"Sống lại" Thanh Minh - Thanh Nga

02/03/2014 - 03:48

PNO - PNO - Phải đến 20 giờ vở diễn Bên cầu dệt lụa - xuất diễn đầu tiên của chương trình kỷ niệm 64 năm đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga mới bắt đầu, nhưng mới hơn 18 giờ, trước sảnh Nhà hát Bến Thành đã đông nghịt khán giả.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đa phần họ là những người đã từng biết và yêu mến Thanh Minh - Thanh Nga từ vài chục năm trước. Nhiều khán giả cho biết họ đến sớm để được sống lại với không khí cải lương của Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga xưa, được ngắm nhìn những bức ảnh nghệ sĩ và không gian từng quen thuộc ở sảnh các rạp hát nơi đoàn Thanh Minh - Thanh Nga biểu diễn.

Hầu hết những khán giả lớn tuổi khi được hỏi đều có thể kể vanh vách tên các vở tuồng nổi tiếng của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga và những nghệ sĩ từng gắn bó với đoàn.

Khán giả cũng tràn ngập bên trong Nhà hát Bến Thành. Ngoại trừ một số diễn viên mới, Bên cầu dệt lụa có quá nhiều thứ gợi nhắc về đoàn cải lương nổi tiếng một thời. Sân khấu trang trí thật, đẹp theo đúng phong cách cải lương xưa. Trên trần sân khấu còn có cả những chiếc micro treo - những hình ảnh đã rất quen thuộc với khán giả ghiền cải lương từ mấy chục năm trước.

Lời quảng cáo các chương trình, băng đĩa cải lương của đoàn được mở trước chương trình, âm nhạc phát ra từ máy… Sự xuất hiện của những “em bé” bán bánh kẹo, quạt giấy… và những tiếng rao trong giờ giải lao là một trong những bất ngờ thú vị, mang khán giả về với không gian của những rạp hát cách đây 30 - 40 năm.

Những nỗi lo về sự hưởng ứng của khá giả trước buổi diễn nhanh chóng được hóa giải chỉ sau ít phút mở màn. Những tràng vỗ tay tán thưởng cho một cách nhả chữ, luyến láy đẹp, một lớp diễn hay hoặc cổ vũ cho những nghệ sĩ từng được yêu thích một thời như NSƯT Thanh Sang, NSND Lệ Thủy, Phượng Liên, Xuân Lan… liên tục vang lên trong khán phòng.

Sức nóng từ hàng ghế khán giả đã nhanh chóng lan tỏa để tiếp thêm động lực cho các nghệ sĩ sống hết mình trên sàn diễn. Bao nhiêu lo lắng về sức khỏe, tuổi tác của thế hệ nghệ sĩ vàng của sân khấu cải lương một thời nhanh chóng tan biến. Nhiều nghệ sĩ giờ đã xấp xỉ 60, có người đã chạm đến ngưỡng “thất thập”, bước chân không còn nhanh nhẹn, động tác không còn linh hoạt như xưa nhưng sự đắm đuối với nghề và thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc thì vẫn còn nguyên vẹn.


Sự xuất hiện của những "em bé bán kẹo" cũng nhắc nhớ về một thời cải lương xưa

Đêm diễn khép lại trong sự tiếc nuối của khán giả. Nghệ sĩ đã cúi chào, màn nhung đã khép lại, nhưng gần nửa khán giả vẫn lưu luyến nấn ná trong nhà hát. Có lẽ không khí của đêm diễn đầu tiên này sẽ còn kéo dài trong suốt ba xuất diễn kế tiếp của đợt biểu diễn. Bốn xuất diễn đều đã cháy vé. Nhiều khán giả không thể mua vé vào xem vẫn hy vọng sẽ có thêm những xuất diễn tương tự. Đúng như lời khẳng định chắc nịch của soạn giả Kiên Giang trước giờ mở màn: “Cải lương không chết và không bao giờ chết!”.

NSƯT Bảo QUốc, Thanh Sang, DV Hà Linh chia sẻ cảm xúc trước đêm diễn
Cảm nhận của khán giả với vở Bên cầu dệt lụa

Bài, ảnh, clip: THẢO VÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI