edf40wrjww2tblPage:Content
Tấm gương các mẹ đã cho tôi niềm tin, thay đổi cả đời tư của tôi”, chị Nguyễn Thị Thanh, vợ một thương binh ngụ đường số 1, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM nghẹn ngào khóc khi ôm vai khách mời của buổi giao lưu “Phụ nữ Sài Gòn - một thời hoa lửa”.
Sáng 26/4, chị Thanh dậy sớm, cùng 200 hội viên phụ nữ, học sinh Trường THCS-THPT Hồng Hà (TP.HCM) tới để khóc cười bên những chứng nhân lịch sử từng bí mật đào hầm, nuôi giấu cán bộ, chuyển tài liệu, thuốc men, vũ khí cho cách mạng...
Dù cái chết cận kề, má vẫn hết lòng bảo bọc
Một buổi giao lưu đặc biệt hiếm thấy khi khách mời đã ở tuổi ngoài 80, người tóc trắng như mây, người muối tiêu sương gió. Biết các mẹ các dì tuổi này như ngọn đèn trước gió, nên từ khi gửi thư mời, ban tổ chức đã phấp phỏng lo.
Mới vài tuần trước, khi thực hiện bài viết Má Trung An giữa ngàn địa chỉ đỏ (loạt bài Phụ nữ Sài Gòn - một thời hoa lửa, báo Phụ Nữ khởi đăng từ 15/4), má Võ Thị Hử ở vùng đất thép Củ Chi còn hào hứng khoe với phóng viên chiếc hòm lưu giữ kỷ niệm kháng chiến, nay đã trong cơn bạo bệnh không thể rời nhà.
Má Nguyễn Thị Nhứt, người che giấu nơi in báo chí, tài liệu cách mạng cũng đang là “khách thân thiết” của Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM vì bệnh tim hành hạ. Ngay người được xem “trẻ trung” nhất trong những vị khách mời như chị Nguyễn Thị Ngọc Huyền, cán bộ nhà in được má Ba Nhứt bảo bọc (nhân vật trong bài viết Tiếng rao trong con hẻm nhỏ) cũng bất ngờ ngã bệnh trước giờ giao lưu.
Đêm trước ngày giao lưu, bà Hồ Thị Nhung, “bà Sáu bán gạo” nuôi cán bộ của vùng Thới Tam Thôn khó ngủ. Sáng Chủ nhật, bà dậy rất sớm, xúng xính áo dài đi từ Hóc Môn lên Sài Gòn. Đôi chân nông dân chưa quen đi giày, bà diện đôi dép Lào cho thoải mái. Bà Ngọc Sương, người mẹ Bàn Cờ điệu đà đeo chiếc túi vải nhỏ, duyên dáng như cô nhân viên bưu điện, công việc bà làm bình phong để hoạt động cách mạng từ những năm 1960...
Đôi bạn già Bích Hoàn và Ngọc Mai không quên trang điểm nhẹ. Họ vẫn giữ vẻ sang trọng và nền nã của những người đẹp giới trí thức, tư sản Sài Gòn thuở trước. Chị Anh Thư, cô em gái Bàn Cờ nhỏ nhắn ngày nào của phong trào học sinh-sinh viên yêu nước xuất hiện trong vẻ điềm đạm của một bà ngoại tuổi 60...
Các dì, các chị không giấu nỗi xúc động khi ôn lại những tháng năm tươi đẹp nhất đời người. Khi má Sáu Nhung cầm micro, những thước phim sống động hiện lên theo lời kể dí dỏm của một tính cách hào sảng. Nhà bà ngày ấy ở trong ấp chiến lược, gần kề nhà xã trưởng nên những trận càn dày đặc. Bà nói, ông bà nghèo lắm, con cái nheo nhóc, hai vợ chồng làm đủ việc để sống, không chỉ bán gạo mà còn nuôi gà, trồng bầu, trồng bí, dưa, bắp... Lính tráng không biết, nhưng xóm giềng thì rất rõ bên dưới những vườn cây xanh tươi đó, là nơi bà thường che giấu năm-bảy “ông Việt Cộng”.
Trước câu hỏi tò mò về “kỹ nghệ đào hầm” của một nam sinh Trường Hồng Hà, bà Sáu vui vẻ vòng tay mô tả chiếc miệng hầm dài và hẹp. Cán bộ chui xuống, bà đóng miệng hầm lại rồi quét đất, lá khô phủ lên, vuốt từng ngọn cỏ cho tự nhiên, xóa sạch dấu chân. Mỗi căn hầm chỉ chứa tối đa ba người, nếu hơn sẽ không đủ không khí để thở vì số ống thông có hạn.
Trời nắng, ngột ngạt; trời mưa nếu gặp đợt địch càn, có khi cán bộ phải nằm hầm hơn một ngày trời với áo quần ướt nhẹp. Giấu người bên dưới, ở trên bà lo đối phó với địch, lòng dạ rối bời. Bà nói xót ruột lắm, đau đớn lắm vì tới khi địch bỏ đi, kéo người lên, có anh thở thoi thóp, có người không qua khỏi bởi trước đó đã bị trọng thương…
Thương những người trẻ tuổi chịu cực để làm cách mạng như con như cháu nên dù nghèo đói mấy, khổ cực mấy và cái chết, tù đày cận kề, bà vẫn hết lòng bảo bọc. Không chỉ ráng sức nhường cơm, nhường rau cho bộ đội, hiếm hoi có buổi chợ đổi được miếng thịt ngon, bà cũng dành dụm chăm nuôi những người vì nghĩa lớn.
Tại buổi giao lưu, câu chuyện đào hầm giấu vũ khí ngay Q.3, trung tâm Sài Gòn của người mẹ Bàn Cờ Trần Thị Ngọc Sương cũng được cô con gái, chị Nguyễn Thị Anh Thư chia sẻ. Ở khu dân cư nhiều hẻm ngang, ngõ tắt, các chiến sĩ nội thành, học sinh-sinh viên yêu nước khi bị rượt bắt thường chạy thoát một cách ngoạn mục. Không chỉ do cảnh sát không thể chặn hết lối ra, những cánh cửa nhà dân luôn sẵn sàng mở để che giấu những người con.
Chị Thư bồi hồi kể: “Mẹ tôi và dì Phan Ngọc Dung hì hục cạy gạch bông, đào nền bếp với lý do chuột phá, ống nước hư. Mỗi ngày mẹ giao tôi xách chừng một lon đất đi đổ. Mẹ giấu súng, cờ, băng rôn ở đó mà chúng tôi không hay biết. Nhà tôi là nơi lui tới của các dì, các má trong Ban Phụ vận nội thành, Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, Hội Bảo vệ nhân phẩm và phụ nữ... Mẹ bị nghi ngờ nên địch bắt và tra tấn nhiều lần”.
Bà Ngọc Mai, người phụ nữ gắn liền với hình ảnh chiếc xe Daihatsu trắng chở bột Bích Chi vẫn rất nhanh nhẹn, trẻ trung ở tuổi “xưa nay... rất hiếm”. Một nữ tài xế tại buổi giao lưu đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ khi nghe người “đồng nghiệp lớn” kể suốt 10 năm bà dùng chiếc xe giao hàng để vận chuyển tài liệu, thuốc men, báo chí mà không bị phát giác.
Cả hội trường cùng vỗ tay nhịp nhàng khi bà Ngọc Mai cất giọng hát bài ca kháng chiến. Trước mắt chúng tôi lúc này, dường như là cô giao liên Ngọc Mai trẻ trung ngày nào đang vừa hát vừa ôm vô lăng độc hành trên những tuyến đường dài. Khi qua chốt gác, người phụ nữ bé nhỏ cũng “đánh trống ngực”, nhưng những lời đối đáp thông minh, dí dỏm của bà chính là “giấy thông hành”.
Bà Mai tự hào: “Tai mắt mật thám, CIA khắp nơi. Nhưng chúng bám là tôi phát hiện ngay. Có lần nghe dọa dẫm: “Chị đổ xăng ở đâu, chị giao hàng nơi nào tôi nắm hết rồi nghe”, tôi đã cười thầm: “Có một thứ bây không biết đó, là tau giấu “hàng cấm” trong xe bột kia kìa. Tau là Việt Cộng xịn nè”. Sau những phút hồi hộp theo dõi câu chuyện của người giao liên, cả hội trường thở phào, vỗ tay, niềm tự hào dâng lên cùng chí khí của người phụ nữ bé nhỏ.
Chiến tranh mang khuôn mặt trẻ thơ
Trong bài phát biểu đặc biệt của mình tại buổi giao lưu, bà Lê Huyền Ái Mỹ, Tổng biên tập báo Phụ Nữ đã chia sẻ cảm xúc kính phục, tự hào trước những hy sinh thầm lặng của các mẹ, các chị từ lúc đọc duyệt năm bài báo trong loạt “Phụ nữ Sài Gòn - một thời hoa lửa”. Bà Ái Mỹ nói, trong chiến tranh giữ nước, trách nhiệm luôn đặt lên những người đàn ông, nhưng khi phụ nữ chung vai gánh vác trách nhiệm này, có gì đó rất nao lòng.
Những ám hiệu gọi con ăn cơm, tiếng rao, tiếng ru, tiếng trẻ hát nghêu ngao... còn vẳng lại sau mỗi bài viết, nghe vừa lãng mạn vừa xót xa, gợi nhớ hình ảnh chú bé Gavroche băng mình trên chiến lũy giữa lòng thủ đô Paris để phục vụ kháng chiến (trong tác phẩm Những người khốn khổ của Victor Hugo).
Nhiều đứa trẻ ở Sài Gòn thời chiến như con bà Bích Hoàn, con bà Ngọc Sương, con bà Ngọc Mai, bà Sáu Nhung, bà Ba Nhứt... không chỉ có một tuổi thơ thiệt thòi mà còn tạo một chiến tuyến độc đáo của mình trong mỗi ngõ hẻm, xóm làng.
Năm 1964, ra tù, bà Bích Hoàn làm tổng đại lý phân phối bột Bích Chi của vợ chồng bà Ngọc Điệp, ông Kiêm Khánh; lãnh nhiệm vụ vận động các nhà doanh thương theo và ủng hộ cách mạng. Phía sau hình ảnh một người đàn bà đẹp, quan hệ rộng trên thương trường là những buổi họp kín, những buổi đón đưa các cán bộ lãnh đạo phong trào. Căn nhà của bà ở khu đường Yên Đỗ (bây giờ là đường Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM) bị chính quyền Sài Gòn đánh dấu đỏ và theo dõi gắt gao.
Để có kỳ tích 10 năm trong lòng địch không bại lộ, bà nói là nhờ đội “an ninh tí hon”. Đàn con bà Bích Hoàn khi đó mới lần lượt ở tuổi 6, 12, 14, nhưng đã biết phân chia nhau canh chừng cho mẹ. Những lính gác nhỏ bé đó sớm phải xa cha mẹ lên rừng theo kháng chiến từ tuổi thiếu niên.
Ở khu dân cư Bàn Cờ, cô bé Anh Thư và đàn em từ nhỏ đã biết phụ mẹ và các dì nuôi giấu cán bộ. 16 tuổi, Anh Thư sôi nổi theo Tổng hội Sinh viên phản đối chính quyền Campuchia tàn sát Việt kiều. Cô nữ sinh Gia Long tiến dần vào con đường tranh đấu của học sinh-sinh viên Sài Gòn Gia Định một cách tự nhiên, bị tra tấn và tù đày vẫn không hề nhụt chí.
“Các cháu hôm nay được học trên giảng đường, còn trẻ nhỏ nông thôn chúng tôi ngày ấy đói nghèo và thất học. Khi bộ đội về dạy, tôi đã học chữ trong hầm đất, dưới ánh đèn dầu leo lét”, bà Sáu Nhung chia sẻ.
Trân trọng hòa bình và học thật tốt, ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng đất nước là lời khuyên các em đã nghe nhiều lần, trong nhiều hoàn cảnh, nhưng với em Chế Công Minh, học sinh lớp 12A10 Trường Hồng Hà, chưa bao giờ điều đó thấm thía như hôm nay. Đó là những nhắn nhủ, truyền trao của một thế hệ đã không tiếc tuổi thanh xuân, máu xương để có ngày thống nhất.
Tên mẹ chính là tên đất nước
Coi cái chết nhẹ tênh, các bà, các chị đều là những người phụ nữ mảnh mai, nhưng sở hữu sức mạnh và ý chí phi thường. “Cùng lắm chỉ chết một lần, có chết lần hai đâu mà sợ”, bà Sáu Nhung nhiều lần nhắc lại “câu chú” của lòng mình khi nghe tiếng gót giày lính càn đạp cổng. Bà mẹ nông dân ít học, ít đọc, rất tự nhiên sở hữu tinh thần của nhân vật Paven Cosaghin trong tác phẩm gối đầu của những người Cộng sản Thép đã tôi thế đấy (tác giả Nikolai A. Ostrovsky). Khi có người hỏi bà có sợ chết không, bà khảng khái: “Không sợ. Chừng nào chết thì không nuôi, chứ còn sống thì còn nuôi cách mạng”, câu nói của bà làm hội trường rộn tiếng vỗ tay.
Về cuối, cuộc giao lưu trở nên gần gũi hơn. Một nữ sinh quan tâm tới tình yêu của những phụ nữ đẹp thời đó, hỏi rằng liệu các bà có xiêu lòng trước sự tán tỉnh của người phía bên kia chiến tuyến. Câu hỏi về tình yêu khiến những phụ nữ lớn tuổi lúng túng. Bà Sáu Nhung bộc bạch: “Tấm lòng của người một dạ vì cách mạng sẽ rung động khi nhận ra người đàn ông cùng chí hướng với mình”.
Trời trở trưa, em Nguyễn Chí Phúc, học sinh lớp 12A10 Trường Hồng Hà nói với tôi khi chia tay: “Em thi khối C, nhưng việc hiểu, thuộc môn lịch sử với em là không dễ. Cuộc gặp nhân chứng sống thế này giúp em dễ xâu chuỗi các sự kiện, hiểu sâu hơn những thuật ngữ khô khan”.
Tôi nói với em, không phải ai cũng may mắn gặp những tượng đài đã đi vào thơ ca, nhạc họa. Chỉ vài năm nữa thôi, các mẹ rồi sẽ già hơn, và sớm muộn cũng lùi vào một thế giới xa xôi. Tôi cũng như em, không còn cơ hội ngắm nhìn các mẹ, không còn nghe xung quanh tiếng các chị phụ nữ P.Thảo Điền nắm tay, vuốt ve mái đầu bạc, râm ran lời dặn dò: “Má ráng giữ gìn sức khỏe nhé! Má trồng cây thuốc này này, dùng hàng ngày tốt lắm đó má”...
Tôi chợt nghĩ, thế hệ sau có thể không nhớ cụ thể tên họ và nơi ở của các mẹ giữa hàng ngàn địa chỉ đỏ của thành phố này, của miền Nam trong cuộc kháng chiến vĩ đại, nhưng những địa danh đã gắn liền với tên người như Bà mẹ Bàn Cờ, Bà mẹ Mười tám thôn vườn trầu, Bà mẹ Củ Chi, Nữ biệt động Sài Gòn... sẽ còn mãi mãi. Các mẹ và những vùng đất trung kiên đã trở thành một phần của chiến thắng, một phần lịch sử, không bao giờ bị lãng quên.
HỒNG PHƯƠNG
Nôn nao không ngủ được Đồng hồ điểm hơn 6g, dù là sáng Chủ nhật nhưng sân Trường THCS-THPT Hồng Hà tại Gò Vấp vẫn đông nghịt học sinh. Các em háo hức bởi sắp được gặp các má - những chứng nhân lịch sử. Em Võ Thành Nhân, học sinh lớp 12A4 cho biết: “Thầy dặn 7g tập trung nhưng mới hơn 5g sáng em đã nôn nao không ngủ được. Em tính nghỉ lễ về quê ở Khánh Hòa thăm gia đình, nhưng rồi quyết định ở lại trường đi giao lưu với các má. Nghe các má tâm sự, em rất ngưỡng mộ. Các má nuôi giấu bộ đội và che chở như con ruột, đó là điều không phải ai cũng làm được”. “Lâu nay, em đọc sách nghe nhắc đến Mười tám thôn vườn trầu, Bàn Cờ… giờ được gặp những chứng nhân lịch sử, em thấy mình thật may mắn. Khi nghe các bác kể câu chuyện đào hầm, những “chiêu” để che mắt địch em cảm thấy vừa ngưỡng mộ, vừa hồi hộp”, Quỳnh Anh, học sinh lớp 10A4 Trường THCS-THPT Hồng Hà hào hứng chia sẻ. TIÊU HÀ |
Vì mình thương bộ đội... Sáng 26/4, chúng tôi về Thới Tam Thôn (H.Hóc Môn, TP.HCM) đón má Sáu Nhung. Hẹn má lúc 6g30, mà chưa tới 6g khi xe tới, má đã sẵn sàng áo dài, khăn quàng cổ, cùng đôi dép mới mua. Má cười: “Lâu lắm rồi mới “đóng bộ” vầy đó bây ơi!”. Trên xe, tôi nhắc má nhớ khi giao lưu phải kể chuyện đào hầm nuôi bộ đội, má vui lắm: “Nghề cả đời má mà, sao mà không kể được!”. Từ Hóc Môn, chúng tôi cùng má Sáu Nhung ghé qua Gò Vấp đón má Đoàn Thị Bích Hoàn - chủ thương hiệu bột Bích Chi năm xưa. Vừa bước lên xe, nghe giới thiệu má Sáu Nhung, má Hoàn ôm chầm lấy má Sáu Nhung: “86 tuổi luôn hả chị? Tuổi Mùi hay tuổi Ngọ đây?”. Hai má cùng rưng rưng: “40 năm giải phóng mới biết nhau, vậy mà vừa gặp sao tui thấy thương chị quá. Chắc tại mình cùng thương cách mạng, thương bộ đội chị he”. Hơn sáu giờ đồng hồ bên cạnh nhau dự giao lưu, hai bà bạn già chia tay bịn rịn, dặn nhau gìn giữ sức khỏe, nhớ uống thuốc đều cho tim mạch tốt, nhớ tập đi bộ cho khỏe chân tay. Biết chúng tôi đi Trung An thăm má Bảy Hử, người phụ nữ hơn 30 năm đào hầm nuôi cách mạng, hai bà má cùng tiếc rẻ: “Giá chi mình khỏe hơn để đi thăm chị ấy”. Không có các má đi cùng, nhưng đồng hành với chúng tôi về Trung An hôm ấy là những lời gửi gắm yêu thương: “Nói chị Bảy gắng lên, mình vui bệnh mới mau lành”. Nhận bó hoa, hộp nước yến… những món quà của chương trình gửi tặng, má Bảy Hử đưa tay lau nước mắt: “Các má cảm động lắm, con ơi!”. Trong khuôn khổ năm bài báo, trong giới hạn của ngôn từ và cả khả năng tìm kiếm những nhân chứng lịch sử sau 40 năm, chúng tôi chỉ tìm được chừng ấy tấm gương trong triệu triệu tấm gương những người chị, người mẹ Sài Gòn đã che giấu, nuôi dưỡng bộ đội, tiếp tế cho cách mạng. Thông qua các kho tư liệu sống động mà từng bà mẹ, người chị còn lưu giữ, chúng tôi có được một lượng thông tin đáng kể về lịch sử một vùng đất, một địa danh gắn với cuộc đời những người phụ nữ. Ngày hội ngộ, dì Ngọc Mai gửi tặng thư viện báo Phụ Nữ quyển tiểu luận nghiên cứu về Đảng Dân chủ Việt Nam, một chính đảng cách mạng có nhiều đóng góp trong cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa từ thời kháng Pháp do Bác Hồ sáng lập… Má Bích Hoàn biết báo Phụ Nữ có Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức Phụ Nữ, có nhã ý sẽ tặng cho thư viện của Trung tâm hơn một trăm bức ảnh tư liệu phụ nữ trong thời chống Mỹ... NGHI ANH |