Khá lên nhờ trồng rau má
Sau cơn bão số 4 (bão Noru) vào cuối tháng 9/2022, những ruộng rau má trải dài khắp các thôn La Vân Hạ, Phò Nam A, Tân Xuân Lai, Phước Yên của xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn xanh mướt. Trước đây, cánh đồng 100ha ở xã Quảng Thọ thường bị bỏ hoang trong mùa lũ nhưng nay, nông dân chuyển sang trồng rau má rất hiệu quả.
|
Bà Nguyễn Thị Ái Trinh, làng La Vân Thượng, bên ruộng rau má của mình - Ảnh: T.H. |
Ông Hoàng Công Phong - Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ - nói: “Huyện Quảng Điền là vùng trũng. Mùa lũ, nước ngập trắng đồng, bà con nông dân phải lo chống lũ, chống bão, không ai làm ra tiền. Riêng bà con xã mình trồng rau má, mùa lũ lại bán được giá nhất trong năm. Những người không có đất trồng rau má thì phụ nhổ cỏ, nhổ rau cho thương lái, cũng có thu nhập từ 100.000-120.000 đồng/ngày”.
Đi thăm các làng trồng rau má, chúng tôi được nghe kể về lịch sử trồng rau má trên rốn lũ Quảng Điền. Ông Hoàng Công Thương - người làng La Vân Hạ, một trong những người đầu tiên trồng rau má ở xã Quảng Thọ - nhớ lại sau đợt lũ lụt kinh hoàng năm 1999, người dân đi lên núi Phong Mỹ, tình cờ tìm thấy cây rau má, đưa về trồng thử, ai ngờ rau phát triển tốt, mùi vị thơm ngon.
“Vừa rồi, đoàn cán bộ ban quản lý di tích Thành Nhà Hồ đến xã Quảng Thọ thăm bà con trồng rau má. Bà con xã Quảng Thọ đã gửi tặng rau má cho đoàn khách đem về. Hiện rau má này được trồng nhiều ở di tích Thành Nhà Hồ, xã Vĩnh Long, H.Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa” - ông Thương kể.
Hiện tại, xã Quảng Thọ có 500 hộ trồng rau má với diện tích 140ha. Nông dân xã Quảng Thọ trồng rau má quanh năm chứ không chỉ trong mùa mưa lũ. Rau má của họ được bán không chỉ trong tỉnh mà còn được đưa đến TPHCM, các tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên và nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Ngoài rau má tươi, nông dân còn bán trà rau má.
Với nghề trồng rau má, người dân có thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Có người nhờ cây rau má mà xây được nhà lầu, tạo việc làm cho cả chục người khác, như gia đình ông Nguyễn Đình Thạch ở thôn Phước Yên.
Bà Nguyễn Thị Ái Trinh - ở làng La Vân Thượng, xã Quảng Thọ - nói: “Mùa mưa lũ năm nay, rau má được giá, giá bán sỉ cho thương lái là 10.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với mùa hè nên bà con đỡ vất vả. Mỗi ngày, nhà tôi hái hơn 30kg, bán sỉ cũng được trên 300.000 đồng, đủ lo tiền chợ, nuôi con. Ở đây, bà con chỉ sợ lụt ngâm cả tháng, chứ nước ngâm đôi ba ngày thì rau má vẫn xanh tốt, chúng tôi chỉ cần phun nước rửa sạch bùn”.
Cây chuối tiêu cho thu nhập ổn định
Quê ở vùng trũng xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tốt nghiệp Khoa Bảo quản và Chế biến, Trường đại học Nông Lâm thuộc Đại học Huế, anh Trương Quý Sang đã cùng em trai lên vùng rú (động) cát của xã Quảng Vinh làm trang trại sau nhiều lần chứng kiến cảnh nước lụt cuốn trôi heo, gà, làm hỏng hàng tấn lúa của gia đình.
|
Nhờ trồng chuối tiêu chị Trần Thị Bình, ở tổ dân phố Lại Bằng 1, phường Hương Vân, đã vơi bớt nỗi lo cơm gạo khi mùa lũ về - Ảnh: T.H. |
Với diện tích hơn 2ha, anh Sang chia thành nhiều khu vực để nuôi gà, heo, chim yến và trồng dừa. Do rú cát cao, không bị ngập mỗi khi có lũ nên nhiều người cũng theo anh Sang lên rú cát lập nghiệp. Anh Sang nhẩm tính: “Trong những tháng mưa lũ, mỗi tháng, tôi bán được khoảng 80 con heo. Trừ chi phí, nguồn lãi từ trang trại là hơn 50 triệu đồng/tháng. Ở đây không lo gì mưa lũ, chứ ở quê mùa này mưa gió triền miên, chẳng biết làm gì ra tiền”.
Trong những ngày đến những vùng đất ngập lụt ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, tôi ấn tượng với mô hình trồng chuối tiêu ngắn ngày của phụ nữ phường Hương Vân, thị xã Hương Trà. Phường này hiện có khoảng 15ha chuối tiêu do 200 hội viên phụ nữ trồng.
Chị Cao Thị Vân - Chủ tịch Hội LHPN phường Hương Vân - cho biết chuối tiêu là cây trồng ngắn ngày, nhanh cho thu hoạch lại dễ chăm bón, dễ tiêu thụ nên được chị em trong phường trồng nhiều. Trước đây, người dân P.Hương Vân chủ yếu trồng cây thanh trà nhưng do lũ lụt nên phần lớn cây thanh trà bị úng, chết. Nếu trồng lại thanh trà, chi phí đầu tư lớn, lại phải mất nhiều năm, cây mới cho trái. Thế là nhiều chị em chuyển sang trồng chuối tiêu.
“Bình quân mỗi sào, chị em trồng từ 70-80 gốc chuối tiêu. Giá mỗi buồng chuối tiêu hiện nay dao động từ 60.000-100.000 đồng. Nhờ bán chuối tiêu, chị em có tiền trang trải cuộc sống và lo cho con cái học hành” - chị Vân phấn khởi.
Ông Đỗ Văn Đính - Chủ tịch Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý Khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên - Huế - cho biết vào mùa mưa lũ, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 8.000ha đất ruộng bị ngập, tập trung ở những vùng thấp trũng thuộc các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang và một số phường, xã của thị xã Hương Thủy, Hương Trà. Mực nước lũ thường cao hơn 1m và kéo dài suốt từ tháng 9-12 dương lịch. Trong mùa mưa lũ, bà con không thể làm nông. Sau nhiều năm khảo nghiệm, nghiên cứu, ngành thủy lợi cũng như ngành nông nghiệp vẫn chưa tìm ra được giải pháp hữu hiệu giúp người dân vùng trũng có được thu nhập trong mùa mưa lũ. “Ngành nông nghiệp cũng mong muốn tìm ra giống cây trồng phù hợp với vùng đất ngập lũ, nhưng đến nay vẫn lực bất tòng tâm” - ông nói. |
Thuận Hóa