Sống trọn vẹn mỗi ngày từ hôm nay bằng cách bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ ung thư do HPV

25/06/2024 - 13:55

PNO - Với những bước tiến mạnh mẽ của y học cùng sự phát triển của các phương pháp điều trị mới, đã đến lúc phụ nữ được giải phóng khỏi nỗi ám ảnh về ung thư cổ tử cung, căn bệnh nguy hiểm cướp đi mạng sống của nhiều phụ nữ Việt Nam.

Tỉ lệ dự phòng HPV tại Việt Nam vẫn còn thấp

Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, đặc biệt là ở tuổi ngoài 30. Theo báo cáo thống kê của Trung tâm nghiên cứu quốc tế về ung thư (IARC),đây là một trong 10 loại ung thư có số ca mắc mới và tử vong nhiều nhất tại Việt Nam (1), tính trung bình mỗi năm có khoảng trên 4.000 ca mắc mới và trên 2.000 ca tử vong do ung thư cổ tử cung (2).

Số liệu trên phần nào cho thấy ung thư cổ tử cung cần được quan tâm đúng mực với phụ nữ nói riêng và sức khỏe cộng đồng nói chung. Việc mắc bệnh khi đang ở độ tuổi tươi đẹp sẽ làm suy giảm cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Với gia đình người mắc bệnh, chi phí chữa trị cao sẽ gây áp lực lớn lên tài chính, theo đó là những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình.

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh lý nguy hiểm hàng đầu đe dọa tính mạng phụ nữ
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh lý nguy hiểm hàng đầu đe dọa tính mạng phụ nữ

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có đến 95% số ca ung thư cổ tử cung được xác định có liên quan đến tình trạng viêm nhiễm dai dẳng do HPV (Human Papillomavirus) - một loại virus gây u nhú ở người - gây ra (3). Có 40 týp HPV có thể lây nhiễm khi có quan hệ tình dục không an toàn (kể cả qua đường miệng, hậu môn), hay khi tiếp xúc với vùng da và niêm mạc cơ thể có vi rút, hoặc lây gián tiếp nếu dùng chung khăn, đồ lót (4). Một số quan niệm sai lầm về mức độ nguy hiểm cũng như khả năng lây nhiễm của HPV dễ khiến cho phụ nữ chưa có sự quan tâm đúng mức về căn bệnh này.

Nguy cơ nhiễm HPV có liên quan mật thiết đến lứa tuổi bắt đầu quan hệ tình dục cũng như số bạn tình (5). Tỉ lệ nhiễm HPV thường phổ biến ở phụ nữ trẻ, với gần 50% các trường hợp nhiễm HPV rơi vào độ tuổi từ 15 đến 24 (theo CDC Hoa Kỳ) (6). Ngoài ra, tỉ lệ nhiễm mới HPV ở phụ nữ sau 30 tuổi vẫn rất cao, lên đến gần 40% ở độ tuổi từ 30 đến 39 (7). Đó đều là những số liệu đáng báo động, nhưng tại Việt Nam tỉ lệ dự phòng HPV vẫn còn thấp. Theo điều tra do Tổng cục thống kê kết hợp với UNICEF thực hiện năm 2021, chỉ có khoảng 7,5% phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi từ 15 đến 29 đã chủ động dự phòng HPV(8). Phụ nữ độ tuổi trưởng thành nếu vẫn chưa dự phòng HPV sẽ dễ mang tâm lý lo lắng về nguy cơ nhiễm bệnh nhiều hơn người đã chủ động dự phòng.

Giờ đây, phụ nữ trong độ tuổi trưởng thành đều có quyền chủ động bảo vệ bản thân khỏi ung thư cổ tử cung

Phụ nữ trong độ tuổi trưởng thành cũng cần bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ nhiễm HPV
Phụ nữ trong độ tuổi trưởng thành cũng cần bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ nhiễm HPV

Để chủ động bảo vệ bản thân, điều phụ nữ cần làm đầu tiên để loại trừ nguy cơ ung thư cổ tử cung là thường xuyên khám sàng lọc ung thư. Bằng cách này, có thể phát hiện kịp thời các tổn thương tiền ung thư ở cổ tử cung, qua đó làm tăng tỉ lệ chữa trị thành công và ít để lại di chứng sức khỏe nghiêm trọng.

Ngoài ra, cần thiết lập và duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng,nghỉ ngơi và vận động hợp lý, tránh xa các tác nhân làm tăng nguy cơ gây ung thư như thuốc lá. Thực hành quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su cũng là cách hiệu quả để giảm nguy cơ nhiễm HPV.

Phụ nữ trong độ tuổi trưởng thành, dù đã quan hệ tình dục hoặc đã từng nhiễm, vẫn nên chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng HPV để giúp góp phần giảm thiểu đáng kể nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Từ đó có thể tận hưởng cuộc sống, an tâm chăm sóc gia đình, giúp xã hội phát triển.

Hồng Ngọc

Nguồn: SSM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI