Sống mãi nét đẹp truyền thống

15/05/2014 - 10:38

PNO - PN - Những làn điệu hát ru, dân ca vẫn sống mãi trong lòng người Việt, đặc biệt là lớp trẻ. Điều này vừa được minh chứng qua Liên hoan Hát ru, hát dân ca cổ truyền do Hội LHPN TP.HCM tổ chức ngày 9/5, thu hút hơn 600 trăm hội viên...

edf40wrjww2tblPage:Content
 

Song mai net dep truyen thong

Tiết mục biểu diễn ca cảnh của Hội LHPN huyện Củ Chi

Những làn điệu hát ru, dân ca vẫn sống mãi trong lòng người Việt, đặc biệt là lớp trẻ. Điều này vừa được minh chứng qua Liên hoan Hát ru, hát dân ca cổ truyền do Hội LHPN TP.HCM tổ chức ngày 9/5, thu hút hơn 600 trăm hội viên phụ nữ (HV PN) và nam nữ thanh niên cùng tham gia.

Giữa vòng vây của hòn tên mũi đạn, cô du kích vẫn cất cao lời ru trước khi trao đứa con thân yêu cho đồng đội; hình ảnh người con gái với áo bà ba đen, khăn rằn thể hiện những bài dân ca nghe thật tha thiết... là những tiết mục của Hội LHPN huyện Củ Chi. Chị Nguyễn Kim Châu - người xây dựng những hình ảnh đó - bày tỏ: “Ý tưởng xây dựng hình ảnh người phụ nữ trong chiến tranh tôi đã ấp ủ từ lâu, nay qua hội thi mới thể hiện được. Chúng tôi đến với liên hoan không vì giải thưởng mà chỉ là để thỏa mãn niềm đam mê ca hát. Mỗi thí sinh dự thi hát ru lần này chính là một tuyên truyền viên xuất sắc trong việc lưu truyền cho thế hệ trẻ nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt”.

Các giọng ca của Hội LHPN Q.Thủ Đức đều tầm U50 - U60 nhưng vẫn thể hiện rất ngọt bài Lý quạ kêu. Cô Đỗ Thị Mùi cho biết, cô là hạt nhân của đội văn nghệ P.Linh Trung, thường xuyên hát phục vụ cho các phường trong và ngoài quận, nhưng đây là lần đầu cô biểu diễn trước đông đảo cán bộ, HV PN, đặc biệt là rất nhiều bạn trẻ. “Những người thuộc thế hệ chúng tôi lớn lên từ lời ru của bà, của mẹ. Trẻ con thời chúng tôi, đứa nào cũng thuộc và biết hát ru. Những bài hát ấy khắc sâu trong tim. Tiếc là những bà mẹ trẻ ngày nay không còn mấy ai hát ru con mình” - cô Mùi nói.

Ngoài những làn điệu hát ru quen thuộc, các “ca sĩ” còn khoe tài bằng các điệu ru Bắc - Trung - Nam lồng ghép các làn điệu hò vè của các vùng miền. Đặc biệt, các HV PN còn có nhiều tiết mục tự biên tự diễn đặc sắc như Phụ nữ làm theo lời Bác của Hội LHPN Q.Phú Nhuận, hát ru Phụ nữ thời kỳ đổi mới của Hội LHPN Q.Bình Thạnh…

Theo dõi liên hoan, bà Dương Thị Cám (65 tuổi) đến từ Q.2 xúc động: “Có tiết mục bắt đầu từ tiếng khóc trẻ em, rồi bằng lời hát ru ngọt ngào và truyền cảm của người mẹ làm tiếng khóc ấy nhỏ dần, nhỏ dần cho đến khi đứa trẻ chìm vào giấc ngủ; có lời ru được sáng tạo trên nền câu chuyện chia cắt đất nước và nỗi đau của người mẹ mất con, hay lồng vào hoạt cảnh cảm hóa người chồng say xỉn bằng lời hát ru của người vợ... Lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại những bài hát ru, dân ca xúc động như thế”.

Tuy nhiên, liên hoan vẫn có phần kém vui khi nhiều đội sau phần dự thi đã không ở lại đến phút chót để theo dõi và cổ vũ cho đội bạn. Hội trường lớn của Hội LHPN TP càng về sau càng vắng. Chị Nguyễn Thị Ánh - Hội LHPN huyện Nhà Bè bộc bạch: “Đội nhà diễn tiết mục cuối cùng trong đợt thi buổi sáng nên chẳng còn mấy người ở lại xem. Hơn nữa, chương trình diễn ra ở hội trường hạn chế lượng người tham gia. Nên chăng, liên hoan tổ chức biểu diễn ở sân khấu ngoài trời, ai cũng được nghe, được xem để khơi dậy tình yêu dân ca, ca cổ”.

Bà Trần Thị Bích Thủy - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP cho biết: “Mục đích của liên hoan là nhằm tạo ra phong trào hát ru, hát dân ca rộng rãi. Liên hoan góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là những câu hát ru và các làn điệu dân ca; khơi dậy phong trào văn hóa, văn nghệ trong cán bộ, HV PN và nhân dân. Liên hoan cũng tạo điều kiện cho các cơ sở Hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm tổ chức Hội và xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương; đồng thời tạo không khí thi đua sôi nổi trong cán bộ, hội viên PN”.

Sau một ngày tranh tài, kết quả, Hội LHPN Q.4 giành giải nhất, giải nhì thuộc về Hội LHPN Q.3 và Hội PN Bộ tư lệnh TP.

Lê Uyên Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI