Tuổi già sao cho vui?

Sống tiếp cho mình

02/11/2024 - 12:43

PNO - Nếu biết cách nối tiếp những chuỗi ngày hạnh phúc, họ sẽ luôn thanh thản và giảm bớt khả năng phải gắn với giường bệnh.

1 năm sau ngày mẹ mất, cuộc sống của cha tôi đã thay đổi hẳn. Khó có thể tin một người ngoài 80 tuổi bắt đầu học cách sử dụng máy tính, kết nối mạng xã hội và bắt chuyện với bọn trẻ. Trước đây, ông bàng quan với cuộc sống xung quanh.

Có lần, đang ngồi ăn cơm, cha nói: “Cha đã tìm được chỗ người ta dạy ngoại ngữ, 19g sẽ ra đó học”. Tôi ngạc nhiên: “Cha còn học ngoại ngữ làm gì? Máy móc trong nhà con chọn mua loại có tiếng Việt hết mà”. Cha nhìn tôi đầy vẻ ngạc nhiên: “Cha phải học để còn sống tốt trong kỷ nguyên hội nhập, ít ra thì còn bập bõm nghe được mấy đứa cháu nó “xì xồ”. Không có ngoại ngữ là vừa câm, vừa điếc đó nghe con”.

Tôi thấy xấu hổ vì nghĩ đến chuyện bao lần mình cũng từng quyết tâm học ngoại ngữ nhưng bất thành.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Bà Tư nhà kế bên cũng sẵn sàng đón đợi tuổi già từ rất sớm. Lúc mới nghỉ hưu, bà giáo đi học khiêu vũ thì bị trật khớp cổ chân. Nghe người khác khuyên, bà đi tập dưỡng sinh được 2 tuần thì con gái sinh sớm, bà Tư phải trông cháu ngoại. Cho đến lúc bé đi mẫu giáo thì lưng bà đã còng xuống.

Ông Sáu - bạn của cha tôi - đang sống trong căn nhà khang trang hơn trăm mét vuông, buộc lòng phải bán đi để trả nợ cho đứa con trai độc nhất. Từ lúc sống trong căn phòng trọ hơn 20m2, ông sinh ra trầm cảm. 1 năm sau, ông ra đi sau cơn đột quỵ, để lại sự tiếc nuối trong lòng mọi người.

Nhiều người già phải sống tiếp quãng thời gian sau khi hết tuổi lao động còn cực hơn lúc trẻ. Họ như người giúp việc không công cho con cái. Họ bị thu laptop, máy tính bảng vì các con sợ cha mẹ dùng máy nhiều hại mắt, hại sức khỏe. Không ít người bị con cái “cấm” lái xe và buộc phải đi xe buýt cho an toàn. Nhiều người già khác phải đón tuổi già bằng áp lực do chính gia đình tạo ra. Ám thị về sự kết thúc còn đáng sợ hơn cái chết.

Tôi đi làm về, nhìn cha tích cực học ngoại ngữ, trông ông rất vui vẻ, linh hoạt và như trẻ lại. Người già không hẳn là tàn héo nếu biết sống tiếp phần đời còn lại một cách tích cực, chủ động để thích nghi với hiện tại và tìm lấy niềm vui sống cho mình. Nếu biết cách nối tiếp những chuỗi ngày hạnh phúc, họ sẽ luôn thanh thản và giảm bớt khả năng phải gắn với giường bệnh.

Có muôn vàn cách thương yêu cha mẹ, nhưng điều đó không có nghĩa là sự rào chắn, cắt đứt mọi liên hệ giữa người già với cuộc sống bên ngoài. Hãy giúp cha mẹ tiếp tục những dự định của họ và hy vọng, tin tưởng những điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc sống.

Bùi Việt Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI