Google Maps từng gây sốt thế giới với chế độ mang tên “Du hành thời gian”. Tính năng này cho người ta tìm được nhiều hình ảnh đường phố, hình ảnh kỳ lạ từ động vật hoang dã đến bão cát hoặc các địa điểm chưa được khai phá. Nhưng điều đặc biệt nhất, gây xúc động và lan tỏa nhiều nhất đó là được xem lại ảnh của người thân quá cố, những khoảnh khắc xưa cũ của gia đình. Những khoảnh khắc nằm sâu trong ngăn ký ức, giờ xuất hiện chân thực khiến rất nhiều người rơi nước mắt…
Ai cũng có những ngày thơ ấu khó khăn cũng như những giây phút vui vẻ hạnh phúc (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)
Con người, đàn ông đàn bà, người già người trẻ, người bình thường vô danh hay tên tuổi vang dội khắp năm châu bốn bể, người suốt đời không dời chân khỏi mảnh đất chôn nhau cắt rốn hay người sống tha hương, ai cũng từ một cha mẹ sinh ra, có ông có bà, có anh chị em, có ngôi nhà nơi mình lớn lên, có những ngày thơ ấu khó khăn cũng như có những giây phút vui vẻ hạnh phúc.
Suy tận cùng, thiên tính của loài người chúng ta là luôn hướng đến những điều mới mẻ, cao hơn xa hơn. Gần như đứa trẻ nào ngày nhỏ, cũng từng nuôi lớn ước mơ về một vùng trời khác, lạ hơn xa hơn, nhiều màu sắc hơn khoảng không bình yên mà mình gọi là nhà. Nơi mà chỉ cần gọi tên một món đồ là biết nó nằm ở đâu. Cái nơi chưa cần ngồi vào bàn ăn đã có thể đọc làu làu những món ăn nào sẽ được dọn lên…
Có nhiều lý do để những đứa con rời khỏi nhà mình. Lý do nào khi người ta trẻ cũng mạnh hơn cái níu kéo êm đềm từ những thứ thân thuộc, đôi khi trở thành nhàm chán. Hệt như ta lựa từng lời để làm đẹp lòng người dưng, nhưng với những người trong nhà, dẫu biết rằng có thể khiến họ tổn thương vẫn không cân nhắc. Hệt như ta nhớ sinh nhật của từng người bạn, người yêu, nhưng đôi khi giật mình không nhớ hôm qua là ngày sinh nhật hay ngày cưới của ba mẹ. Hệt như ta có thể có một kho ảnh với bạn bè, đồng nghiệp từ chỗ làm đến quán ăn rồi những chuyến du lịch. Nhưng liệu ta có bấy nhiêu ảnh chụp với gia đình mình, với ba mẹ?
Cách đây không lâu, khi mẹ tôi tìm được bức ảnh đen trắng hiếm hoi, chụp tất cả các anh chị em của mẹ cùng ông bà ngoại, tôi chưa từng thấy mẹ và các dì các cậu vui như thế. Họ chuyền tay nhau bức ảnh, thi nhau nói về mái tóc hip-pi của cậu, cái cổ áo lá sen hợp thời của mẹ, về cái quần ống thấp ống cao của dì Út là thành quả may vá của dì Hai, rồi mắt ai giống ông ngoại, mũi ai giống bà ngoại. Họ, mỗi người một tay, rút dần sợi dây ký ức lại gần, kéo tình thân ruột rà lại gần mình.
Mẹ nói: “Tấm hình này, thấy dì Út giống ông ngoại nhất nhà!”. Dì Út không khóc mà nước mắt cứ trào ra. Các dì khác và mẹ mắt cũng đỏ hoe. Mọi người như đã trở về 50, 60 năm trước. Khi họ ngủ chung trên chiếc giường tre, ăn cùng nhau những bữa cơm độn khoai lang với cá khô mặn. Những hờn giận, ít nhiều, đã có giữa các cậu các dì; những khoảng cách xa đôi năm không gặp, dường như chẳng còn nữa. Tôi chỉ thấy ánh mắt lấp lánh của ký ức đầy thương yêu bao bọc lấy họ. Từng người, ngồi đợi thợ rửa ảnh phục hồi cho mỗi người một tấm, với một niềm háo hức như thể mong chờ chạm tay vào báu vật quý giá nhất của đời mình.
Một tấm ảnh cũ, một ký ức xưa, đến lúc nào đó trở nên lớn lao thiêng liêng như thế trong đời mỗi con người vậy sao? Tôi chợt nghĩ, khi chúng ta còn có thể gặp ba mẹ anh chị mình bất cứ lúc nào, ta đã gặp đủ chưa? Khi chúng ta còn có thể chụp nhiều tấm ảnh gia đình ghi lại những khoảnh khắc bên nhau, chúng ta đã thật sự trân trọng chưa?
Ba tôi thèm nghe tiếng, thèm được biết tin con cháu. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy” người ta còn mối bận tâm nào hơn mối bận tâm về con cháu của mình? Vậy nên, mỗi ngày ba đều gọi cho tất cả các con, một đôi lần. Ở cái tuổi của ba mẹ tôi, cái tuổi mà bước chân sáng chiều chỉ từ bếp ra sân và từ sân trở vào bếp, cái tuổi mà mấy quả trứng trong tủ lạnh cũng trở thành một đề tài tranh cãi thì có cái gì mới, cái gì lạ trong những cuộc gọi của ba!
Ba chỉ hỏi những câu: “Ăn cơm chưa con? Ăn gì? Có đi làm không? Nắng lắm không?”, hay là những câu chuyện kể về những ngày xưa trong quá khứ. Có những chuyện chúng tôi cũng không biết hoặc đã quên. Vậy nên, không ít lần, dẫu chẳng bận gì, chị em tôi vẫn để chuông điện thoại báo cuộc gọi của ba reo tò te tò te mãi rồi tắt…
Hãy trân trọng những giờ phút sum họp bên nhau (Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto)
Cho đến khi, một mình ba đi hơn 80km đến bệnh viện cấp cứu, sau nhiều cuộc gọi cho hai chị em tôi không được. Chúng tôi mếu máo chạy đi tìm ông, chỉ nghe bên tai mấy lời nói nhỏ như gió thoảng của mẹ: “ Ngày nào cái điện thoại không reo chuông là ba buồn thiu!” và tự hứa với mình sẽ chẳng bao giờ bỏ nhỡ cuộc gọi nào của ba nữa.
Trên đời, có những cái sai không sửa được, có những thứ mất đi vĩnh viễn không bao giờ tìm lại được. Chúng ta không có cỗ máy thời gian như chú mèo máy Doraemon, trong truyện tranh trẻ em để có thể quay về quá khứ, sống lại những ký ức cũ.
Vậy nên, thay vì một ngày nào đó lần tìm những hình ảnh yêu thương trên Street view của Google trong một niềm nuối tiếc và thương nhớ khôn nguôi, hãy sống cho một mai từng trang ký ức của mình sẽ ăm ắp những hình ảnh và kỷ niệm về gia đình, cha mẹ anh chị em, con cái…