Sống sót trước 'quyền năng' của thế giới ảo

31/10/2019 - 07:30

PNO - Mạng xã hội đã không còn ảo bởi nó có thể khiến người dùng vui, buồn, lo lắng. Đốt trường, đánh người, tự tử vì mạng xã hội xảy ra ngày càng nhiều.

Mạng xã hội đã không còn ảo bởi nó có thể khiến người dùng vui, buồn, lo lắng... Với một “tút” thật hay, ai đó có thể biến thành ngôi sao vụt sáng nhưng chỉ cần lỡ lời viết hớ thì ngay lập tức cư dân mạng sẽ dìm xuống đáy. Nhiều người đã trở thành nạn nhân của bạo lực mạng xã hội. Đốt trường, đánh người, tự tử vì mạng xã hội xảy ra ngày càng nhiều.

Bất lực trong cuộc sống nhưng phải “tỏa sáng” trên Facebook

Mỗi ngày, chúng ta có thể quên gọi điện hỏi thăm cha mẹ, người thân, bạn bè… nhưng tuyệt đối không bỏ lỡ dòng sự kiện đang “hot“ trên Facebook, Zalo…

Chúng ta không nhận ra rằng mình đã tiêu tốn quá nhiều thời gian và tâm trí cho việc sống ảo.

Tại tọa đàm “Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội“ sáng 29/10, thiếu tá - tiến sĩ xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm - giảng viên Trường đại học An ninh nhân dân - thừa nhận: tham gia mạng xã hội sẽ tạo cho con người những cảm xúc và giá trị ảo, đó là cảm giác thỏa mãn, ganh tỵ, ném đá… cho đến hiếu kỳ, tò mò xâm phạm đời tư, hành vi lệch chuẩn… Nguy hiểm hơn là tạo ra một căn bệnh hoang tưởng từ cuộc sống ảo vận vào đời thực. 

Một nhà văn làm mẹ đơn thân đang có lượng theo dõi kha khá đã xây dựng hình ảnh người mẹ hiện đại, để con tự do phát triển, dạy con theo kiểu “quẳng con vào cuộc sống”, khi đói thì tự ăn, thích thì chơi, nói không với thiết bị công nghệ…

Cô trở thành “idol” trong giới nuôi dạy con. Mỗi ngày, cô đều nghĩ ra một chủ đề mẹ con, hằng tuần phải “đẻ” ra những câu chuyện thật nhiều like. Nhưng hỡi ôi, trong một chuyến công tác cùng mới phát hiện ra rằng những điều trên Facebook là chuyện hoang tưởng của ai đó.

Người trên mạng và người trước mặt chẳng liên quan nhau. Cô gí cái điện thoại vào tay con, hết dụ dỗ mở phim hoạt hình này đến la hét con phải ăn, rồi đút từng muỗng cơm cho con. Hóa ra, vì fan ảo mà cô phải gồng mình. 

Song sot truoc 'quyen nang' cua the gioi ao
Bạn trẻ tham gia tọa đàm "Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội" tổ chức tại Trường đại học Mở TP.HCM

Bác sĩ Hồ Nhật Quang - Giám đốc Công ty Đào tạo Huấn luyện Thân Tâm Trí - chia sẻ: có nhiều người trẻ nghiện mạng xã hội, có nhiều trạng thái tiêu cực, phán xét người khác, thể hiện cái tôi muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi. 

Đó là bệnh về cảm xúc, suy nghĩ, hoang tưởng. Muốn trị liệu phải quay lại giá trị thực, tạm dừng một thời gian để tìm lại suy nghĩ, nhận thức trong cuộc sống thực tế của mình.

Từ những cú “like cho chết”  đến hành động dại dột

Chứng hoang tưởng dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường ngoài đời thực. Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An dẫn chứng: có em học sinh THCS ngày thường đăng “tút” chỉ có vài chục “like”, cảm thấy mình không được quan tâm, em liền chơi trội: “Nếu đủ 10.000 like, mình sẽ đốt trường”. 

Trong khoảng thời gian rất ngắn, lượt like tăng chóng mặt. Một cư dân mạng để lại lời nhắn: “Nếu đủ like mà không thực hiện thì em coi chừng đấy”. Có người đến nhà mang theo xăng và buộc em này phải lên xe để đi thực hiện lời hứa. 

“Khi tôi phỏng vấn một số người bấm like những dòng trạng thái này vì nguyên do gì. Họ khẳng định “like” không phải vì thích mà là like cho chết” - tiến sĩ Hòa An cho biết.

Mạng xã hội dần dà bị biến thành thứ vũ khí để tấn công người khác. Nhiều người nổi tiếng lẫn người thường vô tình đã trở thành nạn nhân của những “sát thủ” mang tên cư dân mạng. 

Sau cái chết của ca sĩ Hàn Quốc Sulli - nạn nhân của trò ném đá, bạo lực mạng thì cũng chính cư dân mạng quay ra thương xót cô - điều mà khi còn sống, cô không nhận được. 

Khi bạn chết, đột nhiên cả thế giới quay ra yêu thương bạn là thực tế của thế giới ảo.

Câu nói được cho là nực cười nhất ngày hôm đó chính là “công dân mạng lên án bạo lực mạng”, bởi chính cư dân mạng là thủ phạm tạo ra bạo lực mạng tấn công cô gái trẻ này.

Thạc sĩ Lê Thị Hằng, Trưởng bộ môn tâm lý Trường đại học Nguyễn Tất Thành, cho rằng: văn hóa ứng xử trên mạng xã hội vô tình trở thành con dao giết chết hay nâng đỡ một người nào đó về thể chất lẫn tinh thần. Một lời chê bai, một lời bình luận vô tình có thể làm tổn thương sâu sắc tâm lý của một người nào đó mà chúng ta không hề quen biết. 

Trong khi đó, mạng xã hội ở nước ta thực sự đang ở giai đoạn “trăm hoa đua nở”. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Hà - Hiệu trưởng Trường đại học Mở TP.HCM - định danh đó là một loại quyền năng. Đến đầu năm nay, theo Hootsuite và We Are Social, số người dùng Facebook tại Việt Nam đã ở mức 62 triệu với thời lượng sử dụng trung bình 2,32 giờ/người/ngày. 

Như vậy, Việt Nam đã vượt lên vị trí thứ 18 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới. 

Thời gian vào mạng xã hội trung bình mỗi người là 2 giờ 39 phút, tập trung ở lứa tuổi từ 18-34. 

Việc tăng trưởng mạnh mẽ của xã hội đã thay đổi thói quen sống và hoạt động của nhiều đối tượng. Trong đó mạnh mẽ nhất vẫn là học sinh - sinh viên, nhóm đối tượng có lượng người dùng cao nhất. 

Những hệ lụy của cuộc sống ảo lại có tác động rất thực đến cuộc sống, mối quan hệ và cảm xúc của nhóm học sinh - sinh viên. Thực tế, những câu chuyện hay tình huống thương tâm đã xảy đến với mạng sống con người mà nguyên nhân sâu xa lại là những mâu thuẫn rất nhỏ trên mạng xã hội.

Để giữ tâm bất biến giữa thế giới ảo vạn biến, theo các chuyên gia, người dùng cần phải tỉnh táo, phải biết mình là ai. 

Bác sĩ Hồ Nhật Quang khuyến cáo: khi viết một dòng trạng thái trên trang cá nhân, hãy nghĩ đến những người thân, những người thật sự quan tâm đến mình sẽ đọc những dòng đó. Nếu bạn viết, chia sẻ, nhấn “like” những thông tin chưa đúng, sẽ ảnh hưởng đến mình và cả người khác. 

Lâu dần sẽ trở thành thói quen, bạn luôn tìm những thông tin xấu, những điều không tích cực vì nó được nhiều tương tác trên mạng xã hội. Như vậy, bạn trở thành nạn nhân của những điều đó. Chính mình tiếp tay và trở thành nạn nhân lúc nào không hay. 

Khi người dùng ở trên mạng xã hội quá nhiều, nó hình thành những thói quen trong tư duy, cảm xúc, khi đem ra thực tế, thì sai hết. Vết thương lòng của họ sẽ ngày càng nhiều hơn. Vậy, ta nên trở lại “mặt đất”, phải xây dựng ý thức, trách nhiệm đối với bản thân, với suy nghĩ và cảm xúc của mình. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI