Ai cũng có thể nói và chứng minh được “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” là tiêu chí vàng khi chọn đất thổ cư, không phải chỉ ngày xưa, cũng chẳng riêng gì ở Việt Nam, nó đúng ở mọi nơi, mọi thời đại. Trong phạm vi vấn đề đặt ra, chúng ta chỉ bàn đến tiêu chí “cận giang”.
|
Một khúc sông Sài Gòn đã bị xâm lấn khá thô bạo |
“Gần sông” không chỉ là tiêu chí lựa chọn của đối tượng hưởng thụ, mà còn là tiêu chí ưa thích của các nhà đầu tư. Tại các đô thị lớn trên thế giới, giá bất động sản tại các khu vực bờ sông luôn cao hơn (từ 10-50%) so với vùng lân cận. Vì vậy, vấn đề “lấn sông” là vấn đề toàn cầu. Ở đây, chúng ta cần thảo luận sâu hơn về thuật ngữ “lấn sông” mà Báo Phụ Nữ TP.HCM nêu lên.
Đó là những lời mở đầu của giáo sư - tiến sĩ Lương Phương Hậu - nguyên Phó chủ tịch Hội Cảng - Đường thủy - Thềm lục địa Việt Nam trong cuộc đối thoại với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM.
Giáo sư - tiến sĩ Lương Phương Hậu
|
Những dự án gây bất an
Phóng viên: Thưa giáo sư, ông đánh giá như thế nào về tình trạng các công trình, dự án lấn sông hiện nay?
Giáo sư - tiến sĩ Lương Phương Hậu: Chúng ta đều biết rằng, các thành phố ven sông nổi tiếng trên thế giới tồn tại hàng trăm, hàng ngàn năm. Và các con sông đó gánh trên vai những công trình nhân tạo khổng lồ. Nó đã không còn là con sông tự nhiên như nó vốn có nữa, nó đã được kênh hóa (channeling). Nghĩa là lòng sông đã được gia cố bền vững để không còn bị sạt, sụt, biến dạng bởi các tác động của thiên nhiên và của con người.
Dòng chảy đã được khống chế theo không gian và thời gian về lưu lượng, lưu tốc để không gây ngập lụt, không gây trở ngại cho các hoạt động trên mặt nước. Do đó, “lấn sông” mà chúng ta đề cập ở đây là xâm phạm vào không gian vận động của các con sông đang ở trạng thái tự nhiên.
Lấn sông có tự phát và lấn theo dự án. Ở đây, ta chỉ nói đến lấn sông hay lấp sông theo dự án, chủ yếu xảy ra ở các đô thị.
Ở TP.Hà Nội, sau nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia, đến năm 2008, dự án quy hoạch thành phố bên sông Hồng bất ngờ bị dừng triển khai, do có các ý kiến trái chiều về những giải pháp chỉnh trị sông. Đến năm 2015, việc nghiên cứu quy hoạch hai bên bờ sông Hồng được khởi động lại. Gần đây nhất, quy hoạch sông Hồng được lãnh đạo Hà Nội nêu ra với yêu cầu nghiên cứu lập đồ án dọc hai bên sông theo hướng đảm bảo phòng chống lũ, tạo lập một đô thị hiện đại, khai thác hiệu quả quỹ đất...
Có 3 nhà đầu tư Vingroup, Sun Group và Geleximco tự nguyện đóng góp kinh phí nghiên cứu quy hoạch hai bờ sông Hồng. Ông Dương Đức Tuấn - Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, mốc thời gian đến năm 2020 để hoàn thành dự án là rất khả thi. Theo tôi, cách làm của Hà Nội tuy có chậm, nhưng bài bản. Phương châm nghiên cứu lâu, kỹ, nhưng khi làm thì thật nhanh là chuẩn trong những dự án liên quan đến sông nước.
|
Hà Nội đang quy hoạch sông Hồng |
Tại TP.Đà Nẵng, đặc biệt ấn tượng là các dự án ven hai bờ sông Hàn thuộc trung tâm thành phố. Đây là điểm nhấn không gian đô thị đã thu được hiệu quả tốt. Tuy vậy, do làm nhanh, loại hình và chất lượng công trình không bảo đảm, nhiều năm qua tuyến kè hai bên bờ sông Hàn đã bị sóng đánh sụt nhiều nơi, nhiều lần. Từ năm 2018, toàn bộ diện mạo khu vực này dần thay đổi khi hàng loạt dự án đã bắt đầu đưa vào thị trường.
Nam bộ tình hình có khác. Do sự bức bách của yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, việc khai thác không gian sông trong quy hoạch các thành phố hình như đã tiến hành theo kiểu “vừa đi, vừa xếp hàng”.
Điển hình như các dự án ven sông Đồng Nai (TP.Biên Hòa), sông Sài Gòn (TP.HCM). Các dự án nhà cao tầng ở Q.2, Q.Thủ Đức, Q.Bình Thạnh… hình thành nhanh chóng, xây dựng cấp tập rồi lại đình chỉ để nghiên cứu, tranh luận, thậm chí chấp nhận bị phạt hoặc “đắp chiếu” bỏ dở. Quần thể cao ốc Landmark và công viên Central Park của Tập đoàn Vingroup cũng đang khiến dư luận bất an.
Về miền Tây, các dự án trên sông Cần Thơ và trên các cù lao sông Hậu cũng đang gặp những vấn đề tương tự.
Vậy nên, trước hết chúng ta cần hiểu thế nào là lấn sông và vì sao phải ngăn chặn việc lấn sông tùy tiện. Dù phải trả giá bằng những thiệt hại khủng khiếp qua các trận thủy tai, ngập lụt, sạt lở bờ bãi… nhưng bất kỳ đâu, thời nào, các dòng sông vẫn là món quà tuyệt vời của tự nhiên ban tặng cho con người. Một con sông chảy qua một khu đô thị lại càng đáng quý hơn.
* Điều kiện nào để một con sông tự nhiên tồn tại, thưa giáo sư?
- Một con sông tự nhiên tồn tại cần có một không gian vận động đặc thù của nó, gồm không gian mùa lũ, không gian mùa kiệt và không gian mùa nước trung, kể cả các bãi giữa hay cù lao.
|
Sông Đồng Nai |
Những không gian này không có kích thước, hình dạng cố định, nhưng tương đối ổn định (trung bình về không gian, thời gian) và đặc biệt lại ràng buộc với nhau về quan hệ sinh thái, không theo những quy tắc toán học và càng không theo ý chí áp đặt của con người.
Vì vậy, bất kỳ một tác động nào làm thay đổi vị trí, kích thước, hình dạng của các yếu tố ấy đều là hành vi lấn sông. Hành vi lấn sông sẽ làm thay đổi kết cấu, dòng chảy, từ đó làm nảy sinh những biến động của lòng sông. Hơn nữa, những biến động đó lại có thể kéo theo những biến động liên hoàn cho các vùng sông thượng hạ lưu, trước khi các yếu tố thủy động lực trở lại với trạng thái cân bằng.
Lấn sông không hoàn toàn có nghĩa xấu, bởi có những công trình tác động vào lòng sông, nhưng lại cho hiệu quả tốt. Như dự án xây dựng đập khóa lấp rạch Nhà Thương tại TP.Sa Đéc có tác dụng rất tích cực cho việc chống sạt lở TP.Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), hoặc dự án cắt khúc sông cong gấp trên sông Chu có tác dụng bảo vệ an toàn cho tuyến đê tả sông này ở Thanh Hóa…
Nhưng lấn sông, nếu không phải là để chỉnh trị sông, mà chỉ để khai thác không gian ven sông cho mục tiêu không phải vì chính lợi ích sông thì phải được phân tích trên khía cạnh khoa học, khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
Tiến sĩ - kiến trúc sư Phó Đức Tùng đã từng viết: “Mọi công trình, tính toán của con người đều nhất thời, có thể đến rồi đi, có thể xây rồi đập, nhưng con sông, thiên nhiên mới là giá trị vĩnh hằng mà không một nhiệm kỳ chính trị nào, không một thể chế nhất thời nào có thể được phép xâm hại, sử dụng nó cho mục đích thấp kém nhất thời của mình”.
Có những vấn đề thường bị bỏ qua
* Dư luận cho rằng, lấy vị trí cầu cảng Tân Cảng và nhà máy đóng tàu Ba Son thuộc TP.HCM để xây dựng quần thể cao ốc Landmark và công viên Central Park đã lấn sông Sài Gòn. Vậy theo giáo sư, việc lấn sông như thế sẽ có những tác động nào?
|
Quần thể cao ốc Landmark và công viên Central Park |
- Nói dự án này lấn ra sông phải có số liệu cụ thể. Theo lý thuyết, lấn ra trên 1/3 chiều rộng mặt nước sẽ ảnh hưởng đến bờ đối diện. Điều này cần xem xét. Theo tôi, những vấn đề như vậy chắc chắn đã được nghiên cứu kỹ trong phần đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án. Vấn đề là, cái ĐTM đó có được làm kỹ hay không. Điều đó chắc có người phải chịu trách nhiệm.
Tôi là nhà chuyên môn sâu trong lĩnh vực này, nhưng không thể trả lời ngay “không” hoặc “có”. Để có câu trả lời, tôi phải được tiếp cận với hồ sơ dự án, đọc thuyết minh, xem bản vẽ, phân tích từng số liệu, đi hiện trường, chạy mô hình…
Những tác động bất lợi của các dự án “lấn sông” không phải chỉ đến sau khi công trình hoàn thành, mà xuất hiện ngay cả khi đang thi công, như ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm độ đục, ô nhiễm hóa chất gây hại cho các loài thủy sinh, sạt lở, bồi lắng lòng sông do hoạt động của các thiết bị thi công và phương tiện chuyên chở vật liệu, cản trở giao thông đường thủy... Những vấn đề đó đôi khi thường bị bỏ qua khi tiến hành ĐTM.
* Trước đây, dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai đã bị các nhà khoa học phản đối kịch liệt vì lấn ra sông 30-100m. Dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng dự án đã phải dừng lại. Tại sao ở TP.HCM, việc lấn sông vẫn xảy ra mà các nhà chuyên môn không lên tiếng?
- Theo tôi biết, sau khi tiến hành thẩm định và đánh giá lại tác động môi trường một cách chặt chẽ và khoa học, dự án ở Đồng Nai đang chờ UBND tỉnh có quyết định xử lý cụ thể theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Việc mời một số nhà chuyên môn đơn lẻ góp ý kiến là rất tốt. Nhưng về chính danh phải dựa vào kết luận của các tổ chức nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm và có tư cách pháp nhân, được Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn một cách khách quan.
Chính vì vậy, câu hỏi “tại sao ở TP.HCM việc lấn sông vẫn xảy ra mà không có nhà chuyên môn nào lên tiếng?” thiết nghĩ đã có câu trả lời.
* Xin cảm ơn giáo sư.
Quốc Ngọc (thực hiện)