Trong nguy có cơ
Sản phẩm bánh tráng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh (TPHCM) đã xuất khẩu sang hơn 40 nước nhưng lại gặp khó khăn khi chào bán ở các cửa hàng trong nước. Ông Lê Duy Toàn - giám đốc công ty - cho hay, khi dịch COVID-19 xảy ra, ông và cộng sự chuyển hướng vào thị trường trong nước. Chỉ sau sáu tháng, sản phẩm đã phủ khắp hơn 30 tỉnh, thành và có mặt ở hầu hết các kênh thương mại điện tử lớn. Thói quen mua nhiều một lần thay vì mua lẻ trong mùa dịch đã giúp doanh nghiệp nhanh chóng mở rộng thị phần.
|
Nhiều doanh nghiệp chớp nhanh cơ hội để mở rộng sản xuất, kinh doanh giữa đại dịch COVID-19 |
Theo ông Toàn, với những cửa hàng đã có sẵn nguồn hàng từ các nhà cung cấp khác, ông vẫn kiên trì chào hàng. Khi dịch xảy ra, các nhà cung cấp khác gặp khó khăn, không tiếp tục sản xuất, các cửa hàng bắt đầu tiếp nhận sản phẩm của công ty ông.
Với thị trường xuất khẩu, Công ty Duy Anh cũng có những cơ hội mới. Trước đây, sản phẩm hầu như chỉ xuất khẩu dưới dạng gia công cho thương hiệu nước ngoài. Dịch bùng phát, đối tác không nhập khẩu được nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất bao bì trong khi nhu cầu khách hàng tăng đột biến trong mùa dịch, do đó, họ chấp nhận cho công ty xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu của Duy Anh. Tận dụng thời cơ, ông Toàn nhanh chóng nghiên cứu, phát triển thêm các sản phẩm bánh tráng, bún, phở dưa hấu, thanh long mang thương hiệu Việt (Mr Rice và Duy Anh).
Ngay sau khi chào hàng bún dưa hấu, bánh tráng thanh long, khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Canada đã đặt tổng cộng gần 20 tấn sản phẩm. Nhờ đó, lượng hàng xuất khẩu tăng 50-60% so với trước dịch, hơn 100 công nhân vẫn làm việc ổn định.
“Dịch COVID-19 là nguy cơ, khó khăn, thử thách đối với rất nhiều doanh nghiệp, nhưng công ty tôi sản xuất mặt hàng thiết yếu nên tôi nghĩ, nếu không chớp lấy cơ hội này để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong nước và trên thế giới thì sẽ không còn dịp nào tốt hơn” - ông Toàn chia sẻ.
Cũng biến khó khăn thành cơ hội, bà Nguyễn Ngọc Hương - Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt (TPHCM) - vừa mở thêm một nhà máy sản xuất bột rau sấy lạnh (rau má, diếp cá, tía tô, chùm ngây, lá sen, trà xanh…) ở H.Củ Chi với diện tích 500m2 sau khi nhà máy thứ nhất (1.000m2) đã hoạt động hết công suất mà vẫn không đủ sản phẩm cung ứng cho thị trường. Số nhân công cũng tăng lên gấp đôi, hiện lên 40 người, thu nhập ổn định.
Theo bà Hương, khi dịch xảy ra, người tiêu dùng càng quan tâm đến sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Nhờ vậy, lượng khách, đơn hàng trong và ngoài nước tăng lên gấp ba lần so với trước dịch. Nắm bắt cơ hội này, bà Hương đẩy mạnh việc đưa sản phẩm đến tận các xã, ấp trong nước. Chỉ trong mùa dịch, ở các tỉnh phía Bắc, số điểm giao dịch đã tăng gấp đôi, lên 450 điểm. Công ty còn phát triển chuỗi cửa hàng bán nước rau má pha mang đi, và bà Hương tính sẽ phát triển, nhượng quyền kinh doanh mô hình này. Kế hoạch này được lên ý tưởng, xúc tiến chỉ trong vòng một tháng, ngay trong mùa dịch.
Hiện, sản phẩm của công ty đã phủ khắp cửa hàng chuyên doanh thực phẩm sạch ở miền Nam, miền Trung và có mặt trong một siêu thị lớn ở TP.Đà Nẵng. Bà Hương cho biết, đưa hàng vào siêu thị lúc bình thường đã khó, trong mùa dịch lại càng khó hơn, nhưng may mắn là khách hàng muốn mua bột rau sấy lạnh của công ty; từ nhu cầu của khách, siêu thị duyệt sản phẩm của công ty.
Tạo sản phẩm và tìm thị trường mới
Bà Hương cho biết, giữa cao điểm dịch bệnh, công ty vẫn xuất khẩu bột rau sấy lạnh các loại sang Hà Lan với đơn hàng gần 30.000 sản phẩm và xuất khẩu đều đặn 500kg bột rau sấy mỗi tháng sang Ấn Độ, Hàn Quốc. Hiện, đối tác ở Mỹ đang gửi bao bì và làm các thủ tục để công ty xuất khẩu 5.000 sản phẩm sang thị trường này. Nhật Bản là thị trường tiếp theo mà bà Hương nhắm tới.
“Dịch bệnh gây nhiều khó khăn nhưng cũng tạo ra không ít cơ hội. Tôi thấy các mặt bằng cho thuê có giá rẻ hơn. Chủ mặt bằng sẵn sàng giảm 20-30% giá thuê nên mình cũng tranh thủ mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là khi sản phẩm đang được thị trường đón nhận” - bà Hương nói.
Ông Nguyễn Viết Hồng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển khoa học công nghệ Vi Na (Vina CHG) - cho rằng, những khó khăn từ dịch bệnh tạo cơ hội để tăng nhập khẩu nguyên liệu, đầu tư vào tem chống hàng giả. Công ty còn sản xuất thêm sản phẩm chăm sóc sức khỏe làm từ nhung hươu, yến…
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T Group - cho hay, công ty của ông tập trung cải tiến công nghệ bảo quản trái cây lên tới 45 ngày và đẩy mạnh mở rộng showroom trái cây trong nước, bán hàng online, giao tận nơi và sắp tới sẽ mở thêm cửa hàng trái cây xuất khẩu thứ hai tại TPHCM.
Cũng chọn thời điểm này để khai trương chuỗi cửa hàng mỹ phẩm chuyên doanh sản phẩm chính hãng tại TP.HCM, ông Lê Hữu Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty AB Beauty World - lý giải: “Chúng tôi khảo sát thấy chưa bao giờ dễ tìm mặt bằng đẹp và có giá rẻ như bây giờ, giá cả được đàm phán nhanh chóng và nguồn nhân sự cũng dồi dào, tuyển dụng nhanh gọn. Chúng tôi và các đối tác dễ thương lượng các chính sách, cùng hỗ trợ nhau để phát triển, vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 gây ra”.
Ông Nghĩa cho rằng, nếu sợ khó khăn mà đóng cửa, sẽ có rất nhiều người thất nghiệp, kinh tế sẽ tăng trưởng kém. Do đó, cần tìm cơ hội trong khó khăn để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Đồng tình, ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - đánh giá có rất nhiều doanh nhân không lùi bước trước khó khăn, kiên trì để tự cứu công ty mình trước và sau là giúp đội ngũ lao động có việc làm ổn định. Trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp vẫn lên kế hoạch duy trì sản xuất, chủ động tìm nguồn nguyên liệu, tìm đơn hàng mới, thay đổi sản phẩm và nhờ vậy, họ đã biến khó khăn thành cơ hội, tiếp tục lèo lái công ty phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.
Việt Nam nằm trong nhóm tăng trưởng kinh tế mạnh nhất Đông Nam Á
Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới vừa công bố, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, GDP của Việt Nam tăng 1,6% trong năm 2020, mức cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Myanmar (2%). Việt Nam cũng nằm trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương tại châu Á trong đại dịch COVID-19.
Theo IMF, GDP của Việt Nam sẽ đạt quy mô hơn 340 tỷ USD trong năm 2020, vượt qua Singapore (hơn 337 tỷ USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư tại Đông Nam Á. Indonesia vẫn là nền kinh tế lớn nhất khu vực với quy mô GDP 1.088 tỷ USD, theo sau là Thái Lan và Philippines lần lượt đạt hơn 509 tỷ USD và 367 tỷ USD.
Cũng theo dự báo của IMF, GDP năm 2021 của Việt Nam tăng 6,7%, sau Philippines - quốc gia được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ nhất, đạt mức 7,4%. Thái Lan, Indonesia, Singapore có mức tăng trưởng lần lượt là 4%, 6,1% và 5% trong năm 2021. |
Nguyễn Cẩm