Sóng không chỉ từ biển

10/05/2014 - 06:47

PNO - PN - Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng mới đây đã nói: “Không đòi Hoàng Sa được bây giờ, thì con cháu sẽ đòi”.

Lời đanh thép cũng là tấc lòng của toàn dân, của người trên đất liền, đêm ngày ngóng ra biển, dõi theo những con tàu mang dáng hình Tổ quốc, rẽ sóng không hề đơn độc, để giữ gìn từng cột mốc thiêng liêng. Giàn khoan phi pháp đó làm sao đứng vững bằng những dòng huyết lệ của ngư dân Lý Sơn: “Hoàng Sa đi có về không. Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”. Ra đi là để trở về. Ra đi là để cõi bờ yên. Ra đi để chứng minh cho thiên hạ biết: Không giàn khoan nào, không phòng tuyến phi pháp nào mạnh bằng lòng dân Việt.

Song khong chi tu bien 

Mọi người dân đều nóng lòng theo dõi tin tức, diễn biến tình hình Biển Đông qua màn ảnh nhỏ

Tôi gọi cho ngư dân trẻ Bùi Văn Phải ở Lý Sơn. Anh là người đã kiên quyết bảo vệ cờ Tổ quốc khi bị tàu Trung Quốc bắn cháy ở Hoàng Sa vào tháng 3/2013. “Em từ Hoàng Sa về được ba ngày. Mùa này cá ít, lại rớt giá, nên chỉ đủ phí tổn thôi. Chỗ giàn khoan trái phép của Trung Quốc à? Có, em chạy tàu qua đó, nó dùng tàu đuổi ra xa cách chừng năm-sáu hải lý. Tàu nó che giàn khoan, không cho mình lại gần nên tụi em phải chạy vòng, mất thời gian. Kệ nó chứ, biển của mình, như ngoài Hoàng Sa đó, nó đóng đồn, làm sân bay, kệ, mình cứ đi làm, bao nhiêu năm rồi, đâu bỏ được”. Giọng của Phải vẫn bình thản như ngày nào. Tôi hỏi tiếp: “Không sợ nhưng có lo không?”. “Lo hay không lo cũng không nằm bờ”.

Song khong chi tu bien

Song khong chi tu bien

Cả nước đang xôn xao chuyện Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhìn trên bản đồ, quá gần Lý Sơn. Không ai nhạy chuyện này bằng chính những ngư dân miền Trung. Ngư dân Phạm Văn Thạch, chủ đôi tàu QNg 92124 và QNg 92125 ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan nằm ngay trên hải trình từ Lý Sơn ra vùng biển Hoàng Sa, nên để ra ngư trường truyền thống, ngư dân Quảng Ngãi phải đi vòng để tránh giàn khoan phi pháp này, hao tốn thêm nhiên liệu.

Nhưng, đâu chỉ là tốn kém. Hoàng Sa vốn đã không yên, nay lại nổi sóng dữ. Biển đảo của cha ông truyền đời, con cháu đâu thể khoanh tay nhìn ngoại bang lấn chiếm. Khi nghe ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Cảnh sát biển phát biểu: “Mọi sự nhẫn nhịn đều có giới hạn”, chắc chắn người nghe sẽ rung lên những con sóng đồng cảm. Tổ quốc là trên hết. Chúng ta hòa hiếu, thân thiện, kiềm chế, nhưng cương thổ quốc gia là bất khả xâm phạm. Súng chưa nổ, nhưng máu của kiểm ngư đã đổ, tàu của Cảnh sát biển Việt Nam đã hư hại. Thái độ thiện chí là hành xử của người có văn hóa, nhưng đó cũng là lời cảnh báo: Đừng “được đằng chân lân đằng đầu”. Một ý kiến của người Việt tại Hoa Kỳ về việc này, ngắn gọn: “Một trong những đặc điểm của dân Việt Nam là chiến đấu đến cùng, mà điều này, mấy ngàn năm qua Trung Quốc đã rõ!”.

Song khong chi tu bien
Ngư dân Bùi Văn Phải quyết giữ lá cờ Việt Nam

Sức mạnh của dân Việt là đoàn kết và yêu nước. Lịch sử cho thấy, khi Tổ quốc lâm nguy, người dân có thể hạ nhà cửa, bàn thờ tổ tiên xuống để lập phòng tuyến ngăn bước quân thù. Mỗi người dân đều biết từng tấc đất đều có máu và nước mắt bao thế hệ. Nếu có rơi vào tay ngoại bang, thì cũng chỉ tạm thời. Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng mới đây đã nói: “Không đòi Hoàng Sa được bây giờ, thì con cháu sẽ đòi”.

Lời đanh thép cũng là tấc lòng của toàn dân. Những ngư dân như Bùi Văn Phải, tay trắng trở về vì những loạt đạn của kẻ cướp, nhưng đâu chịu ngồi bờ. Họ lại ra khơi bám biển, bởi mọi ngư dân khác đều hiểu, bên họ còn có triệu triệu tấm lòng và trái tim của dòng máu Lạc Hồng. Giàn khoan phi pháp đó làm sao đứng vững được: “Hoàng Sa đi có về không. Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”. Ra đi là để trở về. Ra đi là để cõi bờ yên. Ra đi để chứng minh cho thiên hạ biết: không giàn khoan nào, không phòng tuyến phi pháp nào mạnh bằng lòng dân Việt.

“Dạo này sóng êm phải không em?”. Bên kia điện thoại, giọng Phải nhẹ nhàng: “Dạ, cũng tương đối anh, nhưng quen rồi”. Tôi muốn nói với Phải, trên suốt dải đất hình chữ S này hiện cũng đang nổi sóng.

 Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI