PNO - PN - “Chồng mình mà mình không chịu đựng được, phải bỏ chạy, thì còn mặt mũi nhìn ai? Đàn bà mà...”. Ngồi trước người đàn bà vừa can trường, vừa tuyệt vọng trong cái gông đọa đày mang tên “hôn nhân”, cộng với cái ý...
edf40wrjww2tblPage:Content
Mất chồng là mất hết?
Từng một lần vượt quá giới hạn với người đàn ông khác, chị Hằng (Q.6, TP.HCM) xem đó là vết nhơ suốt đời. Cách đây bốn năm, anh Nguyễn Thanh Tùng, chồng chị đang là tài xế xe tải đường dài, suốt ngày xuôi ngược Nam-Bắc, bỏ chị đằng đẵng ở nhà với tiệm tạp hóa. Dạo đó, có người đàn ông độc thân giao hàng thường xuyên ghé tiệm chị bỏ mối, tính tình sôi nổi, lại hay thích trêu chị. Họ trò chuyện tâm sự mãi, rồi thương nhau hồi nào không hay. Một lần, chồng được nghỉ đột xuất sau chuyến chở hàng đi Bắc, về nhà ban trưa thì thấy chị đang ngả đầu trong vòng tay người đàn ông nọ. Anh đánh đuổi anh kia một trận ầm ĩ, chị kêu khóc thảm thiết van xin.
Người đàn ông kia trốn biệt. Anh cũng bằng lòng tha thứ cho chị. Tuy nhiên, cũng từ đó, dường như anh, và chính bản thân chị, đã tự phán một bản án cho mình. Chồng xin chuyển về chạy xe trong thành phố, rồi theo bạn hùn hạp làm ăn, cửa hàng tạp hóa của chị thì đóng cửa hẳn, theo lời anh là để “ngăn mấy người ưa làm trò vô đạo đức”. Như để trả thù, anh dù đã làm gần nhà song vẫn thường vắng nhà, điện thoại réo gọi đi nhậu, đi giao lưu tâm sự liên tục. Anh công khai cặp bồ lung tung, chuyện vợ chồng nguội lạnh hẳn.
Bất bình, nhưng chị chỉ cắn răng, nuốt nước mắt khóc thầm. Thậm chí, giờ chồng còn có “chiêu” về nhà đột xuất, hễ thấy chị chưa kịp nấu cơm hoặc đang chải tóc soi gương thì thế nào cũng nói: “Bộ tưởng tui không về hả?”. Mọi việc nặng trong nhà, chị một tay gánh vác. Nhỡ gặp chị đang tần ngần trước một công việc quá sức nào, anh lại “nhanh trí” mỉa mai: “Chuyện gì gì kia còn làm được, bõ bèn chi chuyện cỏn con này!”.
Phần vì biết ơn chồng đã tha thứ, phần vì mặc cảm tội lỗi, xấu hổ, chị sống lầm lũi như cái bóng. Quần áo, son phấn, giày dép chị cũng cất kỹ, sợ chồng nghi ngờ chị se sua, sợ người đời nói mình “còn ham hố”. Ngày xưa, nhà chị tuy quạnh quẽ nhưng thanh thản, bình lặng; giờ, căn nhà đỡ cô lẻ một chút, nhưng không khí nặng nề như ám họa. Hễ anh trừng mắt, nhíu mày một chút là chị ríu người, cúi đầu, cụp mặt, đi đứng khẽ khàng. Thậm chí, đến cả việc lên tiếng dạy dỗ, nhắc nhở con, chị cũng e ngại không dám. Gặp chị xanh xao, mắt mũi lúc nào cũng đỏ hoe, nặng trĩu.
Kể xong, chị thở dài như cố lấy lại mọi lời than thở: “Chị khổ quá, nhưng biết sao được, mất chồng là mất hết em ơi”.
“Chồng chê cũng... chết”
Với không ít người, dường như việc sinh ra làm đàn bà, làm vợ, làm mẹ với họ cũng là một nghĩa vụ quên thân. Hạnh phúc cá nhân của họ đã chết yểu sau những cái cúi đầu, thu mình sát đất, vô hình.
Bạn bè thường lén sau lưng Trương Tố Nga (32 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mà phán cô “hết thuốc chữa”. Mỗi ngày, thời khóa biểu của Nga bắt đầu từ 5g. Cô dậy lui cui nấu đồ ăn sáng cho cả gia đình, bởi “hàng quán ngoài đường thiếu vệ sinh”, và mỗi ngày phải đổi món đều đặn, toàn mấy thứ cầu kỳ, ngon lành vì “lỡ chồng chê thì... chết”. Đến chiều, cô lại tất bật ghé trường tiểu học đón cậu quý tử, rồi về nhà túi bụi nấu nướng, chăm con, lau dọn.
Quanh năm, bạn bè họa hoằn lắm mới rủ được Nga đi mua sắm, cà phê vài lần, còn chuyện tụ tập hàng quán thì không-bao-giờ. Liên hoan với công ty, mới ngồi chút xíu Nga đã nóng ruột xin về, kèm hàng ti tỉ lý do “cấp bách”: sợ con đói, sợ chồng ở nhà lóng ngóng. Chung quy, chữ “sợ” ấy chính là gông cùm xiềng xích vô hình Nga tự đeo, đến nỗi qua bao năm, Nga tưởng nó vốn là một phần của mình, là thước đo định nghĩa con người mình.
Chẳng thế mà mỗi lúc bàn bạc thuê người giúp việc, chồng Nga lại nửa đùa nửa thật: “người ta đút con anh ăn, quét nhà anh sạch, giữ bếp nhà anh ấm; rồi đến lúc người ta chễm chệ nằm lên cái giường nhà này, em đừng trách đấy!”. Việc thuê người giúp việc vì thế mà bao bận bị gác lại. Vậy là, dù... trời có sụp, cứ đến giờ là Nga phải lao về nhà, lo chồng, lo con; dù “đứa con bé bỏng” năm nay đã vào lớp 10, anh chồng thì chỉ làm giờ hành chính, xong việc là về nhà... xem ti vi.
Hay, mỗi lần bạn nhậu ghé nhà, mặc kệ ốm đau, chỉ cần chồng liếc mắt ra hiệu; Nga lại răm rắp rời chỗ nghỉ ngơi mà vào bếp phục vụ. Nhỡ đâu gặp lúc vạn bất đắc dĩ, phải để chồng vào bếp; thì chẳng đợi những mát mẻ trách cứ của chồng, Nga cũng dằn vặt, ăn năn suốt ngày này tháng nọ. Nga nói: “Cái giá của đàn bà chỉ có bấy nhiêu còn không giữ được, mong gì hạnh phúc!".
Nghe qua thì bất bình nhưng sự cực đoan, thứ mặc cảm tự hành dại dột, chua xót đến quên thân, quên mình của Nga, của Hằng không phải là những thiểu số cá biệt. Trong bổn phận vợ chồng, dâu con thường tình, người ta thường dễ vì những lầm lỡ, hoặc chẳng vì điều gì - mà tự đồng nhất những giá trị của cuộc hôn nhân với những vẻ đẹp vô giá tự thân; để rồi tự bỏ mặc, tự nhắm mắt giết đi buồn vui thường tình, để hòa tan mình cho sự yên ổn của hôn nhân. Sự thu mình, rồi oằn mình phục vụ đến quên thân trở thành “chuẩn đức hạnh”, thành “cái giá đàn bà”. Khi nỗi lo “mất chồng là mất hết” vẫn còn, thì sự vuông tròn của cuộc hôn nhân vẫn còn được dùng làm thước đo, định đoạt mọi giá trị sống của bao người phụ nữ.
“Chồng bỏ”, “chồng chê” là “tội danh”, mà cũng là nỗi ám thị nghiệt ngã, thống trị những cuộc đời quần quật, luồn cúi. Thế rồi, đàn ông thì thản nhiên thụ hưởng cái phần an nhàn, sung sướng do người phụ nữ của họ nín nhịn, cúi đầu mà thành; phụ nữ thì thầm thì nhắc nhau: “đàn bà mà...”, rồi mỗi người một cảnh, trút hết về mình mọi phần cực nhọc, thiệt thòi.
Việc làm sao để người phụ nữ được nhận thức và hưởng thụ cảm giác nâng niu, quý trọng vẻ đẹp bản thân, tách biệt khỏi những điều kiện về trách nhiệm, bổn phận - cần có tình yêu, sự tử tế của người chồng. Nếu để đến ngày những người đàn bà cúi đầu kia tự thức tỉnh, vùng dậy giành giật lại chính mình, thì mái nhà khó còn lành lặn.
MINH TRÂM
Trong bổn phận vợ chồng, dâu con thường tình, người ta thường dễ vì những lầm lỡ, hoặc chẳng vì điều gì; mà tự đồng nhất những giá trị của cuộc hôn nhân với những vẻ đẹp vô giá tự thân; để rồi tự bỏ mặc, tự nhắm mắt giết đi buồn vui thường tình, để hòa tan mình cho sự yên ổn của hôn nhân.
“Trên thương trường có mệt mỏi gì thì tìm về thiên nhiên, gia đình sẽ được chữa lành hết”, anh Nguyễn Văn Mết, Tổng giám đốc Công ty Met Foods nói.