edf40wrjww2tblPage:Content
Thế nhưng từ đó đến nay, dự án vẫn nằm trên giấy, không được triển khai. Trong khi đó, hàng trăm hộ dân nằm trong vùng quy hoạch phải “sống tạm” trên chính mảnh đất của mình. Họ phải sống trong những căn nhà xuống cấp, hư hỏng nặng mà không được quyền xây mới hoặc sửa chữa.
Lay lắt trong vùng quy hoạch
“Chúng tôi là dân gốc ở đây nhưng phải sống tạm trên đất nhà mình”, ông Đặng Đình Đức, tổ trưởng tổ 40, phường Hòa Hải bức xúc. Ngôi nhà ông Đức thuộc diện kiên cố nhất ở tổ 40. Tường nhà chi chít các vết nứt nhỏ, rêu mọc khắp nơi. Trần ngôi nhà được bao phủ bằng lớp bạt nhựa. Không khí nóng hầm hập, ngột ngạt, khó thở. “Không che bạt, ngày mưa nước chảy thẳng vào nhà. Mái nhà bị hư hơn hai năm nhưng không được sửa. Chính quyền địa phương không cho sửa chứ không phải vì thiếu tiền”, ông Đức than thở.
Khu phố xuống cấp nặng nề bởi dự án treo nhiều năm
Ngôi nhà cấp 4 của bà Nguyễn Thị Nhi (tổ 40, phường Hòa Hải) cũng trong tình trạng tương tự. Bà Nhi cho biết, căn nhà được xây dựng từ năm 1995, tuổi gần 20 năm nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Mùa mưa nước tràn vào đầy nhà, gây ngập ngập, sinh sống khổ sở vô cùng. Tuy vậy, bà Nhi và người dân ở đây sợ nhất những ngày mưa bão. “Cứ nghe có áp thấp nhiệt đới hay bão gần bờ là cả xóm bỏ nhà cửa, tài sản lại rồi dắt díu nhau lên chùa tránh nạn. Nhà cửa xuống cấp có thể sập bất cứ lúc nào”, bà Nhi kể.
Ông Đức cho hay, hai đợt bão Nari, Hải Yến cuối năm 2013, riêng tổ 40 có 1 nhà bị sập hoàn toàn, hàng chục ngôi nhà khác bị tốc mái. “Sau bão nhà sập thì phải chuyển đi thuê nhà ở nơi khác. Nhà tốc mái cũng chỉ được sửa để sống tạm chờ giải tỏa” - ông Đức nói.
Không chỉ lo sợ những căn nhà xuống cấp có thể sập bất cứ lúc nào mà người dân nơi đây còn chịu khổ trong sinh hoạt. Ông Đức cho biết, từ khi có dự án, cơ sở hạ tầng, đường sá nơi đây không được đầu tư. Nhà dân cũng không được xây mới, cơi nới mở rộng nên xảy ra nhiều chuyện bi hài.
Bà Huỳnh Thị Sứt (trú tổ 40) cho biết, năm 2009 khi có dự án bà cùng 4 cậu con trai độc thân sống trong căn nhà rộng khoảng 60m2. Sau 5 năm, số nhân khẩu gia đình bà đã tăng lên 11 khi bà có thêm 4 con dâu và 2 cháu nội. “Muốn cắt đất cho con xây nhà cũng không được. Bán thì không ai mua. Chúng nó làm công nhân nên không dư tiền ra ngoài thuê nhà riêng để ở. Đi vô đi ra là đụng nhau. Buổi sáng, chờ đến phiên sử dụng cái nhà vệ sinh cũng hơn tiếng đồng hồ”, bà Sứt buồn rầu nói.
Dự án treo vì thiếu vốn
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch UBND phường Hòa Hải, cho biết dự án “Công viên văn hóa - lịch sử Ngũ Hành Sơn” được phê duyệt năm 2009. Có 258 hộ dân với 1.568 nhân khẩu nằm trong vùng quy hoạch có diện tích hơn 140 ha. Ông Hiền cho biết, ngay khi phê duyệt dự án, chủ đầu tư đã tiến hành việc kiểm kê, áp giá đền bù cho người dân. Tuy vậy, việc trả tiền đền bù chưa hoàn thành, chỉ có 1 số ít các hộ dân đã nhận tiền.
Nhà của ông Đặng Đình Đức dột mái nhưng phải che bạt vì không được sửa chữa
Theo ông Đặng Đình Đức, người dân trong vùng quy hoạch treo chủ yếu làm nghề điêu khắc hoặc làm nông. Từ khi vướng quy hoạch, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Đất ruộng được thu hồi bị bỏ hoang trong khi người dân không có đất trồng lúa. Các hộ làm điêu khắc thu nhập cũng chỉ đủ nuôi sống gia đình. Nhiều người tiết kiệm được tiền xây nhà nhưng không được phép xây. UBND TP Đà Nẵng đã có chủ trương cho phép các hộ dân trong vùng quy hoạch được xây nhà dưới 50m2 để chống bão. Tuy nhiên, người dân sẽ không được đền bù khi giải tỏa nên không ai dám đầu tư xây dựng. “Dân ở đây chờ đợi lâu nên rất bức xúc. Mỗi lần họp tiếp xúc cử tri họ đều muốn có câu trả lời dự án có thực hiện hay không. Nếu có phải nhanh chóng tiến hành, bố trí tái định cư cho dân. Nếu không phải hủy quy hoạch để người dân sửa chữa nhà cửa vì phần lớn đã xuống cấp nghiêm trọng”, ông Đức nói.
Theo ông Nguyễn Văn Hiền, dự án chậm triển khai do thành phố thiếu vốn. Ông Hiền nói: "Năm 2014 sẽ thi công hai đường lớn là Sư Vạn Hạnh và Huyền Trân Công Chúa để dẫn vào chùa Quan Thế Âm trong vùng dự án. Đây chỉ là công trình nhỏ của dự án. “Toàn bộ dự án thì chưa biết đến bao giờ mới làm”.
ĐÌNH THỨC
Nhiều công viên, khu vui chơi bỏ hoang Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, hiện toàn thành phố có 25 công viên, khu vui chơi công cộng. 80% trong số đó đã ngưng hoạt động. Công viên Bình Kỳ (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 1,5 tỉ đồng năm 2000 nhưng đến nay đã bỏ hoang và xuống cấp. Các xích đu bị đứt gãy, tường rào ngã đổ, sân bóng chuyền cỏ dại mọc um tùm... Tương tự, khu vui chơi Khái Tây (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) được xây dựng với kinh phí 300 triệu đồng cũng bị biến thành nơi chăn thả gia súc. Các khu vui chơi Thạc Gián, Hòa Khê, Xuân Hà, Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê cũng rơi vào tình cảnh tương tự. |