Sống như đóa hoa để cuộc đời ý nghĩa hơn

09/10/2017 - 10:04

PNO - Ngồi với Võ Thành Luân, một chàng trai gầy gò, đen nhẻm, hỏi chuyện Đà Lạt trong bạn có gì, nghe Luân trả lời, tôi nhận ra mình đã bốn lần phải rưng rưng.

Đà Lạt trong tim chàng trai ấy không mơ màng, lãng mạn như bao người, mà toàn những dấn thân, dự định, những điều hay ho. Luân là người sáng lập Nhà của thời thanh xuân - một dự án xã hội hóa; nơi người nói được, nghe được và người câm - điếc làm việc cùng nhau, sản xuất xà phòng, chiết tinh dầu, pha trà cho khách và cùng nhau giữ thanh xuân lộng lẫy cho mình.

Song nhu doa hoa de cuoc doi y nghia hon
Luân và các bạn trong Nhà của thời thanh xuân

Nói với Luân những câu chuyện về “nhà”, tôi chợt nhận ra định nghĩa về nhà có khi được hiểu một cách rất khác. Nhà, luôn được Luân lặp đi lặp lại trong suốt câu chuyện của mình, Nhà được viết hoa một cách trân trọng. Nhà được dựng lên vì yêu thương.

Khi đang lang thang ở Philippines, tình cờ thấy một bé trai giật thức ăn trên tay của du khách, Luân chợt khát khao phải làm một dự án gì đó hỗ trợ cộng đồng. “Khi chứng kiến cảnh đó, tôi chợt bật ra câu hỏi, không biết mình kiếm thật nhiều tiền để làm gì?”.

Thế là một thời gian sau, quán Thanh Xuân ra đời. Kể lại nghe đơn giản, nhưng những ngày đầu tiên, để gia đình các bạn câm điếc ấy chấp nhận cho con mình đến ở, học việc, làm việc và sinh hoạt chung, dự án đã rất khó khăn trong việc thuyết phục. Giữa thời buổi niềm tin con người dành cho nhau quá cạn kiệt, thì để tin vào một điều gì đó, đặc biệt là những điều thiện nguyện, ai cũng rất đắn đo.

Song nhu doa hoa de cuoc doi y nghia hon
Có thể thấy những bảng gỗ nhắc nhở đáng yêu này ở quán Thanh Xuân

Mình là ai? Tôi nhớ nhân vật Naoko, trong hồi kết của tiểu thuyết Rừng Na Uy, đã hoảng loạn tự hỏi mình trong bế tắc cùng cực. Tuổi trẻ, người ta thường hoang mang đi tìm chính mình. Nếu một chiều mưa Đà Lạt nào đấy, ngồi nghe Luân nói về quán trà mang tên Thanh Xuân ấy, bạn sẽ thấy, đôi khi tìm được chính mình cũng chẳng phải việc xa xôi gì. Cứ thong thả sống, mặc ngoài kia người ta xô lấn nhau.

“Mỗi em câm điếc được lãnh 3 triệu đồng tiền lương/tháng, được lo ăn ở miễn phí. Chỉ mong sau 2 năm ở Nhà, có được số vốn kha khá, có được cái nghề, các em trở về nhà mình thì có thể tự kinh doanh nuôi sống bản thân”. Luân nói, Luân thành lập dự án này là cho chính mình, là dành tặng hạnh phúc cho những năm tháng tuổi trẻ của mình.

Hỏi Luân có thấy mình đang bị rơi ra ngoài đám đông đang có những ngày tuổi trẻ sôi động, xốc nổi, mê muội kiếm tiền hay mụ mị sống ảo; Luân bảo: “Tôi cũng từng là những người trẻ ấy. May là tôi sớm tìm được chính mình, tìm thấy niềm vui của mình. Như dự án này, tôi không nghĩ mình đang làm cho các em câm điếc, mà là làm cho chính mình.

Song nhu doa hoa de cuoc doi y nghia hon
 

Niềm vui lớn nhất của tôi là các em, những bạn trẻ từng được tôi đào tạo đã thành công trên các đấu trường quốc tế. Khi đó, bản thân tôi cũng thấy như mình là người chiến thắng”. Rồi Luân hào hứng lấy điện thoại ra khoe hình các em đi thi và đoạt giải tại Indonesia, rồi những tin nhắn được liên tục gửi về.

Đó là một cuộc thi khởi nghiệp dành cho cộng đồng. Xem đoạn video, nhìn các em câm điếc thuyết trình bằng ngôn ngữ ký hiệu, tôi ứa nước mắt. Nhưng, Luân thì rất phấn khởi. Dự án của Luân đã thấy chút kết quả nên có lẽ cũng bắt đầu bớt gian nan. 

