6g30, tiếng kèn đò nhà hai chào réo đón các thầy giáo ở bến tắc xuất (thị trấn Cần Thạnh, H.Cần Giờ, TP.HCM) lần đầu tiên vượt biển ra xã đảo Thạnh An dạy lớp 10. Tiếng kèn rúc khi bình minh đã loang trên sóng, như báo hiỆu giấc mơ quá tầm bao năm qua của những ai làm cha làm mẹ, của những cô cậu học trò chốn xa này giờ đã thành hiện thực.
Đảo Thạnh An có khoảng 1.000 hộ dân, nằm cách thị trấn Cần Thạnh hơn 8km. Tháng 4/2016, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đến Thạnh An, trò chuyện với một người dân và biết có trường hợp học đến lớp 9 thì phải nghỉ vì đảo không có trường THPT mà phương tiện vào đất liền lại cách trở.
Bí thư Thăng đã chỉ đạo tổ chức lớp 10 đầu tiên của đảo tại trụ sở trường THCS Thạnh An và gấp rút xây trường THPT Thạnh An. Sau bốn tháng chuẩn bị, lớp 10 đầu tiên trên đảo đã được thành lập trong sự phấn khởi của người dân ở đây. Mỗi giáo viên dạy lớp 10 ở Thạnh An được hỗ trợ tiền tàu xe 50.000đ/ngày.
Lớp học trong mơ
Lớp của học sinh (HS) khối 10 còn thơm mùi sơn, nằm đầu dãy phía ngoài của Trường THCS Thạnh An. Ngôi trường vốn dành cho HS THCS này sửa lại một phòng học mới, phục vụ cho lớp 10 “ké”.
Trong số 28 học sinh ngồi trong lớp, có không ít em dự tính bỏ học trong năm nay. Suy nghĩ đó đã có trong cô học trò Nguyễn Thị Kim Phụng khi bước chân vào lớp 6. Cha Phụng làm nghề chài lưới “bữa đực bữa cái”, mẹ Phụng thất nghiệp. Phụng học lớp 9 với tâm trạng của một HS đang “học lớp cuối cùng” vì gia đình không đủ khả năng đưa Phụng vào bờ học THPT.
Những người dân nghèo ở xã đảo này có con học THCS, thuộc lòng… bài toán kinh phí khi gửi con vào Cần Thạnh học THPT nội trú: mỗi tuần hết khoảng 300.000đ chi phí sinh hoạt, ngoài ra còn tiền đò, tiền xe ôm, tiền thuê người đưa cơm. Nghèo cực như nhà Phụng, có mơ cũng không dám.
Ở biển, nghỉ học sớm là mái chèo đón đời, rồi sớm lập gia đình, tuổi hoa niên tàn nhanh theo cơm áo. Bao anh chị trước Phụng đã như thế. Nhưng bây giờ, Phụng chỉ cần đi bộ vài bước là đến trường, ngoài giờ học còn có thời gian đỡ đần cha mẹ. Cô bé bắt đầu mơ ngày nào đó sẽ đi xa hơn.
Và tất nhiên, Trần Thị Kim Ngân - HS giỏi liên tục chín năm, nếu không có lớp 10 mở ra ở đây, thì chuyện từ từ bỏ học là không bàn cãi. Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (mẹ Kim Ngân) rưng rưng kể: “Chồng chạy xe ôm, mỗi ngày được tròm trèm 100.000đ, tôi đi trông ghe nhưng ít khi được thuê. Ngân gầy gò vậy cũng vì thiếu ăn. Con gái thương cha mẹ nghèo, suốt những năm học THCS toàn ăn mì gói bữa trưa, có lúc còn bẻ mì sống để ăn, uống nước rồi đi học. Năm học lớp 9, Ngân mấy lần hỏi cha mẹ về việc tính chuyện vào bờ để học THPT, hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau, đắng họng. Khi nghe tin có lớp 10 ở Thạnh An, Ngân mừng hết lớn”.
|
Lớp học như mơ trong giờ tiếng Anh của thầy Toàn |
Trước đây, học trò ở Thạnh An ngược đò về Cần Thạnh đã khó khăn, học trò từ ấp Thiềng Liềng (đảo nhỏ, cách Thạnh An 45 phút đường đò) đi học THPT còn gian nan hơn. Bởi đoạn đường biển từ Thiềng Liềng về Cần Thạnh xa gấp đôi từ Thạnh An về trung tâm Cần Giờ.
Trong lớp 10 đầu tiên ở Thạnh An, có hai HS đến từ ấp Thiềng Liềng. Để kịp giờ học, hai HS này phải dậy từ 4g30 mỗi ngày, hơn 7g tối mới về đến nhà. Đón tôi ở bến đò, ông Nguyễn Văn Yến (Sáu Yến) - Bí thư chi bộ ấp Thiềng Liềng say sưa nói về lớp 10 ở Thạnh An. Ông Sáu đến sinh sống ở Thiềng Liềng từ năm 20 tuổi. Trải qua gần 30 năm ở đây, ông chứng kiến bao đứa trẻ lớn lên, đi học, biết được vài chữ là “rụng”, vì Thiềng Liềng chỉ có một trường vừa là mẫu giáo vừa là tiểu học.
Muốn học lên nữa phải đi đò rất xa. Đặc biệt, mùa gió chướng (khoảng tháng 11 đến tháng 1 năm sau), sóng rất dữ, HS đi học về mà bơ phờ như đi đánh trận. Vì vậy, khi con cái đòi bỏ học, cha mẹ cũng dễ tặc lưỡi chấp nhận. “Tụi tui vẫn thường nói vui với nhau, tụi nhỏ đi Thạnh An học THCS và đi Cần Thạnh học THPT, có học giỏi mấ y thì trên đường về cũng bị sóng đánh rơi mất chữ. Nhưng bây giờ đỡ nhiều rồi”.
Ông Sáu Yến dẫn tôi đến nhà của Nguyễn Trọng Thảo - một trong hai HS ở Thiềng Liềng đi đò sang Thạnh An học lớp 10. Chị Huỳnh Thị Liên (mẹ Thảo) không giấu được tự hào: “Thằng bé có hiếu lắm. Năm học lớp 7, thấy nhà nghèo, anh trai bệnh nặng, Thảo tự động nghỉ học để về phụ mẹ. Bỏ học được một năm, thấy gia đình ổn ổn, Thảo tự động soạn tập vở, nói với mẹ một câu gọn lỏn là “con lại đi học”, cứ vậy mà đi. Giờ vô lớp 10, Thảo chỉ dám xin mẹ 30.000đ để đi đò và ăn trưa. Đi học về, dù rất mệt nhưng cũng tự động ra rừng bắt sia (ngán), bán kiếm tiền phụ mẹ. Cũng may là có lớp 10 ở Thạnh An chứ vô Cần Thạnh học là thua”.
Trong căn nhà cũ nát, á nh mắt chị Liên bừng lên tia hy vọng, như khở i đầu nuôi một lối thoát: từ đây, Thảo sẽ học tấn tới, gia đình chị trông chờ đứa con trai ham học một ngày nào đó sẽ mở đường thoát dần những nhọc nhằn.
Sự kiện lịch sử của Thạch An
Ông Hai Chào đã 72 tuổi, là một trong những người sống lâu năm nhất ở Thạnh An. Đã 35 năm nay, ông đều đặn mỗi ngày lái đò xuôi ngược Thạnh An - Cần Thạnh, chứng kiến bao thay đổi của quê hương. Thấy học trò đi học vất vả, ông chủ động tính giảm phân nửa tiền vé. Ông Hai thương học trò nghèo phải đi đò xa đến trường, chính ông cũng chứng kiến không biết bao nhiêu học trò “bỗng một ngày bước lên đò mà không còn mặc áo trắng”.
Con trai ông cũng qua Cần Thạnh học THPT được một năm thì nghỉ ngang vì vất vả. “Tui mất một số lượng lớn khách đi đò, đó là những HS qua Cần Thạnh học THPT . Nhưng tui mừng cho tụi nhỏ. Cái vụ Thạnh An có lớp 10, rồi sang năm có trường THPT là sự kiện lịch sử chứ giỡn!” - ông cười móm mém, mắt người già như trẻ lại.
Là một trong những giáo viên xung phong qua Thạnh An công tác, thầy Trần Quốc Toàn (giáo viên tiếng Anh) phải dậy từ 5g30 mỗi sáng để kịp đò. Thầy Toàn chia sẻ: “Một trong những điều khiến giáo viên đau lòng là chứng kiến HS bỏ học. Nhiều HS ở Thạnh An bỏ học vì phải đi xa, nay có lớp ngay trên đảo thì quá hay. Các thầy chịu khó một chút cũng không sao”.
Thầy Toàn cùng các thầy cô khác như thầy Bắc (dạy lý), cô Vân (dạy hóa), thầy Tín (dạy toán) đều là những giáo viên kỳ cựu hoặc tổ trưởng tổ chuyên môn của Trường THPT Cần Thạnh qua Thạnh An dạy. Sự phấn khởi của phụ huynh, HS khiến các thầy cô thêm hăng hái.
Thầy Lê Minh Nhựt (Phó hiệu trưởng Trường THCS Thạnh An) cho biết, ban đầu, nhà trường phải tập hợp phụ huynh có con em vừa kết thúc lớp 9 lại để thăm dò tâm tư, nguyện vọng. Nhiều phụ huynh lo ngại lớp 10 ở Thạnh An sẽ không được chất lượng như lớp 10 ở Cần Thạnh.
Thế nhưng, nhà trường đã cho thấy, thực tế, chất lượng giảng dạy lớp 10 ở Thạnh An không kém lớp 10 ở Cần Thạnh, bởi chủ trương của ban giám hiệu Trường THPT Cần Thạnh là ưu tiên chăm chút cho lớp 10 đầu tiên của Thạnh An, cử những giáo viên giỏi nhất qua Thạnh An công tác.
“Theo kế hoạch, năm học 2017-2018, đảo Thạnh An sẽ có hẳn một trường THPT. Hiện hoạt động dạy và học của lớp 10 học tạm trong Trường THCS Thạnh An đang diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp. Chỉ có môn giáo dục quốc phòng và các tiết thực hành thí nghiệm là chưa thể tổ chức ở Thạnh An, HS phải qua Cần Thạnh. Sang năm, ngôi trường mới sẽ đảm bảo toàn bộ chương trình cho HS THPT ở đây” - ông Dương Văn Thư - Trưởng phòng Giáo dục H.Cần Giờ phấn khởi cho biết.
|
Bà Loan đang dần thất nghiệp vì không phải "đưa cơm",nhưng bà vẫn vui |
10g30, tôi đến bến đò để về đất liền, bị thu hút bởi một người phụ nữ đang gom những túi ni lông, mỗi túi đều có cơm, có túi còn kèm quần áo, tiền. Đó là bà Lê Thị Hoàng Loan, đang hành nghề “đưa cơm”. Cách đây 10 năm, bà Loan cũng có con học nội trú ở Cần Thạnh. Thương con, mỗi trưa, bà đón đò qua Cần Thạnh để đưa cơm cho con trai. Một vài người hàng xóm có con học ở Cần Thạnh cũng nấu cơm, gửi bà xách theo. Dần dà, phụ huynh cả xã gửi bà đưa cơm, mỗi người dúi cho bà 2.000đ/suất. Vậy là bà có nghề “đưa cơm”.
Trưa nay, trên bến đò Thạnh An, giỏ cơm trên tay bà đã vơi hẳn vì HS lớp 10 đã không phải vượt biển đi học nữa, bà chỉ đưa cơm cho học sinh lớp 11 và 12 ở Cần Thạnh. “Sang năm, xây xong trường THPT, lớp 11, 12 cũng về đây học, cô thất nghiệp thì sao?”. “Mừng cho tụi nhỏ chứ, mừng cho cả cha mẹ tụi nhỏ nữa, bao năm cơ cực, giờ hết rồi. Tui có thất nghiệp cũng không sao, thất nghiệp mà vui đó!” - bà Loan cười lớn, tiếng cười sảng khoái trong lồng lộng gió trưa ở cửa biển Cần Giờ.
Trần Triều