Sống sót gần 70 giờ dưới đống đổ nát sau khi khách sạn cách ly sập

19/03/2020 - 05:41

PNO - Sau khi bị mắc kẹt trong đống đổ nát tối tăm suốt 69 giờ 33 phút, nhờ bản năng sinh tồn và ý thức nghề nghiệp, anh You Shaofeng - một kỹ sư an toàn lao động, đã được cứu sống một cách thần kỳ.

Vào lúc 7 giờ 5 phút tối ngày 7/3, khách sạn Xinjia (thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) bất ngờ đổ sập khiến 71 người của 38 gia đình đang cách ly vì COVID-19 bị mắc kẹt.

Vào ngày 12/3, người cuối cùng bị kẹt lại trong vụ tai nạn được tìm thấy nhưng rất tiếc đã không còn dấu hiệu sự sống. 29 trong số 71 người đã thiệt mạng.

You Shaofeng (Du Thiệu Phong) là người sống sót duy nhất trong số 10 người cuối cùng được cứu ra từ đống đổ nát. Vào lúc 16 giờ 38 phút ngày 10 /3, trước khi thời gian giải cứu vàng (kéo dài trong vòng 72 giờ) sắp kết thúc, lính cứu hỏa đã tìm thấy anh tại hiện trường vụ sập tòa nhà.

Và đây là câu chuyện mà You Shaofeng kể lại.

Tai nạn kinh hoàng

Đêm 7/3 là đêm cuối cùng của tôi tại khách sạn Jiaxin, nơi tôi cách ly vì COVID-19.  Chiều hôm đó, anh họ cùng công ty với tôi vừa trở về Tuyền Châu, anh ấy rủ tôi đến nhà dùng cơm tối. Tôi nói mình vẫn đang trong thời kỳ cách ly, và hẹn anh ấy ngày mai sau ra viện sẽ gặp nhau.

Đêm ấy, khi tôi đang ở trong phòng thì đột nhiên cảm thấy tòa nhà rung nhẹ. Tôi nghe thấy tiếng thủy tinh rơi xuống đất. Tôi rướn người lên phía cửa sổ để xem chuyện gì đang xảy ra. Cả khách sạn đột nhiên phát ra một tiếng động lớn.

Tôi ý thức được ngay rằng cửa sổ là nơi không an toàn, nếu đứng gần chắc chắn sẽ chết. Tôi nhanh như chớp quay ngoắt lại và nghĩ: “Khách sạn bị sập rồi!”.

Hiện trường vụ sập khách sạn cách ly tại Tuyền Châu (Ảnh Sohu)
Hiện trường vụ sập khách sạn cách ly tại Tuyền Châu (Ảnh Fujianxiaofang)

Nếu có chút thời gian chuẩn bị, tôi sẽ trốn vào góc tường hoặc một nơi nào đó có che chắn bảo vệ. Tôi biết, dù thế nào cũng không được trốn dọc bên tường vì nếu tòa nhà sụp xuống, tôi sẽ bị đè chết.

Tôi thật may mắn. Trong phòng, tôi lướt nhanh thấy giường, tủ đầu giường và bàn xếp thành hình tam giác. Nơi che chắn lớn nhất chính là chiếc giường đệm. Tôi chạy hai bước hướng về phía góc tam giác đó thì ngôi nhà đổ ập xuống. Vụ sập diễn ra chớp nhoáng chỉ trong vòng vài giây!

Lấy lại bình tĩnh, tôi ý thức rằng, 3 điều quan trọng nhất lúc này là giữ gìn sức khỏe, duy trì tâm lý tốt và chờ giải cứu.

Ba ngày ba đêm dưới đống đổ nát

Căn phòng tôi ở có hướng đối diện với đường phố, vì vậy khi tòa nhà sụp nghiêng về phía con đường thì tôi bị chôn sâu đến mức mặt trời không thể chiếu vào. Ở dưới đó, tôi không phân biệt được ngày và đêm.

Trong đống đổ nát, khắp nơi đều là sắt thép, bê tông đá nhọn... Xung quanh tối thui khiến tôi không dám cử động, bởi chỉ cần nhúc nhích tôi có thể sẽ bị thương. Tôi cảm nhận được vết trầy xước trên khắp cơ thể.

Ba ngày ba đêm, vì rối loạn giấc ngủ và không có ánh sáng, tôi cảm thấy như kéo dài đến bốn năm ngày vậy. Quãng thời gian này, tôi trải qua ba giai đoạn: giai đoạn đầu là "ĐAU", giai đoạn này tôi cố gắng ngủ để giữ sức; giai đoạn hai là "ĐÓI", lúc này những người xung quanh liên tục được giải cứu; giai đoạn ba là "KHÁT", đây là khi tôi dễ suy sụp tinh thần.

Nhân viên cứu hộ làm việc ngày đêm (Ảnh Fujianxiaofang)
Nhân viên cứu hộ làm việc ngày đêm (Ảnh Fujianxiaofang)

Nói về cảm giác “ĐAU” trong giai đoạn đầu. Khi tòa nhà sụp xuống, lưng tôi đau khủng khiếp. Đầu tôi bị thứ gì đó kẹp chặt. Tôi chỉ có thể cử động được tay phải.

Tôi cố gắng để đầu mình được thoát ra,  sau đó kéo mạnh tay trái ra. Tuy nhiên chân tôi vẫn bị những hòn đá đè lên, không thể duỗi thẳng, vì vậy tôi cứ giữ tư thế ngồi.

Tôi đã thử hất những viên đá ra khỏi chân đến bốn năm lần, nhưng mỗi lần làm như vậy chân trái tôi đều rất đau. Mãi đến khoảng 30 phút sau tôi mới nhận ra rằng, tư thế ngồi sẽ khiến tiêu hao năng lượng nhiều hơn. Nếu tôi mãi không thể dịch chuyển, tâm lý của tôi sẽ nhanh chóng suy sụp, tôi có thể sẽ không trụ nổi trong hai ngày.

Khi chân trái tôi bị đá đè đến mức sưng lên và mất cảm giác đau đớn, tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để hành động. Tôi nghiến răng, dùng hai tay cố gắng dỡ bỏ hòn đá trên chân phải, sau đó dùng chân này đá hòn đá đang đè lên chân kia. Khó khăn nhất của quá trình này chính là tôi phải tự mình làm. Ngay sau đó, cảm giác đau đớn lên đến tột cùng.

Sau khi tay chân có thể duỗi ra, lựa chọn đầu tiên của tôi là ngủ và tiết kiệm năng lượng. Tôi nằm xuống và để đầu óc thư giãn.

Khi tôi thức dậy, lưng tôi không còn đau như trước nữa. Tôi có thể nghe thấy tiếng đội cứu hộ đang đào bới, nghe thấy âm thanh máy khoan, nghe thấy tiếng những người sống sót khác đang kêu cứu.

Tôi bắt đầu tìm kiếm điện thoại di động, nước uống quanh chỗ nằm, nhưng vô ích. Cuối cùng, tôi tìm thấy một vài tấm xốp mềm, tôi lót chúng dưới lưng. Dù chỉ có thể nằm một chỗ nhưng những tấm xốp mịn khiến giấc ngủ của tôi thoải mái hơn.

Khoảng một ngày trước khi tôi được giải cứu, có một đội cứu hộ đi phía trên. Tôi nghe thấy tiếng một cô gái vừa khóc vừa hét: "Chú ơi, làm ơn hãy cứu cháu! Bố mẹ đang rất nhớ cháu!”. Một lúc sau, lính cứu hỏa đã tìm thấy cô ấy.

Tiếng nói của những người lạ này đều ở phía trên, họ được giải cứu còn tôi bị chôn vùi trong phần sâu nhất của đống đổ nát. Một phần, tôi rất vui vì họ liên tục được giải cứu, rồi cũng sẽ đến lượt tôi thôi. Phần khác, tôi hơi chán nản với chính mình, tại sao tôi không khóc? Biết đâu, nếu tôi khóc toáng lên thì có lẽ đã được giải cứu sớm.

Ở giai đoạn "KHÁT", cuối cùng tôi đã hiểu từ "khát vọng" là thế nào. Cảm giác "khát" thực sự rất khó chịu. Và khi khát, con người dễ bị suy sụp nhất. Có lần, tôi tìm kiếm nước trong tuyệt vọng và lãng phí sức lực của mình. Tôi dùng miệng hút từng cái ống tôi có thể chạm vào trong đống đổ nát, hy vọng đó là ống nước, nhưng vô ích.

Cho đến đêm mưa ngày 9/3, không khí trở nên ẩm ướt. Tôi nhận ra rằng tôi có thể hấp thu nước từ không khí. Tôi lột một ít vải gạc trong giường đệm, làm ẩm nó bằng nước tiểu và đặt nó bên cạnh khoang mũi để tăng độ ẩm xung quanh.

Khát nước đôi khi tạo ra những giấc mơ khóc cười. Đôi khi tôi mơ thấy mình được giải cứu, không ai biết tôi, và tôi vẫn đang tìm nước để uống.

Sống sót kỳ diệu

Trong tình trạng không còn cách nào để tìm thấy nguồn nước, tôi thử thả lỏng bản thân. Tôi muốn hồi tưởng lại một lần nữa những chuyện đáng nhớ đã xảy ra trong cuộc đời mình, từ nhỏ đến lớn.

Sau này tôi mới biết rằng mẹ, anh em họ và hai người chú đã đến. Tại phòng đợi, cả gia đình lo lắng nhìn vào màn hình của hai chiếc điện thoại di động để xem truyền hình trực tiếp.

Bố tôi bị tai nạn xe hơi từ năm tôi lên bốn, mẹ tôi trở thành trụ cột gia đình, tôi cũng nhờ đó mà từ nhỏ đã học tính tự lập. Người nhà ai cũng thương tôi. Chú tôi lo lắng đến nỗi thường nôn ngay sau khi ăn xong.

Đặc biệt, khi đội cứu hộ thông báo rằng những bức ảnh của các nạn nhân sẽ được gửi đến thân nhân. Lúc đó, chân chú tôi bỗng mềm nhũn, chú khóc, rồi run run rẩy rẩy lật từng trang ảnh thông tin nạn nhân.

Cứ mỗi trang được lật ra, mắt mọi người nhắm nghiền lại, không dám nhìn, cứ nghĩ trong đầu liệu người tiếp theo có phải là tôi không. “Không phải!”, trang tiếp theo lại được lật sang. Mẹ tôi nằm trên giường, chăn trùm kín đầu và không ngừng khóc.

Tôi kiên trì chờ đợi. Mặc dù đuối sức, nhưng tôi vẫn có thể thức dậy chừng nửa giờ một lần. Khoảnh khắc hạnh phúc tột cùng khi tôi nghe thấy những người cứu hộ đi ngang qua thật gần và hét lớn trong micro: “Có ai còn sống không?” . Tôi lấy hết sức để trả lời, nhưng họ không thể nghe thấy.

Vì vậy, tôi bắt đầu gõ. Tôi nghe thấy tiếng nhân viên cứu hộ nói ở phía trên: “Nếu có người xin hãy gõ hai lần”. Tôi gõ hai lần. Lần này, hi vọng được cứu của tôi đã đến!

Hình ảnh Yao Shaofeng được tìm thấy từ dưới đống đổ nát (Ảnh Fujianxiaofang)
Hình ảnh Yao Shaofeng được tìm thấy từ dưới đống đổ nát (Ảnh Fujianxiaofang)

"Bạn đến từ đâu?"

"Ôn Châu!"

"Tên bạn là gì?"

" You! Shao! Feng!”, tôi lấy hết tàn sức để trả lời đầy đủ họ tên mình.

Sau đó, một lỗ được khoét ra, tôi đang được cứu!

Sau khi được đưa ra khỏi đống đổ nát, tôi đột nhiên cảm thấy tràn đầy năng lượng. Lính cứu hộ đã nâng tôi lên cáng và đưa đến bệnh viện. Trên đường đi, tôi cứ mãi nhìn con đường Nanhuan quen thuộc. 

Hình ảnh Yao Shaofeng được đưa ra khỏi đống đổ nát của khách sạn (Ảnh Fujianxiaofang)
Hình ảnh Yao Shaofeng được đưa ra khỏi đống đổ nát của khách sạn (Ảnh Fujianxiaofang)

Lần đầu tiên tôi gọi cho bố tôi khi ông vẫn đang ở quê nhà. Tôi rất lo cho bố. Bởi tôi là người con duy nhất và cũng là người quan trọng nhất đối với ông. Mấy ngày nay ông đã không ăn uống gì.

Tôi không thể quên giọng nói của bố trong điện thoại: "Con trai à, nay mọi chuyện đã ổn rồi. Ổn rồi... Con nghỉ ngơi đi!".

Sau này tôi mới biết, mình là người sống sót duy nhất trong số 10 người được tìm thấy cuối cùng. Tôi biết ơn cuộc đời, biết ơn những con người đã lần nữa đem lại sự sống cho tôi.

Vũ Hoài - Đình Nhân (Theo Sohu)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI