Sống kiếp trả nợ cho chồng, cho con

27/04/2017 - 11:27

PNO - Như chị chắc là số cực nên không được nhờ chồng đã đành, bôn ba tận xứ người làm đầy tớ đã đành, ông trời còn chơi ác, gần sáu chục tuổi đời còn bị ông chồng “ám” riết.

Chị Huỳnh Thị Ba (xã Bình Hòa Hưng, Đức Huệ, Long An) mới 52 tuổi mà trông như đã ngoài sáu mươi, nhưng lạ là nụ cười luôn thường trực trên môi chị 

Song kiep tra no cho chong, cho con
 

- Chị lại trở về cái lò gạch rồi em! Cái xe ổng mới bán.

- Sao để ổng bán? Lấy gì làm chân đi? Chứng thấp khớp của chị, rồi bệnh tim nữa, chạy xe đạp sao nổi!

- Ổng bán lén, mình đâu cản được. Bữa mắc đi thăm con, ở nhà ổng bán mất. 

Chị vừa nói vừa thở hào hển vì mới đạp xe mấy cây số. Chị than, đời chị sao lạ, cũng chồng con như người ta mà ngoài năm mươi rồi vẫn chưa một ngày thong dong.

Chị có ba con trai, một con gái. Con trai đầu đã có gia đình, theo về quê vợ. Lẽ ra chị cũng đã có thể yên ổn với con cháu, nếu không vướng người con gái út phát bệnh tâm thần gần chục năm nay. Hiện chị đang gửi con út ở chùa. Mà cô này cũng 28 tuổi rồi chứ ít gì.

Chị kể, năm mười chín nó yêu một anh chàng, nhưng chị nhất quyết không gả vì hai đứa đều chưa nghề nghiệp. Chồng chị thì nói thẳng vô mặt cậu kia: “Con gái tao phải gả cho nước ngoài, lấy tiền xây nhà lầu, sắm xe hơi cho thiên hạ lé mắt, gả chi cho cái đồ không nghề nghiệp như mày!”.

Vậy là anh chàng “quê độ”, lặn mất tăm hơn nửa năm rồi về “quăng vô mặt” con gái chị cái thiệp cưới, ở nhà hàng năm sao hẳn hoi. Con nhỏ đang thất tình, giờ gặp cú sốc nặng, đang làm công nhân bình thường thì sinh chứng nói năng láp dáp, trông gà hóa cuốc. Bị mắng, bị phạt mấy lần, nó buồn tình nghỉ việc luôn.

Song kiep tra no cho chong, cho con
 

Đã nhiều năm chị kiếm sống bằng cái sạp khô mắm nhỏ ngoài chợ xã; giờ phải sang sạp để có tiền cho con gái chữa bệnh. Dằng dai cả năm trời, bệnh con gái vừa bớt bớt thì thằng con trai giữa đi làm hồ, cuối tuần nhậu nhẹt, phóng xe tông chết người, đền bù mất trăm triệu. Nhà đã rách càng nát hơn, nhưng chồng chị chẳng thèm biết tới.

Lâu nay, việc của ông chỉ là sáng sớm chở giùm thùng khô mắm ra chợ “quăng” cho vợ rồi về chơi đến trưa mới nấu cơm. Rảnh rỗi, suốt ngày ông ngồi đồng ở quán cà phê hay chiếu nhậu nào đó, canh đến chiều 6 giờ ra chở vợ về là xong. Giờ nhà chị đang túng quẫn, rối beng.

Hàng tháng tiền góp, tiền mượn thay nhau réo ầm ầm. Bệnh con gái thì có mòi trở lại vì mấy tháng nay bỏ thuốc. Vậy nên, có người rủ đi hợp tác lao động ở Ả rập-Xê út lương 16 triệu/tháng mà không cần tiền “thế chân”, chị gật ngay, dù lúc đó đã 48 tuổi.
“16 triệu một tháng là nhiều lắm à em! Người môi giới bảo đảm cơm có chủ nuôi, tiền lương trả rất đàng hoàng. Cô A, chị X, bà B... cũng đã đi, giờ con cái họ cất nhà lầu kìa!

Lúc đó chị không nghĩ xa gần gì cả, chỉ tính đi chừng một năm là đủ tiền trả nợ cho con trai, dư chút ít trị bệnh cho con gái. Vậy là ký hợp đồng. Qua đó mới biết, phải dậy làm việc từ 4 giờ sáng, quần quật suốt ngày, 11 giờ đêm mới được ngủ.

Thức ăn không hợp khẩu vị, chủ nhà cứ ba ngày ăn cơm, hai ngày chỉ ăn bánh trái… mình thì quần quật chuyện nhà suốt ngày, ăn vậy không chịu nổi. Làm bốn tháng không thấy nói năng gì chuyện tiền công, chị hỏi người môi giới thì họ bảo chủ nhà chưa trả, hỏi chủ nhà thì lại nghe công ty môi giới lãnh rồi.

Đến tháng thứ sáu vẫn chưa thấy đồng nào, chị lo cháy lòng. Lại còn phập phồng không biết con cái mình bên nhà ra sao, vì ngay điện thoại di động chị cũng không có. Tháng thứ bảy, tự nhiên chị mệt rồi… té xỉu. Chủ nhà hoảng vía đưa đi bệnh viện, mới biết là bệnh tim.

Xứ người nóng lạnh thất thường, chứng thấp khớp của chị cũng trỗi dậy. Chủ nhà không mướn nữa, công ty môi giới thì nói “chưa hết một năm mà đơn phương hủy hợp đồng” nên không trả lương, chỉ mua vé máy bay cho chị về Việt Nam”.

Về tới nhà, chị mới biết con gái đã bỏ nhà đi đâu gần năm tháng. Vậy mà lão cha nó vẫn vô tư ngày hai cữ cà phê, chẳng hề nhấc chân đi tìm con. Chị nháo nhào đăng báo, rửa hình con dán khắp bến xe, chợ búa…

Một tháng sau mới biết một ngôi chùa ở Đồng Nai đang nuôi nó. Bà con trong xóm thương tình, cho tiền chị sắm cái xe gắn máy cũ làm chân đi bán vé số. Chị “có tay” buôn bán, ngày cũng được 200 vé. Mấy đứa con lớn giờ đã đi làm hết nên cũng nhẹ lo, mỗi tháng chị kiếm được sáu triệu, trừ tiền ăn uống cũng còn một-hai triệu đi thăm con, phụ nhà chùa chút đỉnh nuôi nó.

Nhưng đời người ai cũng có cái số. Người sướng, người cực, người an nhàn, người phải bôn ba… Như chị chắc là số cực nên không được nhờ chồng đã đành, bôn ba tận xứ người làm đầy tớ đã đành, ông trời còn chơi ác, gần sáu chục tuổi đời còn bị ông chồng “ám” riết. Cái xe đó mua có hai triệu, ổng bán thì được bao nhiêu? Vậy mà cũng bán đổ vào lô đề. Cờ bạc mà, bao nhiêu cho đủ!

Sao chị để ổng chơi đề? Ba cái vụ đó có ngày bán luôn nhà cửa! Chị cười buồn: “Người ta là chồng, là cha, già rồi chứ đâu còn nhỏ nhít gì. Người ta đã không nhận ra trách nhiệm với gia đình, làm sao mình đòi hỏi được?

Với lại, chắc tại chị mắc nợ ổng. Thôi ráng trả kiếp này để kiếp sau hết nợ”. Nợ cái gì mà nợ kỳ cục vậy! Ổng làm biếng lao động, ham ăn chơi bài bạc thì có! Chị lại cười: “Thôi em ơi, giờ chị không nghĩ gì tới ổng nữa, chỉ lo sao mỗi tháng có dư hơn triệu để thăm con, mua thuốc cho nó. Mà nãy giờ mắc nhiều chuyện, chiều nay “ôm” vé là chết. Thôi chị đi bán”.

Người phụ nữ đen đúa ấy lại gồng mình với những vòng xe. Tôi chợt nghĩ đến ông chồng vô trách nhiệm của chị, giờ này chắc đang ngồi đâu đó bên ly cà phê thơm lừng, cất giọng bàn đề rôm rả.

Kim Cúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI