|
Ngày 27/5/2021, Tập đoàn địa ốc Kim Oanh ủng hộ 5 tỷ đồng mua vắc xin tặng nhân dân tỉnh Điện Biên và ủng hộ 2 tỷ đồng tặng tỉnh Bình Dương, Đồng Nai |
Từ một phụ nữ tay trắng, bồng bế con từ Huế theo chồng vào Sài Gòn lập nghiệp trên vùng đất Sông Bé (nay là Bình Dương) đầy gió cát, đồng không mông quạnh cho đến khi sở hữu công ty 1.300 nhân viên, rồi phút chốc đứng trước bờ vực mất hết tất cả, hơn ai hết, bà Đặng Thị Kim Oanh thấu thị và trải nghiệm những điều đó sâu sắc và chân thành nhất. Cho nên, không mấy ngạc nhiên khi bà dành niềm tin vào nhân quả, vào Phật pháp, vào vòng xoay luân chuyển của tạo hóa.
Chính nhờ niềm tin đó, bà giữ được thái độ bình tĩnh khi công ty rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo, chèo chống con thuyền đi qua gió bão cũng như giữ được sự lạc quan và trẻ trung nhiều hơn so với tuổi thật.
|
Trong ba ngày 8, 11, 16/6/2021, bà Kim Oanh cùng đội ngũ nhân viên Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh tự tay vào bếp nấu 1.350 tô bún bò Huế gửi tặng lực lượng phòng chống dịch tại các điểm phong tỏa, chốt cách ly ở quận Gò Vấp, TPHCM và tỉnh Bình Dương |
Nếu không tiết lộ, thật khó tin bà Kim Oanh đã là mẹ của năm người con và là bà của năm đứa cháu. Thế nhưng điều đáng ngưỡng vọng không nằm ở khối tài sản bà gầy dựng được, cũng không chỉ nằm ở tài năng và sự nhạy bén trong kinh doanh, khả năng ứng xử khéo léo, mềm mỏng mà còn ở cách bà rèn dạy con cái và giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Thiện nguyện từ trái tim
Chiều muộn hôm trước ngày gặp tôi, bà Kim Oanh vừa nấu khoảng 500 tô bún bò gởi ra tuyến đầu chống dịch cho vùng tâm dịch quận Gò Vấp, TPHCM. Để có nồi bún chất lượng, đúng gốc Huế, từ nhiều ngày trước đó, bà đã đặt hàng từ quê vào. Tô bún cũng nhiều hơn, đặc biệt hơn so với bình thường để các chiến sĩ “có sức”.
Không chỉ xắn tay vào nấu, bà còn theo xe ra tận nơi, lúi húi sắp xếp đồ lên xe, trao cho lực lượng chống dịch, dù gia đình bà ai cũng ra sức ngăn cản.
Các con bà thì bảo: “Mẹ liều lĩnh quá!”. Bà mỉm cười trấn an: “Không sao đâu, mẹ mặc đồ bảo hộ, che chắn cẩn thận mà!”, rồi bà lên xe đi mất hút.
Hôm đó, bà có thể không đi vì là “sinh nhật ông xã mình”. Nhưng, bà đã thu vén, cho vẹn tròn. Với bà, của cho không bằng cách cho.
Trong suốt hành trình lập nghiệp của bà Đặng Thị Kim Oanh, nếu nhắc đến số lần thiện nguyện, có lẽ sẽ không thể nào kể ra hết. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, mỗi chương trình bà tham gia đều khởi phát từ trái tim đầy rung cảm. Đó không chỉ đơn thuần là trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp mà sâu xa hơn, còn đến từ sự gieo neo một thời đã đeo bám bà và gia đình.
Như khi bà chi 18 tỷ đồng để xây hẳn một trường học rộng rãi, khang trang cho con em công nhân và người lao động nghèo tại Bình Dương, bà nhớ về những tháng ngày lúi húi trong căn chòi xập xệ vài mét vuông, vừa là chỗ ở vừa là tiệm tạp hóa bày bán đủ thứ nuôi sống cả gia đình. Buổi tối, hàng chất lên cao, cả gia đình co ro nằm ngủ, chẳng bao giờ được duỗi thẳng tay chân.
|
Ngày 4/9/2020, Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh bàn giao và đưa vào sử dụng ngôi trường mầm non trị giá 18 tỷ đồng dành cho con em công nhân lao động đang làm việc tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương |
Như khi bà đồng ý tài trợ vài tỷ đồng cho chương trình về nguồn, nhắc nhớ về những chiến sĩ đã ngã xuống vì đất nước của Đài Phát thanh truyền hình Đồng Nai, một chương trình có thể không rầm rộ tỷ suất người xem nhưng với bà là thiết thực và đầy ý nghĩa. Bởi “nếu không nhắc nhớ thì thế hệ hôm nay làm sao biết được cha ông ngày trước đã phải đánh đổi, hy sinh những gì?” - bà Oanh nói nhẹ tênh.
Trong sự nhẹ tênh ấy có nỗi lòng của một người con, người em sinh ra và lớn lên từ gia đình có năm người cống hiến xương máu cho đất nước.
Vài năm trước, bà Oanh tổ chức chuyến viếng thăm Côn Đảo cho nhân viên toàn công ty. Dù có người hướng dẫn nhưng đoàn quá đông nên chỉ có một số cá nhân theo sát hướng dẫn viên nghe được thuyết minh, phần còn lại rơi rớt ở phía sau. Đây gần như cũng là tình trạng chung thường thấy khi đến thăm các khu di tích lịch sử của Việt Nam.
Khi đến thăm khu di tích tại Campuchia, bà Oanh thấy nước bạn áp dụng mô hình bản đồ hướng dẫn qua micro, bảo đảm bất kỳ du khách nào, sử dụng ngôn ngữ nào cũng có thể nghe được, bà đã không ngần ngại khuyến khích các bên liên quan triển khai mô hình tương tự tại Côn Đảo, chi phí do bà tài trợ.
|
Ngày 19/12/2018, bàn giao mái ấm tình thương cho hộ gia đình bà Bùi Thị Hòa ở khu phố Khánh Hội, phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương |
Một kỷ niệm đáng nhớ khác phải kể đến có lẽ là khi Tập đoàn Kim Oanh rơi vào khủng hoảng. Con số nợ lên đến vài ngàn tỷ đồng nhưng bà Oanh chưa bao giờ nợ lương nhân viên, cũng như chưa bao giờ sa sút trong các hoạt động thiện nguyện. Có ít cho ít, có nhiều cho nhiều, bà tâm niệm như vậy.
Trong buổi trao quà tết cuối năm cho bệnh nhân tại các bệnh viện ở TPHCM, một hoạt động thường niên của công ty suốt sáu năm qua, bà không giấu nổi sự xúc động và bật khóc trên sân khấu. “Con số nợ hiện tại của Kim Oanh giờ là 6.800 tỷ đồng. Thêm 50 tỷ đồng nữa cũng là nợ. Nợ sẽ từ từ trả nhưng những hoàn cảnh khó khăn và bệnh nhân thì không chờ được” - bà thật tâm chia sẻ.
Trong giai đoạn biến động đó, con gái bà xót mẹ, đề nghị: “Hay thôi đi mẹ, bây giờ tụi con cũng lớn, mẹ giải tán công ty, sống cho thư thả. Tụi con đi làm thuê cũng đủ sống. Mình đâu cần gì nhiều!”.
Bà gạt đi: “Mình có thể như vậy nhưng còn 1.300 nhân viên và gia đình của họ, con có nghĩ đến không? Có rất nhiều người đã đi theo chúng ta từ hồi mới dựng nghiệp đến bây giờ”. Và bà đã lấy đó làm động lực để vực dậy bản thân, vực dậy công ty cũng như truyền lửa cho thế hệ kế tiếp.
Hiện tại, hoạt động thiện nguyện của Tập đoàn Kim Oanh đã bước vào giai đoạn tổ chức khoa học, bền vững và chuyên nghiệp hơn thông qua Quỹ Từ thiện Kim Oanh. Quỹ này vừa hỗ trợ nhân viên, vừa có sự tham gia của nhân viên, phát huy tinh thần san sẻ, gắn kết trong tập đoàn. Phần chính vẫn là sự đóng góp của tập đoàn với sự khảo sát, tổ chức bài bản, minh bạch và nhiều hoạt động thực tế, hấp dẫn, phù hợp với từng đối tượng do con trai của bà Oanh đảm trách.
|
Ngày 28/1/2021, tặng quà tết cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang phải điều trị tại các bệnh viện |
“Yêu thương cần đặt đúng chỗ”
Bà Kim Oanh bảo bà lãnh đạo tập đoàn bằng tình cảm, đó vừa là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu chết người của bà. Chính việc đặt tình cảm không đúng nơi đúng lúc từng đẩy bà và cả công ty vào giai đoạn khốn đốn. Bà thừa nhận, đó là khuyết điểm cần rút kinh nghiệm sâu sắc. “Một mình tôi thì không sao nhưng làm ảnh hưởng đến bao nhiêu người đã đặt niềm tin nơi mình thì không nên như vậy!”.
Đó là lý do, khi Tập đoàn Kim Oanh vượt qua sóng gió, bà ngay lập tức tìm người quản trị và điều hành để thay thế. Bà chỉ giữ vài trò điều hành chung, đảm bảo duy trì văn hóa và màu sắc của tập đoàn - đứa con tinh thần bà khởi dựng.
Hồi tưởng về những ngày đầu lập nghiệp, bà Oanh nhớ đến tiệm cà phê vùng ven, thời đất đai đang sốt giá. Bà chẳng biết gì về đất cát, chỉ mở quán cà phê mong kiếm đồng ra đồng vào chăm chồng nuôi con ăn học. Nhờ sự khéo léo và sáng tạo, nhanh tay lẹ chân của bà chủ với món cà phê dừa, quán của bà ngày càng đông khách, trong đó có nhiều ông chủ bất động sản và các tay cò đất. Thoạt đầu, bà Oanh nghe chuyện cho vui, rồi bằng lòng tốt và sự hiếu khách, bà giúp đỡ cho một vài tay cò.
|
Ngày 4/11/2020, bà Kim Oanh tặng 200 phần quà cho các hộ gia đình nghèo khó, neo đơn ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng bão lũ |
Có người biết điều cho bà ít tiền, có người cho rồi… đòi lại, còn đặt điều. Đỉnh điểm là khi ông giám đốc một công ty bất động sản rút tiền trong túi chìa ra trước mặt bà, rủ bà đi… khách sạn. Bà Oanh ấm ức, cảm thấy danh dự của bản thân bị coi rẻ và bật khóc. Lần đầu tiên bà khóc không phải vì cái nghèo. Và bà quyết tâm dựng nghiệp.
Bà Oanh tự hào, cuộc đời bà khi giàu có chưa bao giờ coi thường ai, khi sa cơ thất thế, chưa quay lưng với người nghèo, càng không nuôi lòng oán thù với những kẻ gây ra sóng gió với công ty, với gia đình bà. “Suy cho cùng, được mất ở đời là lẽ vô thường. Chỉ cần thân tâm an lạc là được”, bà nói. Tôi tin chia sẻ của bà Oanh là thật, bởi chỉ cần nhìn cách bà rèn dạy con cái trưởng thành, vào nền nếp, là biết cách bà giáo dưỡng.
Là con của bà chủ tập đoàn bất động sản ngàn tỷ đồng, thế nhưng khi sang xứ người đi học, các con của bà Oanh vẫn tự lập, tự chủ. Họ vẫn đi làm thêm kiếm sống như bạn bè đồng trang lứa thay vì ỷ lại vào mẹ, vẫn cọ rửa toilet cho một tiệm cà phê, vẫn có niềm vui khi nhận được tiền boa của khách và biết làm mọi thứ, chăm sóc mẹ khi mẹ sang thăm. Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi bốn trong năm người con ấy, người lớn nhất mới ngoài 30 một chút, đã chia nhau mỗi người một mảng, tiếp nối mẹ quản lý và vận hành tập đoàn bằng kiến thức, sự nhiệt thành của tuổi trẻ.
Nhiều người bảo với bà Oanh, như vậy là quá sớm. Bà Oanh chỉ mỉm cười, là đúng lúc. “Vì lúc này tôi còn khỏe, có thể chỉ dạy, truyền đạt kinh nghiệm cho các con. Nếu đợi thêm vài năm nữa, biết đâu lại quá muộn. Cuộc sống là vô thường, đâu ai có thể nói trước được điều gì…”, bà bộc bạch.
Điều khiến bà Oanh tự hào nhất chính là các con bà đều vui vẻ và sẵn sàng tiếp bước kế nghiệp mẹ. Song bà cũng rất nghiêm khắc: “Nếu các con làm không tốt, mẹ có quyền mời các con ra khỏi công ty”.
|
Ngày 9/4/2021, bà Kim Oanh cùng cán bộ, nhân viên Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh đã nấu 350 suất ăn trưa chiêu đãi toàn bộ giáo viên, học sinh lớp học tình thương Thiên Ân, quận Tân Bình, TPHCM và trao kinh phí 392 triệu đồng hỗ trợ bữa ăn trưa cho 220 em học sinh trường này |
Tôi hỏi bà Oanh, cuộc đời bà, con cái ngoan ngoãn, sự nghiệp dù sóng gió nhưng cuối cùng cũng vượt qua, có điều gì khiến bà cảm thấy tiếc nuối. Bà trầm ngâm, thời gian bà dành cho công việc nhiều quá. Con cái đều phải gửi hoặc nhờ người trông hộ. “Tôi nhớ mãi lần tôi đi công tác ở Úc, thấy mô hình máy bay đẹp quá, mua về cho thằng con út. Đến khi về, con bảo một câu khiến tôi sững người: Mẹ ơi, con đã mười mấy tuổi rồi! Từ giờ phút ấy, tôi tự nhủ, phải quan tâm nhiều hơn tới bọn trẻ. Tôi nghĩ mình may mắn vì các con đều hiểu chuyện và biết cảm thông với mẹ”.
Niềm vui của bà Oanh mỗi ngày là dậy sớm đi bơi, niệm Phật, tập thể dục, đến công ty rồi trở về nhà quây quần cùng con cháu - một ngày thật nhiều năng lượng và đầy ý nghĩa.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ tham gia hoạt động thiện nguyện là để đánh bóng tên tuổi hay PR cho doanh nghiệp. Bất cứ hoạt động nào không xuất phát từ tấm lòng đều không thể bền vững được. Tôi chọn cho đi vì thấy mình cần phải làm như thế. San sẻ để thấy trái tim mình ấm áp hơn", bà Đặng Thị Kim Oanh nói.
|
Hoàng Linh Lan
Ảnh: Nhân vật cung cấp