Hạnh phúc là gì? Với Luân, hạnh phúc không khó tìm vì nó hiện hữu rất thật trong cuộc sống hằng ngày của anh. Ngày tự tay Luân xây sửa lại Thanh Xuân, những ngày lăn lộn với dự án, thật sự là những ngày Luân hạnh phúc, là những ngày thanh xuân tươi đẹp nhất. Rồi chuyện Luân trả lương 500.000 đồng/tháng cho những bạn “người nói” cùng làm việc ở đấy.

Từ “người nói” Luân dùng chỉ đơn giản là để phân biệt với “người điếc”, chứ chẳng có ranh giới nào giữa mọi người với nhau cả. 500.000 đồng là con số rất nhỏ cho nhu cầu cá nhân tối thiểu của các cô gái đang ở ngôi nhà ấy; nhưng họ vẫn bỏ lại mọi thứ, lên sống cùng nhau, ăn chay, học giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, cùng nhau tạo dựng những câu chuyện nhân văn. Họ, Luân và những “người nói” khác đã đến với Thanh Xuân để sống và tìm thanh xuân lộng lẫy của riêng mình.

Song nhu doa hoa de cuoc doi y nghia hon
 

Quán Thanh Xuân là nơi Luân và mọi người chung tay gieo trồng những hạt giống tốt đẹp cho xã hội. Tôi đã đến đó, ngồi nghe gió hát và uống trà. Nhìn thế gian ngoài kia như vô nghĩa. Mùi tinh dầu thơm lừng giữa cái không gian ấm áp. Nghe Luân “dịch” lại câu nói ký hiệu của một bạn: “Hôm nay quán ế, không có khách nhiều nhưng không sao, bình thường" mà thương đến lạ. 

Thương cái tinh thần “phi lợi nhuận” Luân đã mang  đến, đặt vào tay các bạn. Mỗi tối, họ ngồi ăn cơm cùng nhau, nói những lời tốt đẹp về nhau, theo đúng tinh thần Luân đề ra là “sống như những đóa hoa”. Luân tin, bạn có thể còn những điều chưa tốt, chưa hoàn thiện, nhưng việc nói về một điều tốt của người khác cũng như ta đang gieo trồng những gốc hoa, rồi sẽ ngát hương thôi.

Chốn thanh xuân ấy là nơi mọi người học cách lắng nghe nhau, mỗi người một bông hoa trên tay, ai cũng có thể trải hết lòng mình và học cách hoàn thiện bản thân. Các bạn dành cho nhau sự đồng cảm, tạo cho nhau cảm hứng để cùng nhau bước tiếp.

Tôi biết quán Thanh Xuân là từ các bạn “phượt”. Họ nói, Đà Lạt có quán trà, cà phê không lấy tiền. Quán bằng gỗ xinh xinh, góc nhìn đẹp đến nao lòng. Sau cánh cửa không bao giờ đóng của quán là nơi các bạn ấy trao cho nhau niềm tin.

“Hôm nay cả Nhà cùng nhau về quê. Nếu bạn ghé quán cứ vào ngồi chơi! Nếu bạn muốn mua gì cứ lấy tự nhiên. Giá tiền đều có hết rồi. Có một thùng gỗ trước căn bếp nhỏ (phòng số 3) bạn cứ để tiền vào đấy nha! Cần gì cứ gọi tụi mình nha. Tuần thiệt vui”.

Câu nhắn được viết trên tấm bảng treo trước quán vào những ngày thứ Hai định kỳ hằng tuần, vì các bạn trong quán nghỉ để cùng đi chơi, hoặc nghỉ ngơi không làm việc. Một lời nhắn gửi có thể làm bất kỳ ai trong chúng ta chạnh lòng. Luân đã lặng lẽ thắp lên một ngọn lửa nhỏ, sẻ chia ấm áp.

Tôi nhận món quà nhỏ quán tặng là một chai tinh dầu và bánh xà phòng nhỏ xinh. Lúc chia tay, Luân kể tôi nghe chuyện tình yêu, như để nhắc, Đà Lạt không thiếu đi những mơ màng vốn có. “Bạn nói kia làm lễ đính hôn tại nhà của các bạn Thời Thanh Xuân sống. Lấy được chồng khá giả rồi, bạn không lãnh lương của quán nữa, bảo để dành hỗ trợ các em. Thương lắm”. 

Cuộc đời không bao giờ bằng phẳng như chúng ta kỳ vọng, nên nếu có thể, xin hãy dốc lòng làm một điều gì đó để những năm tháng thanh xuân của đời mình ý nghĩa hơn.

 Đoàn Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI