Khi chúng tôi viết bài này, Kim Liên đang dừng chân tại Argentina. Cô đã vượt hơn 16.000 cây số qua Campuchia, Thái Lan, Nepal, Ấn Độ, Pakistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ý và Pháp. Cô tới Chile vào những ngày cuối tháng 11 để bắt đầu chinh phục châu Mỹ.
|
Hành trình từ Việt Nam đến Pháp. |
Chuyến đi mơ ước
Cô gái nhỏ ngồi lọt thỏm trên chiếc xe Suzuki 150CC mà cô tếu táo gọi đó là “siêu xe xanh hy vọng mộng mơ” trông càng trở nên nhỏ hơn giữa đống hành trang theo cô suốt chặng đường dài trong nhiều tháng. Không chỉ với chúng tôi mà với rất nhiều người theo dõi hành trình của Liên nửa năm qua đều có chung sự ngạc nhiên, cô gái “liễu yếu đào tơ” này lấy đâu ra năng lượng mà “bùng nổ” đến thế?
|
Cuộc gặp bất ngờ với các phượt thủ đến từ nhiều nước. |
Phạm Thị Kim Liên sinh ra tại một vùng quê nghèo huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Tuổi thơ Liên gắn bó với làng quê, đồng ruộng. Khi thực hiện chuyến đi này, nhiều người nghĩ rằng cô gái ắt hẳn rất giàu có, ít ai biết cuộc sống cả gia đình, học phí của chị em cô chỉ trông vào mấy luống dưa hấu.
Từ lúc còn là một đứa trẻ, Liên đã say mê những vùng đất mới, những nền văn hóa lạ… khắp nơi trên thế giới từ chương trình truyền hình Thế giới đó đây. Cô mơ ước, một ngày nào đó có thể đặt chân đến những miền đất ấy.
Công việc của Liên, theo cô chia sẻ, cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống và tích cóp ít nhiều với dự định sẽ sử dụng cho sở thích du lịch và xây một căn nhà khang trang hơn cho cha mẹ. Ban đầu, cô lên kế hoạch mỗi năm sẽ đi vài nước. Nhưng rồi, cô gái sinh năm 1989 nhận ra mình sắp bước vào tuổi “tam thập nhi lập” và có nguy cơ không thực hiện được “ước mơ cuộc đời”.
Ý tưởng đi qua năm lục địa bằng xe máy đến giờ Liên cũng không hiểu nảy sinh từ đâu. Liên cũng từng nghĩ đến chuyện đạp xe, nhưng nếu sử dụng xe đạp sẽ tốn quá nhiều thời gian và sức khỏe khó đảm bảo. Cô gái này luôn muốn mỗi ngày phải có sự thay đổi tích cực hơn. Sống mỗi ngày phải như một cuộc đời. Và thế là Liên quyết tâm lên đường.
Đối diện với hiểm nguy
Dù đã có gần một năm để chuẩn bị cho hành trình dài của mình, nhưng quá nhiều thứ trên đường đi vượt xa so với tưởng tượng của Kim Liên. Khổ nỗi, thường nơi nào càng nguy hiểm, càng ít người tới thì càng lôi cuốn, hấp dẫn. Những ai đã từng xem bộ phim Cuộc đời của Pi (Life of Pi) đều sửng sốt trước những vẻ đẹp siêu tưởng của trời đất, đại dương… Hành trình của Liên cũng trải qua những cung bậc cảm xúc ấy. Nếu trong phim là vẻ đẹp đến từ biển cả, thì với Liên, đó là cả một thiên đường trải dài vô tận.
Kim Liên không nghĩ có một ngày chính mình lại đơn thương độc mã du hành từ Việt Nam sang Campuchia, Thái Lan, Nepal. Cô gái trẻ còn nghĩ tếu, mình chẳng khác nào đang đi “thỉnh kinh” cùng thầy trò Đường Tăng, mà hồi cuối cùng lại là bản chép kinh... không có chữ - vô tự - như cảm giác vô cùng được tận hưởng sự “lạc lối” trước những cảnh sắc hùng vĩ của núi rừng và cánh đồng lúa mạch tại Iran. Hay những giây phút thảnh thơi cắm trại ngủ bên bờ biển Địa Trung Hải, hoặc thong dong lái xe trên những cung đường ngoằn ngoèo, những cánh đồng nho, táo, lê trải dài tít tắp ở Thổ Nhĩ Kỳ…
|
Tại thị trấn Uspallata của Argentina giáp Chile. |
Mỗi vùng đất Liên đặt chân đến luôn có những điều vượt quá hiểu biết và trí tưởng tượng của cô. Tới châu Âu, cứ ngỡ các nước na ná nhau. Sau nhiều ngày băng rừng, lội suối từ Milan - Torino (Italia), đặt chân đến đất Pháp, cô bất ngờ vì sự khác nhau cả về thiên nhiên, văn hóa. Thật khó diễn tả cảm giác khi cô vượt qua biên giới Chile vào Argentina lúc 0g. Trời tối đến mức tìm hoài không thấy cửa khẩu hải quan ở đâu. Cửa khẩu hai nước này nằm tận trên đỉnh núi thuộc dãy Andes, quanh năm tuyết phủ trắng xóa…
Liên kể, trên đường đi không ít lần đối diện với nguy hiểm, nhưng trải nghiệm nguy hiểm thực sự là khi qua những vùng đất như Balochistan (Pakistan). Quãng đường dài 300km, với cảnh đẹp từ núi đá nhiều màu sắc rực rỡ dễ say đắm lòng người, nhưng bắt buộc phải qua sa mạc Kharan. Nguy hiểm với du khách ở đây không chỉ đến từ những trận bão cát bất chợt hay từ nắng nóng có thể làm sôi nước sau năm bảy phút để ngoài trời… mà còn đến từ lực lượng Taliban. Nơi đây đã từng xảy ra nhiều vụ bắt cóc, tra tấn, giết chóc nên quân đội hiện diện khá nhiều. Nhiều khu vực tại đất nước này cấm du khách đi qua. Và nếu có ở lại, dù trong các khách sạn cũng nên quen dần với chuyện nửa đêm có một toán cảnh sát súng ống đầy mình tới hộ tống về đồn với lý do “ở đồn cảnh sát sẽ an toàn hơn”.
Chặng đường từ Bhutan đến biên giới Pakistan, Liên được cảnh sát “hộ tống”. Cô đùa vui, “cảm giác cứ như được vi hành…”. Tuy nhiên, cảnh sát không thể đủng đỉnh theo du khách vừa đi vừa ngắm cảnh. Họ chạy rất nhanh trong khi Liên chỉ có thể “nhấn ga” tối đa 50km/giờ, nên để theo được đoàn xe hộ tống, cô chạy muốn... bể ống khói, lại phải lo tìm hầm trú ẩn khi lạc vào bão cát. Không ít lần Liên té xe, suýt lao vào vách núi.
Sự nguy hiểm đôi khi ẩn chứa từ những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú. Khi ở Thổ Nhĩ Kỳ, lần đầu tiên trong đời cô gặp mưa đá khi đang vượt núi. Ban đầu mưa nhỏ, nhìn những viên đá li ti rơi trước mặt, Liên có cảm giác như trận mưa… kim cương. Nhưng rồi sự thú vị nhanh chóng chuyển thành sợ hãi khi những viên đá cứ lớn dần liên tục rơi xuống. Dù đội mũ bảo hiểm nhưng cô không khỏi choáng váng vì va đập. Hay những lần định cắm trại qua đêm bên một hồ nước tuyệt đẹp để ngắm hồng hạc, nhưng kịp nhận ra mình đang đứng giữa khu bảo tồn thiên nhiên đầy thú hoang chẳng khác gì những đồng cỏ ở châu Phi. “May mình mới chỉ thấy ngựa vằn, hươu, nai…”, Liên kể.
Có một hành trình khác
Đó là hành trình của cảm xúc, của ước mơ và hành trình thay đổi nhận thức của Liên về con người và thế giới khi cô đi qua các nền văn hóa. Cô chia sẻ, mỗi ngày của chuyến đi là một cung bậc cảm xúc khó tả. Có lúc sợ hãi, lo lắng, nhưng có lúc ngây ngất trước sự diệu kỳ của tạo hóa. Rồi những bài học quý giá mà không trường lớp nào có thể dạy được từ chính cuộc sống giản dị, từ tình người ấm áp của những cư dân bản địa.
Từng được cảnh báo sự nguy hiểm khi đến vùng chiến sự ở các nước Trung Đông, suy nghĩ ban đầu của Liên về cách ứng xử là hạn chế giao tiếp với người dân ở đó, chỉ đi tham quan… Nhưng rồi cô đã bị cuốn vào nếp sống thực tế của những vùng đất đó. Cô đến Pakistan đúng thời điểm diễn ra kỳ tranh cử tại quốc gia này. Nhập cảnh đúng lúc trời tối, các ngân hàng đóng cửa, tìm một khách sạn để nghỉ chân cũng khó… Mải tìm kiếm, cô vô tình lọt vào giữa đoàn người biểu tình. Khỏi phải nói cũng biết hồn vía cô lúc đó thế nào. Nhưng chính một số người dân trong đám đông đó đã nhận ra sự sợ hãi của cô, họ chủ động rẽ hướng dẫn cô đi.
Cũng tại Pakistan, xe hết xăng, tiền chưa kịp đổi vì trời tối, các ngân hàng đã đóng cửa. Gặp người bán xăng không thể nói tiếng Anh, chỉ biết lắc đầu. Nhưng ông vui vẻ đổ cho cô ba lít và nói qua người phiên dịch: “Tôi tặng bạn, chào mừng bạn đến với Pakistan!”. Liên bảo, người dân ở đất nước này nhìn chung tuy nghèo nhưng lòng tốt và sự mến khách vô cùng giàu có. Những người bán xoài ven đường cũng sẵn sàng tặng cô vài trái khi biết cô đến từ Việt Nam, dù không biết Việt Nam là một thành phố hay một quốc gia, và nằm ở đâu…
Tại Iran, chỉ cần quan sát thấy mình “ngơ ngơ như bò đội nón”, những người đi đường sẽ tấp xe lại hỏi luôn có thể giúp gì. Một người đàn ông Iran nói anh cũng như nhiều người dân Iran khác, họ đều yêu đất nước mình. Một trong những cách thể hiện lòng yêu nước là giúp những người khác, đặc biệt là khách lữ hành, để thế giới có cách nhìn khác về dân tộc này… rằng người Iran hiền lành, thân thiện và giàu tình yêu thương.
Sau khi tới châu Âu, muốn đi tiếp mà túi đã hết tiền, cô nghĩ chuyến đi có lẽ phải dừng lại ở đây và vô cùng buồn bã. Nhưng lúc đó, nhiều người bạn theo dõi hành trình của cô biết được cô đang gặp khó khăn đã chủ động nhắn tin động viên và ủng hộ tài chính để cô tiếp tục hành trình. Cô xúc động vì một chị bạn mới chỉ tiếp xúc một lần qua công việc, nhưng chị ấy đã chủ động ủng hộ Liên mười triệu đồng để gọi là “giúp thêm lộ phí”. Người phụ nữ ấy đang nuôi con nhỏ và Liên biết chắc, số tiền đó có thể là một hai tháng lương của chị. Chị nói, chị từng có ước mơ như Liên nhưng không thực hiện được. Bây giờ khi đã có gia đình, con cái, ước mơ đó càng khó thực hiện hơn… Chị ủng hộ Liên chỉ để hằng ngày có thể cập nhật được những vùng đất mới mà Liên đi qua, giúp chị có cảm giác như mình cũng đang đi qua những miền đất ấy.
Hành trình của Liên đang còn ở phía trước, nhưng những gì đã tích lũy được qua hơn 16.000 cây số sẽ là nguồn dinh dưỡng quý báu nâng bước chân cô đi đến tận cùng của ước mơ.
Đăng Thư