Sáng cà phê với vợ, cô ấy “ném” cho cái link một bài báo đang được các bà các cô tán dương trên mạng xã hội: ông chồng sút gần 6,5kg vì stress và kiệt sức sau ba tháng ở nhà chăm con, kèm theo là câu hỏi cụt ngủn: “Thấy chưa?”.
|
Ảnh minh họa |
Gã chồng, cũng không vừa, đốp chát “ném” lại một cái link: “Chồng càng làm nhiều việc nhà, gia đình càng dễ đổ vỡ”. Gã chồng, người luôn nói phụ nữ cần phải học cách sống lý trí hơn còn cẩn thận dẫn nguồn: đây là nghiên cứu mới nhất của Đại học Oslo và Akershus (Na Uy).
Nhóm nghiên cứu đã theo dõi hành vi, quan điểm về việc nhà, cũng như hình thức chăm sóc con cái của gần 20.000 người đàn ông và phụ nữ tuổi từ 18-79. Một tác giả thuộc nhóm nghiên cứu, ông Thomas Hansen cho hay: “Mấu chốt của vấn đề nằm ở tư tưởng hôn nhân “hiện đại”.
Nghĩa là nếu các cặp đôi hiện đại có xu hướng “sòng phẳng” trong chuyện phân chia việc nhà, thì tình cảm, hôn nhân cũng rất dễ sòng phẳng. Nếu không hài lòng, hay không vừa ý, họ có thể nghĩ ngay đến chuyện ly hôn mà không do dự”.
“Điêu toa”, cô vợ nói. “Ngày càng có nhiều người vợ vắt sữa, sau đó chồng cho con bú. Vợ nấu ăn, chồng rửa chén. Hay vợ giặt đồ, chồng phơi… Vậy rồi mà phụ nữ vẫn chưa vừa lòng”, gã chồng mát mẻ rồi tiếp: “Nhưng vợ chồng có nên phân công rạch ròi như vậy không?”. “Phải rạch ròi chứ vì đàn ông là một đứa trẻ mà, cần phải có kỷ luật. Phân công rành mạch vậy họ còn chưa chịu làm mong chờ gì đến lúc họ tự nguyện”, cô vợ hình như bắt đầu điệp khúc mỗi ngày.
Vợ gã từ dạo quyết định ở nhà chăm nom con nhỏ, gã làm thế nào cô ấy cũng không vừa lòng. Khi thì trách sao không đổi việc tới nơi nào gần gần để đón con. Ngày nào cũng để cô ấy nặng nề chuyện kêu con dậy, đưa đón con. Khi thì trách gã vô tâm, suốt tuần có ngày thứ Bảy mà cũng nỡ bỏ vợ con ở nhà, đi uống cà phê. Mà gã chỉ ngồi với anh láng giềng đầu hẻm, chứ có đâu xa.
|
Ảnh minh họa |
Ăn xong, đôi khi hơi lười, gã cho phép mình ngồi ôm tờ báo, cô vợ vừa dọn đồ ăn vừa càm ràm: “Mai mốt đi ăn cơm tiệm hết nhé. Tui quần quật nấu nướng, dọn lên, rồi cun cút dọn xuống. Không cảm ơn thì chớ còn chê lên chê xuống, đồ ăn chừa lại cả làng cả xóm”.
Cơ khổ, chỉ vì cha con gã không thích món cá, ráng lắm cũng chỉ ăn hết nửa cái đuôi, còn cái đầu cá thôi mà vợ mắng sa sả như vậy. Tối, thấy vợ lên lầu ngủ sớm, tưởng nàng mệt, gã không dám phiền, ngồi dưới coi đá banh.
Đến khi lên thấy đèn trong phòng sáng bừng, biết là có chuyện. Quả tình, mắt vợ đỏ hoe. Hỏi gì cũng không nói. Mai gã có một cái họp sớm, đành đi ngủ trước. Nằm vậy chứ có ngủ được đâu. Gần sáng mệt quá thiếp đi, thức dậy thì đã muộn.
Vợ đã cho con đi học, để ngay đầu giường một tối hậu thư: "Chiều đón con lúc 4g15 tại… Tắm rửa. Cho uống cam trước khi ăn. Học Anh Văn lúc 7g15. Mang áo khoác cho con. Phòng lạnh. Tuần này con thi toán - tiếng Việt. Ôn bài trang… Thứ Ba-Năm mặc đồ thể dục. Xịt mũi con trước khi ngủ. Đi làm mang theo nón bảo hiểm cho con.
"Em cần đi đâu đó ba ngày".
Bây giờ mắt gã chồng mới thực sự hoa lên. Chỉ nhớ chừng ấy thứ thôi mà gã muốn lùng bùng. Gọi điện thoại, vợ không bắt máy.
Tối về. Cái bếp lạnh tanh. Hai cha con không nói với nhau lời nào. Điện thoại báo có tin nhắn. Thằng con trai nói chắc mẹ nhắn. Cô ấy đã mở điện thoại gửi một cái clip “do it together” có cảnh ông chồng Anh dậy từ 6g sáng, mắt nhắm mắt mở quần quật làm đồ ăn sáng, vắt nước cam, ủi quần áo, đánh thức các con dậy, cho cả nhà ăn sáng trong lúc vợ ngồi yên nhàn tản đọc báo.
Chiều anh chồng lại tất cả đón con về, nấu ăn giặt đồ, chơi đùa với con, dọn dẹp và khi đem đồ ăn ra còn bị chê. Khi quay tới quay lui dọn dẹp xong, nằm xuống, bên kia người vợ đã ngủ khò. Và một tin nhắn liền sau đó: “Bạn có thấy cảnh này quen quen không?”.
Kịch bản kiểu này hẳn gia đình nào cũng có lúc đã trải qua. Vợ chồng, nhất là khi bắt đầu có con cái cũng phải tìm cách để mà hòa hợp, thích nghi. Việc nhà chưa bao giờ là nguyên nhân nhỏ bé dẫn đến bất hòa trong gia đình. Phân công công việc là một chuyện, nhưng nếu rõ ràng hóa ra chúng ta đang so đo tính toán hơn thiệt với nhau.
Làm sao để cân bằng giữa đời sống riêng của mình và gia đình là một chuyện nữa. Nhưng trên tất cả, ngoài yêu thương, có lẽ vẫn là chuyện đối thoại, cảm thông và hòa giải. Nếu cả hai đều có một góc nhìn tích cực, sẵn sàng tìm giải pháp, cặp đôi đó sẽ có một cơ hội được sống hòa bình cùng nhau cho đến lúc già đi...
Tấn Văn