàng xóm tôi có gia đình, chẳng ai chịu nuôi bà mẹ trong khi nhà cửa bác ấy chia hết cho ba người con. Đến khi bác mất, mỗi lần giỗ, họ làm rình rang cả ngày, hàng xóm ai cũng cười chê. Với tôi, việc gì làm cho ba mẹ là không nên chần chừ mà hãy thực hiện ngay lập tức. Bạn cũng nên nhìn lại chính mình. Sao ở cùng nhà mà mẹ đưa ba vô bệnh viện, chị em bạn đều không hay biết? Mình làm điều đúng, đừng sợ người ta hiểu sai.
|
Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.
Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.