Sống sót sau khi bị tấn công

03/12/2020 - 11:34

PNO - Tôi biết nhiều bạn bè của tôi đã phải nuốt những vết thương đau đớn đó vào lòng. Những di chứng từ vết thương ấy, vì thế, cũng không thể đo đếm được.

Tôi là một đứa con gái từng bị bắt nạt trong trường cấp II. Ít có học sinh nào không bị bắt nạt, tôi nghĩ thế. Mỗi lần bị lạc về khoảng ký ức đen tối ấy, tôi tự nhủ điều quan trọng là tôi đã vượt qua nó để có được ngày hôm nay. 

Không có sự can thiệp của cha mẹ, không có sự chia sẻ đồng cảm hay bênh vực của bạn bè, đứa con gái nhỏ, là tôi, gồng mình lên để tự vệ, dù chỉ ở mức tránh những hoàn cảnh có thể dẫn đến cuộc bắt nạt khác.

Những đứa học lớp trên chờ tôi sau khi tan học, giật cặp lục soát, xé vở, lấy đồ dùng học tập, đánh đập tôi chỉ vì chúng thích như thế. Học xong lớp 12, tôi chỉ có một chọn lựa: đi xa khỏi thị xã quê hương mình, xa hẳn, không bao giờ trở về nữa. Để khỏi đương đầu với những kẻ bắt nạt tôi - lúc bấy giờ chúng vẫn ở đó, vẫn nhởn nhơ vui vẻ… 

Tôi còn may mắn hơn nhiều những đứa bạn gái khác bị “lạm dụng”. Đó là từ của bây giờ, thời thượng, sạch sẽ, không dơ bẩn. Thời của tôi, chuyện đó không có từ để mô tả, hoặc cũng có thể người ta tránh đến mức không mô tả chuyện đó.

Bạn tôi là con trong một gia đình nghèo, cả nhà đi làm công cho một lò mổ heo. Bà chủ lò mổ heo có con trai, đã lấy vợ, xây nhà riêng trong cùng khu đất lò mổ. Việc giết mổ, xẻ thịt heo bắt đầu từ lúc nửa đêm đến mờ sáng.

Bốn giờ sáng bạn tôi đã sang lò, phụ xả thịt, dọn dẹp, nấu nước sôi… phụ bất kỳ việc gì người ta giao cho. Bảy giờ sáng vào lớp học, mắt bạn lờ đờ vì thiếu ngủ và nhiều bữa đỏ lên vì khóc. Lão con bà chủ lò rình bạn, kéo chụp, nắn bóp, vò xé.

Bạn không dám la, không dám nói với cha mẹ vì sợ cả nhà bị mất việc làm. Nhiều bữa vùng chạy được, áo bạn rách toạc, trên da còn hằn nguyên vết móng tay đỏ bầm. Dân cư quanh đó ai cũng biết lão yêu râu xanh có thói rình mò đàn bà con gái, nhưng không ai dám nói gì. Bạn tôi đã chọn cách lấy chồng thật sớm, để ra khỏi cái xóm ấy…

Bốn năm tôi học đại học, ít khi nào dám ở lại trường sau khi hết giờ học buổi chiều. Giờ đó, các lớp đã tan, những nữ sinh về muộn hay bị những tên “khoe của” chặn lại ở góc cầu thang, hành lang khuất người.

Thỉnh thoảng chúng tôi nghe một tiếng hét lớn thất thanh của nữ sinh nào đó, biết là chuyện lại vừa mới xảy ra. Bảo vệ cũng có rình bắt, cả mấy nam sinh viên cũng ra tay nghĩa hiệp bảo vệ các bạn gái, nhưng chuyện chẳng bao giờ chấm dứt. Những thằng mắc bệnh khoe “của quý” còn táo tợn đến mức các nữ sinh đi thành nhóm đông người chúng cũng không sợ.

Chúng vào tận thư viện, lượn lờ giữa những giá sách. Bọn con gái bảo nhau đừng ở lại trường muộn, tránh góc này góc nọ, không đi đường này đường kia để lánh nạn. Giờ nghĩ lại, chẳng bao giờ thấy các vị ở phòng công tác sinh viên, hay phòng hành chính quản trị của trường có động tác nào để cảnh báo hay để dẹp cái nạn ấy. 

Chuyện đó không chỉ có ở trường đại học của tôi. Những hành lang dài trong làng đại học Thủ Đức cũng ám ảnh. Tôi còn nhớ một sinh viên năm nhất đi học quân sự đã khóc nức nở khi chạy ra tới bãi giữ xe, mặt mày xanh mét: “Em bị một thằng chặn lại trên đường ra lấy xe”. Nhiều tháng sau, em nói mình vẫn thấy nhục nhã, thấy mình bị vấy bẩn vì chuyện đó, dù hắn không hề chạm vào em. 

Chúng tôi đã có những năm tháng ám ảnh - Ảnh minh họa
Chúng tôi đã có những năm tháng ám ảnh - Ảnh minh họa

Được đến trường là một may mắn, ai cũng biết vậy, nhưng đến trường cũng là một nỗi ám ảnh. Nhiều người lớn không nhắc đến, không phải vì họ không bị, mà chỉ vì họ muốn quên đi. Tôi biết mình đã may mắn sống sót mà không chịu quá nhiều thương tổn. Tôi cũng biết nhiều bạn bè của tôi đã phải nuốt những vết thương đau đớn đó vào lòng, bởi có bộc lộ ra cũng không ai, không phương thuốc nào chữa được. Những di chứng từ vết thương ấy, vì thế, cũng không thể đo đếm được. 

Rất nhiều khi chúng trở thành những vết hằn trong tính cách, trong suy nghĩ. Khó mà hạnh phúc một cách trọn vẹn, khi trong mình chứa những khoảng tối ám ảnh như thế, khi bản thân mình còn chưa thể động chạm tới, nghĩ thật hết, nhìn thật thấu đáo con người mình. 

Có cách nào không? Tôi không nghĩ ra được cách nào khác, ngoài việc đưa đón con mình đi học mỗi ngày. Nhưng tôi chỉ đưa con tới được cổng trường là hết. May ra thì con sẽ không bị bắt nạt trên đường đi học. Nhưng nghĩ tới những nguy cơ có thể đang chực chờ đâu đó, tôi thấy mình chỉ còn một cách cầu mong mà thôi. Tôi cầu mong con mình sẽ sống sót. 

Hoàng Mai

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Long Saigon 06-12-2020 09:37:09

    Nên cho con mình chơi thể thao, tập võ, dù là trai hay gái, để cháu khỏe mạnh và tự tin. Thêm nữa cho các cháu sinh hoạt cộng đồng để mạnh dạn phát biểu. Tóm lại khỏe mạnh và tự tin giúp các cháu tự bảo vệ bản thân.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI