Sống tối giản, chết tối giản được không?

09/06/2024 - 06:59

PNO - Sống hết mình, đừng làm phiền lòng ai khác, tha thiết với mỗi khoảnh khắc được sống ở hiện tại là cuộc sống này đã quá viên mãn, đủ đầy!

Tôi đọc lá thư đang lan truyền trên mạng được cho là di nguyện của nữ văn sĩ người Đài Loan nổi tiếng Quỳnh Dao. Bức tâm thư của nữ văn sĩ có đoạn gây xúc động mạnh khi bà dặn con không đăng cáo phó, không làm lễ truy điệu, không đốt vàng mã, sau này không cần cúng bái... vì "trái đất đang ngày càng ấm lên, đốt giấy đốt hương đều đang phá hoại quả địa cầu này. Chúng ta có nghĩa vụ giữ môi trường sống sạch sẽ cho những sinh mệnh mới đang nối tiếp nhau chào đời".

Bức di nguyện của văn sĩ Quỳnh Dao (ảnh sưu tầm Facebook)
Bức di nguyện của văn sĩ Quỳnh Dao (ảnh sưu tầm Facebook)

Tôi từng nghe người ta nói nhiều, thực hiện nhiều về lối sống tối giản, nhưng ít ai nhắc về một cái chết tối giản, kể cả những người có cuộc sống giản dị lúc còn tại thế. Thế nên, đọc lời dặn dò của nữ văn sĩ về một cái chết "tối giản" theo đúng nghĩa đen, tôi thực sự ngưỡng mộ và kính trọng di nguyện đầy nhân văn mà vô cùng tiến bộ của bà.

Tôi từng nghe người ta nói như khoe rằng sau đám tang người thân của họ, tiền phúng điếu thu được vài trăm triệu hoặc thậm chí nhiều hơn. Tôi không đồng tình với những ai xem đám hiếu hỉ của người thân mình là cơ hội để kiếm tiền, dù có người biện minh rằng đó chỉ là những gì họ thu lại từ những lần đi đám của người khác (ma chay, cưới, hỏi, thôi nôi, sinh nhật...).

Một cái chết tối giản không cần có cảnh gào khóc bi ai, chỉ cần người ở lại vui vẻ, bình an là đủ (ảnh minh hoạ)
Một cái chết tối giản không cần có cảnh gào khóc bi ai, chỉ cần người ở lại vui vẻ, bình an là đủ (ảnh minh hoạ)

Có những lần đi viếng đám tang, tôi không nghe người ta hỏi người mất lúc còn sống thế nào, ý nguyện trước khi mất ra sao, mà chỉ nghe nhắc chi phí đám tang hết bao nhiêu; khách đến dự là những ai, đoàn thể, tổ chức gì; người mất để lại cho con cháu tài sản bao nhiêu... Tôi tự hỏi phải chăng đó mới là những điều ý nghĩa nhất của cuộc sống này nên mới khiến người ta quan tâm đến vậy?

Một cô bạn kể, trước khi mất, ba bạn dặn cả nhà chỉ tổ chức tang lễ đơn giản thôi, không bày vẽ, ồn ào, tốn kém, mọi người không được than khóc bi ai. Ông yêu cầu hoả táng xong thả hài cốt của ông ra sông và cả nhà chỉ cần hứa sẽ đoàn kết, hòa thuận sau khi ông mất là ông mãn nguyện rồi.

Ba của bạn thuộc kiểu người bình dân, tôi đoán cả đời ông chẳng đọc bài viết nào về lối sống tối giản, nhưng lối sống cũng như suy nghĩ của ông là một minh chứng đủ đầy hơn hết thảy mọi định nghĩa, lý thuyết về sự tối giản.

Hạn chế rác thải ra môi trường cũng là lối nghĩ nhân văn từ một cái chết tối giản (ảnh minh hoạ)ạ)
Hạn chế rác thải ra môi trường cũng là lối nghĩ nhân văn từ một cái chết tối giản (ảnh minh hoạ)

Có những nhà, khi người thân đang sống lay lắt những ngày cuối đời, họ lại bàn tính sẽ làm gì khi "hữu sự": sẽ bày biện thế nào, dựng rạp to hay nhỏ, chọn chất lượng áo quan ra sao, phục vụ ăn uống cho khách sao cho coi được, thuê dàn nhạc, biểu diễn gì không, dàn xe đưa tang thế nào để thể hiện gia thế...

Rõ ràng, hoành tráng hay giản dị, ồn ào hay lặng lẽ, phô trương hay khiêm nhường... tất cả chỉ vì sĩ diện của người ở lại chứ người mất rồi có cảm nhận được gì đâu? Có những người ra đi vì bệnh tật, họ đã quá khổ sở rồi, người nhà cũng đã quá mỏi mệt, đau buồn, liệu có nên khoét sâu thêm vết thương lòng của những người trong cuộc? Chưa kể sự phiền hà, lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Hạn chế đốt/rải vàng mã, thắp hương; miễn chấp điếu; không ca hát, biểu diễn ồn ào, tụ tập ăn uống... không chỉ thực hiện một lễ tang tối giản mà còn là biểu hiện của lối sống văn hóa, văn minh.

Chỉ cần sống hết mình, đừng làm phiền lòng ai khác, tha thiết với mỗi khoảnh khắc được sống ở hiện tại và dành cho hậu thế những tâm nguyện sâu sắc, "có hậu" như nữ văn sĩ Quỳnh Dao là cuộc sống này đã quá viên mãn. Khi đã mất đi rồi, bày biện, phô diễn cũng đâu để làm chi!

Vi Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI