Sống phải cho ra sống

26/03/2015 - 16:03

PNO - PN - Cô em gái làm bên ngành luật dẫn tôi đến xem một phiên hòa giải ly hôn ở tòa án huyện. Cặp vợ chồng được mời đến, mỗi người một vẻ nhưng ai cũng căng thẳng, buồn rầu.

edf40wrjww2tblPage:Content

Vị thẩm phán hỏi: “Sao anh chị lại muốn ly hôn?”. Cô vợ ngồi im, nét mặt buồn rười rượi xen lẫn chút buông xuôi. Nhìn dáng người, tôi đoán cô khoảng 40 tuổi. Em gái tôi ghé tai: “Trông vậy chứ cô ấy mới 33 tuổi thôi chị à”. Ở cái miền quê gió cát này, chỉ cần lam lũ một tí là không thấy tuổi xuân đâu nữa.

“Sao anh chị lại đòi ly hôn?”, câu hỏi được nhắc lại. Cô vợ thoáng giật mình, hai tay xoắn lại, ngồi dịch ra mép ghế, định nói nhưng có gì đó nghèn nghẹn ở cổ họng. Ngược lại, anh chồng hùng hổ đứng lên, vừa nói vừa chồm người qua phía vợ như muốn ăn tươi nuốt sống: “Tôi không thể sống với loại đàn bà này. Con này nó đi với trai, lấy tiền trong nhà cho trai. Nhục không thể tả được”. “Sự tình có phải đúng như chồng chị nói không? Chị vẫn muốn hàn gắn với chồng mình chứ? Chị có muốn giải thích điều gì không?”, thẩm phán hỏi, chị cũng chỉ im lặng.

Song phai cho ra song
Ảnh: Đặng Hồng Kỳ

Một vẻ im lặng để nhẫn nhịn nhiều hơn là trốn tránh. Anh chồng lại tiếp tục hùng hổ: “Thật là nhơ nhuốc hết chỗ nói. Đồ đàn bà lăng loàn. Tưởng ly hôn với mày rồi tao không kiếm được ai chắc. Mày tuy là vợ tao thật nhưng mày là vợ thứ ba rồi. Chia tay mày cho rảnh nợ. Đồ đàn bà không biết giữ mình”. Biết rằng anh ta nói trong cơn tức giận, nghĩa là có chút mất kiểm soát, nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự tàn nhẫn của người đàn ông này. Bao nhiêu lời xấu ý độc, anh ta trút lên đầu vợ một cách phũ phàng. Nếu không có người can ngăn, anh còn định xông tới tát người phụ nữ nhỏ thó đang ngồi co rúm lại vì sợ.

Trong lúc giải lao, anh chồng cao hứng tiết lộ với một người đến dự hôm đó rằng anh có một cô vợ hờ đang chờ. Hỏi mấy người xung quanh mới biết, anh ta nổi tiếng lăng nhăng. Tại tòa án này, anh đã từng ly hôn hai cô vợ trước. Cô vợ thứ ba đang ngồi đây, tuy lặng im nhưng không hề tỏ vẻ muốn níu kéo. Có người ái ngại hỏi, cô có nhân tình thật không. Cô gật, rồi mắt cô cụp xuống vẻ xấu hổ.

Tôi không mấy phẫn nộ trước sự phản bội của người đàn bà này. Một vẻ thật thà và nhẫn nhịn khiến tôi thấy thương hơn là giận. Cô thỏ thẻ kể, chính cô mới là người kiếm tiền nuôi cả nhà. Chồng cô đi đâu, làm gì, cô cũng không có quyền được biết. Đã thế, có những khoản tiết kiệm bỗng không cánh mà bay. Cô hỏi thì anh chồng chối biến, còn dọa đánh. Cô đành chịu thua. Người được gọi là “nhân tình” của cô đã góa vợ, thấy cô tội nghiệp nên thương. Từ tình thương mà họ xích lại gần nhau.

“Thực ra, tôi mới là người đề nghị ly hôn, từ lâu lắm rồi. Nhưng chồng tôi không chịu. Không phải anh ta còn thương yêu tôi mà là vì những lý do khác”, người vợ bỗng nói năng rành rọt hơn sau một loạt những câu đầy xúc phạm mà chồng hắt thẳng vào mặt mình. “Những lý do khác” mà cô tránh nói thẳng thì hầu như ai cũng hiểu, bởi chỉ cần hơn một tiếng đồng hồ tiếp xúc là cảm nhận được sự độc đoán, ích kỷ của người đàn ông ấy. Nhiệm vụ của tòa là hòa giải, nhưng lúc đó, tôi thấy nhiệt huyết của người đứng ra hòa giải đã giảm đáng kể. Có vẻ như ai cũng muốn mở cho cô một lối thoát.

Buổi hòa giải không thành công như ý nghĩa từ “hòa giải”. Anh chồng còn kịp bắt tay mọi người và nói xấu cô vợ vài câu trước khi tạm biệt. Cô vợ thì lặng lẽ ra về, cái dáng nhỏ bé và rụt rè dần khuất sau cánh cổng sắt lạnh lùng.

Có những sự cố gắng đem lại kết quả tốt đẹp, nhưng cũng có những sự cố gắng chỉ đem lại hậu quả xấu. Hai con người đó không nên (có lẽ cũng không thể) tiếp tục về ở với nhau. “Sao đến bây giờ vẫn còn có những người đàn ông cho rằng mình được quyền cao hơn phụ nữ một bậc, thích làm gì thì làm?”, em gái tôi bức xúc. Tôi không bênh vực cho sự phản bội của người vợ kia, nhưng tôi ủng hộ sự phản kháng để giành lấy hạnh phúc đích thực của đời mình. Sống phải cho ra sống, chứ không phải để chịu đựng cho qua ngày đoạn tháng.

 VŨ HOÀI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI