Sống ở nơi tệ nhất Sài Gòn

29/02/2016 - 14:26

PNO - Lọt thỏm giữa những tòa nhà xa hoa là xóm nhà lá tồi tàn, nổi dập dềnh trên dòng kênh đen ngập trong mùi xú uế…

Song o noi te nhat Sai Gon
Xóm Vườn Ổi tập trung gần 100 hộ nhập cư bất hợp pháp - Ảnh: P. Huy

Tôi bước sâu vào phía sau những dãy căn hộ sang trọng, của Estelia, Cantavil, Novaland ở P. An Phú, Q.2, một bức tranh tương phản hiện ra: lọt thỏm giữa những tòa nhà xa hoa là xóm nhà lá tồi tàn, nổi dập dềnh trên dòng kênh đen ngập trong mùi xú uế…

Người khổ dạt hết vào đây...

Rác. Hơi thối. Sình. Nếu lỡ trượt ngã xuống, chắc tôi chết ngạt vì mùi nồng nặc đông cứng như bức tường đang đè xuống đầu. Như là điều hiển nhiên phải có khi tá túc chốn này, người phụ nữ đầu tiên gặp chào tôi bằng bản kê... khổ: “Khuya hôm trước vợ thằng Nghĩa vô Bệnh viện Từ Dũ, đẻ mổ. Tội cái thằng. Đưa vợ đi đẻ mà trong túi không có cắc bạc. Tui dựng cả xóm dậy để quyên góp, người vài chục, người rộng bụng thì được một trăm, cuối cùng được gần hai triệu để nó chở vợ đi.

Bệnh viện kêu phải đóng bốn triệu, nó chờ trời sáng rồi đi cầm xe máy được ba triệu. Giờ vợ nó đẻ rồi, phải đóng thêm tiền mà không biết đào đâu ra. Ai cũng muốn giúp mà lấy đâu ra để giúp? Toàn người đói khổ nhứt dạt vô đây mà”. Giọng bà buồn rớt. Bà kể, tên bà là Lê Thị Ngọc Hậu, quê ở An Giang, không có ruộng đất, cả nhà chỉ được ăn no khi đến mùa “vác công đoàn” (vác lúa thuê), còn lại đói dài. Vài năm trước, gia đình bà dắt díu nhau lên đây, thuê phòng trọ ở Xóm Ổi hết 800.000đ/tháng. Chồng và con trai đi làm vệ sinh cho các cao ốc, bà ở nhà lo cơm nước và giữ hai đứa cháu gọi bà bằng dì và bác.

Bỗng trời đổ mưa rào. Bà Hậu chạy đi, như cố giữ thân mình khỏi bị té trượt giữa nhầy nhụa nước bẩn. Dãy phòng trọ ọp ẹp, kêu răng rắc, rung lắc trên đặc nghẹt rác đen. Mùi thối đến lợm ói. Hơi nóng bốc lên. “Nếu mình ở đây thì sống được bao lâu?”, ý nghĩ đó đến trong tôi và đông cứng lại, chân như muốn quỵ. 28 phòng trọ, chia làm hai dãy, nhà vệ sinh chung cuối dãy, tống thẳng ra kênh. Mà kênh thì không chảy, quẩn quanh bu bám trở lại.

“Tui may mắn đó, kiếm được căn phòng này, chứ mấy chỗ kia sát nhà vệ sinh”. Bà Hậu, không vui, cũng chẳng sầu não, ngó căn phòng mình đang ngụ. Chủ trọ tận dụng bất kỳ chỗ nào để dựng phòng, kể cả nơi bẩn nhất. “Không thể kiếm chỗ khác hả bác?”. “Chèng ơi, nghèo mạt đi đâu nổi hả chú?”. Giọng bà tan trong mưa, rơi tõm xuống dòng kênh đen, đen đến mức không thấy mặt người.

Song o noi te nhat Sai Gon
Bức tranh tương phản ở Sài Gòn. Những cao ốc sang trọng tọa lạc bên túp lều dựng trên ao rác

Xóm trên kênh mà như sống ở lồng bè, bởi không có hệ thống thoát nước nên cứ như nổi lềnh bềnh trên rác. Tôi vừa nhác thấy một túp lều như chiếc nón lá rách biệt lập trên khoảnh ao đen đầy rác, có bóng người lui cui ra vào. Chiếc nón ấy bằng dừa nước, cao chưa đến hai mét, một nửa tựa lên mô đất, nửa còn lại nổi trên đống rác.

Lum khum ra khỏi lều, bà Lê Thị Nữ ngượng nghịu phân trần: “Mùa nắng thúi quá hở chú? Nhưng mùa mưa còn thúi hơn, dưới thì nước lấp xấp sàn nhà, mang rác về, trên thì dột, nhưng với đồng lương thợ hồ, vợ chồng tui không dám chuyển chỗ khác”. Túp lều kỳ dị ấy, trước đây được chủ trọ dựng lên, cũng cho thuê 800.000đ/tháng. Trong một lần đến thăm, có vị cán bộ chính quyền vừa bịt mũi vừa lệnh chủ trọ không được cho thuê chỗ ở ấy nữa. Chủ trọ đồng ý. Nhưng rồi vợ chồng bà Nữ lại mò vào ở “ké” miễn phí.

Tôi nhìn bà. Một chỗ trú ngụ dưới gầm trời này, mênh mông đấy, nhưng nào có dễ. Miếng ăn khiến người ta thương cái lưng hơn cái mũi, khao khát một chỗ nằm hơn là nghĩ đến đêm nay, ngày mai, bệnh tật sẽ chụp xuống. Rồi chiều hôm đó, nỗi cám cảnh trở thành ám ảnh đã được gọi tên trong tôi. Chính trong túp lều ấy, một người phụ nữ lớn tuổi bế đứa cháu nhỏ bước ra. Đứa bé trắng trẻo, mới 10 tháng nhưng đã phải ở cùng bà nội trên ao rác.

Bà Mai Thị Hà (quê Cà Mau) nhìn đứa cháu trên tay, miệng thì mếu mà mắt ráo hoảnh, như đã khóc hết nước mắt: “Năm ngoái, một đứa con trai chết vì bệnh gan, rồi thằng kế lên Sài Gòn làm công nhân bị xe tông chết. Vợ nó thảy con cho tui, bỏ đi biệt. Tui không biết làm sao, đành ôm cháu lên đây”.

50 tuổi, nhưng trông bà như đã 70. Bà kể, mỗi ngày bà gửi con cho một người ở xóm trọ, đi làm được 150 ngàn đồng, trả công chăm cháu cho người ta hết 50 ngàn, tiền mua sữa và đồ ăn nữa là hết. “Nên nếu tui đi thuê phòng trọ nữa thì hai bà cháu sẽ chết đói”, bà nói, gương mặt nhàu nhĩ như chính cuộc đời mình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI