Sông Mekong bị vắt kiệt sức: ĐBSCL ngập mặn bất thường...

17/02/2016 - 07:53

PNO - Tình trạng ngập mặn tại các tỉnh ĐBSCL đến sớm bất thường khiến nhiều ruộng vườn bị hủy hoại, người nông dân không kịp trở tay.

Bất ngờ và bất thường

Đầu tháng 2/2016, toàn tỉnh Trà Vinh đã bị nước mặn bao vây, vượt ngưỡng chịu đựng của các loại cây trồng. Ông Lê Phước Dũng, Phó Chi cục thủy lợi tỉnh Trà Vinh cho biết: "Cuối tháng 12 đầu tháng 1, mặn đã xuất hiện và lên rất nhanh, khiến người dân ở vùng giáp ranh mặn - ngọt không thể sử dụng được nước sông".

Tình trạng ngập mặn cũng đã trở nên tồi tệ tại tỉnh Bến Tre khi độ mặn 1% đã ngấm sâu vào đất liền từ 60 - 75km, phủ trùm 152/164 xã, phường, thị trấn; trong khi độ mặn 6‰ đã xâm nhập từ 45 – 60km, sớm hơn một tháng rưỡi so với mọi năm.

Tình trạng này khiến gần 7.000ha lúa đông xuân muộn của các huyện Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại bị ảnh hưởng nghiêm trọng và hàng ngàn ha cây ăn trái tại huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Giồng Trôm có nguy cơ bị rụng trái. Không chỉ vậy, mặn xâm nhập còn gây thiếu nước sinh hoạt cho hơn 2.000 hộ dân tại các xã ven biển tỉnh Bến Tre.

Song Mekong bi vat kiet suc: DBSCL ngap man bat thuong...
Nhiều người dân miền Tây Nam bộ khóc ròng vì tình trạng ngập mặn đến quá nhanh.

Còn ở Kiên Giang, ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cũng công nhận đợt hạn hán và xâm nhập mặn từ đầu tháng 7/2015 hết sức bất thường, chưa từng xảy ra suốt 15 năm qua. Ở ĐBSCL đợt xâm nhập mặn năm 2015, có lẽ Hậu Giang là địa phương bị bất ngờ nhất. Nhiều huyện trước chưa hề có mặn, năm nay đã “dính đòn” và thiệt hại không hề nhỏ. Xâm nhập mặn đã đe dọa khoảng 18.000ha đất nông nghiệp của tỉnh này.

Diễn biến bất ngờ của xâm nhập mặn cũng khiến cho chính quyền cũng như ngành chức năng của địa phương trở tay không kịp. Ông Hồ Thanh Hùng, cán bộ tổ kỹ thuật xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp cho biết, mặn xâm nhập quá bất ngờ, khi ngành chức năng thông tin thì nước mặn đã len lỏi sâu vào nội đồng qua hệ thống kênh mương.

Trong Hội nghị Sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 tại Nam Bộ diễn ra tại TP. Cần Thơ vào tháng 11/2015, Cục Trồng trọt cho biết, diện tích có nguy cơ xâm nhập mặn cao nhất khoảng 100.000 ha/650.000ha, chiếm 16% diện tích canh tác lúa của các tỉnh vùng ĐBSCL.

Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam bộ nhìn nhận, hiện ĐBSCL chịu tác động tiêu cực nặng nề nhất của BĐKH. Trong 15 năm tới, nếu không có giải pháp ứng phó quyết liệt thì khoảng 45% diện tích sẽ bị nhiễm mặn cục bộ và gây thiệt hại khoảng 17 tỷ USD trong nông nghiệp do lũ và ngập úng.

Dân ĐBSCL đối mặt khốn khó...

Các đồng bằng châu thổ vốn là các vùng đất thấp ven biển nên chịu nguy cơ rất cao khi nước biển dâng do biến đổi khí hậu, ĐBSCL cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, khi nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập mặn ở ĐBSCL trong những năm qua, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết:

“Độ mặn năm nay cao hơn nhiều và diện tích đồng bị ngập mặn vào sâu hơn. Năm nay, dòng chảy trên sông Mê Kông yếu. Nước từ thượng nguồn đổ về không nhiều. Lại thêm gió chướng thổi lớn và triều cường dâng cao làm cho tình trạng ngập mặn đi sâu hơn, thời gian xảy ra ngập mặn sớm hơn".

Song Mekong bi vat kiet suc: DBSCL ngap man bat thuong...
Nhiều nước láng giềng xây dựng thủy điện trên dòng sông Mekong khiến tình trạng ngập mặn ở Việt Nam diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân dòng chảy sông Mê Kông yếu trong những năm gần đây được cho là do gần 30 thủy điện đang được xây dựng liên tiếp tại địa phận Trung Quốc, Lào, Campuchia... khiến tổng dung tích điều tiết trên sông Mekong vào khoảng 30 tỷ m3 nước. Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định, các thủy điện khác xây dựng trên dòng chính sông Mekong sẽ gây ảnh hưởng đến chế độ thủy văn của dòng sông, gây ra cạn kiệt vào mùa khô cho hạ du và gây ngập mặn cho vùng ĐBSCL của Việt Nam.

Ông Ngô Thuần Khiết (Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật VN) cũng cho rằng, việc xây dựng thủy điện trên sông Mekong làm tăng việc nhiễm mặn ở ĐBSCL. Theo đó, ĐBSCL đang chịu tác động của nước biển dâng. Nếu các thủy điện chặn nước vào mùa khô sẽ tác động đến xâm nhập mặn. Diện tích đất ĐBSCL đã được đánh giá có thể giảm 5% vì xâm nhập mặn. Thủy điện giảm thêm nước sẽ khiến có tác động xấu hơn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI