Sống khổ ải ở nơi có “nguồn lợi trời ban”

16/03/2024 - 06:26

PNO - Miền Trung là nơi có nhiều mỏ khoáng sản với trữ lượng lớn. Cư dân sống ở những nơi có các “nguồn lợi trời ban” này lẽ ra có cuộc sống sung túc thì ngược lại, phải sống khổ sở do việc khai thác bừa bãi hoặc nửa vời.

Có mỏ vàng, đồi núi tan hoang

Đồi núi ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam bị đào bới nham nhở để tìm vàng ẢNH: LÊ ĐÌNH DŨNG
Đồi núi ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam bị đào bới nham nhở để tìm vàng - Ảnh: Lê Đình Dũng

Đầu tháng 3/2024, chúng tôi có mặt ở mỏ vàng Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Ở khu vực đóng cửa mỏ cách trung tâm xã Tam Lãnh khoảng 7km, có một chốt trực của công an xã. Từ chốt này đi sâu vào 2km, có một chốt trực của công an huyện, vào thêm 4km nữa lại có chốt của công an tỉnh.

Dù có chốt canh nhưng các đối tượng khai thác lậu vẫn lộng hành. Họ không mót vàng trong hầm lò hay đãi vàng sa khoáng dưới suối như trước mà xới tung toàn bộ đất mặt để lọc vàng. Cả một vùng đồi núi mênh mông bị đào bới nham nhở, cây cối bị chặt phăng. Ống nước, dây điện được dẫn ngang dọc lên khắp các ngọn đồi; bao bì đựng hóa chất bị vứt ngổn ngang.

Ông Vũ Văn Thẩm - Bí thư Huyện ủy huyện Phú Ninh - nói: “Vàng bây giờ có giá quá, tăng liên tục. Trước đây, người ta không bỏ công đào bới, sàng lọc 1m3 đất nếu chỉ thu được 1 phân vàng. Còn bây giờ, do vàng có giá nên họ sẵn sàng làm”. Ông cho biết, ở bãi vàng, có khi cả ngàn người tụ tập khai thác trái phép. Lực lượng chức năng của tỉnh và huyện đã ra sức đẩy đuổi, truy quét nhưng có lúc đạt hiệu quả, có lúc không. 

Dù đã đóng cửa, mỏ vàng Bồng Miêu (tỉnh Quảng Nam) vẫn tan hoang do có đông người đào đãi vàng trái phép - ẢNH: LÊ ĐÌNH DŨNG
Dù đã đóng cửa, mỏ vàng Bồng Miêu (tỉnh Quảng Nam) vẫn tan hoang do có đông người đào đãi vàng trái phép - Ảnh: Lê Đình Dũng

Ông Nguyễn Văn Sự - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh - cho biết, đa số người khai thác vàng trái phép là cư dân địa phương, làm theo kiểu mùa vụ. Họ thường đi theo nhóm 3-4 người. Họ nắm rõ mọi động tĩnh của cán bộ xã nên khi cán bộ xã tập trung cho công việc khác, họ liền đua nhau đi đào vàng, xả rác và hóa chất xuống sông suối gây ô nhiễm môi trường. Năm 2023, UBND xã tổ chức trên 43 lượt truy quét, tiêu hủy phương tiện đào đãi vàng trái phép.

Ông kiến nghị: “Cần có một đơn vị có pháp nhân vào đầu tư, khai thác lượng vàng còn lại trong mỏ để giải quyết công ăn việc làm cho người dân, giảm bớt diện tích mà chính quyền địa phương phải quản lý. Trước đây, Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu được giao 386ha nhưng thực tế, diện tích có chứa vàng rộng hơn”.

Những năm gần đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã nhiều lần gửi công văn cho UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, phản ánh với tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Đakrông do nạn khai thác vàng trái phép ở xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế gây ra. Trước đây, Công ty cổ phần Đông Trường Sơn được cấp phép thăm dò khoáng sản ở xã Hồng Thủy nhưng đã kết thúc hoạt động này vào năm 2017. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xác nhận, có tình trạng một số người dân xã Hồng Thủy khai thác vàng trái phép.

Ông Phan Quý Phương - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, quá trình khai thác rừng và khai thác vàng trước đây đã khiến đất bị bóc lớp thực bì nên khi mưa lớn, đất sạt lở xuống các khe suối làm nước có màu đỏ đục. Màu này không phải do ô nhiễm từ hoạt động khai thác vàng trái phép hiện nay. 

Không thể xây nhà mới do vướng quy hoạch mỏ sắt, 15 người trong gia đình 4 thế hệ của ông Nguyễn Văn An (xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) phải chen chúc trong ngôi nhà cũ kỹ - ẢNH: PHAN NGỌC
Không thể xây nhà mới do vướng quy hoạch mỏ sắt, 15 người trong gia đình 4 thế hệ của ông Nguyễn Văn An (xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) phải chen chúc trong ngôi nhà cũ kỹ - Ảnh: Phan Ngọc

Vướng mỏ sắt, cả vùng không thể phát triển 

Bà Hoàng Thị Lan - cư dân xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh - lắc đầu nói khi nhắc đến dự án khai thác sắt Thạch Khê: “Chúng tôi chỉ muốn biết họ còn làm nữa hay không để sớm ổn định cuộc sống, chứ thế này thì khổ quá”. Hơn 10 năm qua, từ ngày có dự án mỏ sắt, ruộng đồng bị sa mạc hóa, nước phèn vượt ngưỡng cho phép, không thể tách thửa, làm nhà…

Ông Trần Văn Chiến - 60 tuổi, ở xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà - cũng cho hay, quá trình khai thác sắt đã khiến mạch nước ngầm bị tụt, đất đai cằn cỗi. Người dân không thể làm nông nghiệp được do mùa nắng thì thiếu nước, mưa thì ngập úng. 

Thạch Hải là 1 trong 5 xã của huyện Thạch Hà nằm trong vùng quy hoạch của dự án mỏ sắt. Theo kế hoạch, toàn bộ hơn 1.000 hộ dân của xã này phải di dời để nhường đất cho dự án. Cũng vì thế, nhiều năm qua, xã này không được đầu tư cơ sở hạ tầng, người dân không thể tách thửa, xây nhà, chỉ có thể chờ đền bù, di dời đến khu tái định cư.

Như hộ ông Nguyễn Văn An có 15 người thuộc 6 gia đình, 4 thế hệ phải chen chúc trong căn nhà 100m2 mà không thể tách hộ. Xã Thạch Hải có bờ biển dài, bãi cát phẳng nhưng không thể phát triển du lịch do vướng dự án mỏ sắt, không thể đầu tư phát triển hạ tầng, khách sạn, dịch vụ ăn uống, lưu trú.…

Ông Bùi Đình Lâm - Chủ tịch UBND xã Thạch Hải - cho biết, toàn xã có hơn 230 hộ phải sống chật vật, chen chúc 3-4 thế hệ trong 1 căn nhà. UBND xã đã nhiều lần đề xuất chính quyền huyện, tỉnh quy hoạch vùng đất tái định cư nhưng do chưa rõ “số phận” dự án ra sao nên cấp trên cũng chỉ ậm ừ.

Ông Trần Hậu Thành - Phó chủ tịch UBND xã Thạch Khê - cho hay, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê “treo” quá lâu không chỉ khiến dân khổ mà chính quyền địa phương cũng rất vất vả. Trụ sở của UBND xã xuống cấp trầm trọng, thiếu phòng làm việc nhưng không thể xây mới hay sửa chữa do vướng dự án mỏ sắt. Đã vậy, năm nào, UBND xã cũng phải thuê máy múc về gia cố lại bờ bao của dự án để tránh nước lũ tràn vào làm hư hỏng hoa màu của dân. 

Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà, gồm Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc. Dự án do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, bắt đầu khai thác từ năm 2008. Tháng 11/2021, Chính phủ cho dừng dự án để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật, cơ cấu lại cổ đông. Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục có văn bản gửi Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đề nghị chấm dứt dự án này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - nói, nếu tiếp tục triển khai dự án thì hệ lụy về môi trường sẽ rất lớn: “Sự cố môi trường ở Formosa đã là bài học lớn, giờ nếu tiếp tục xảy ra sự cố môi trường nữa thì làm sao phát triển được. Nếu dừng dự án khai thác sắt, UBND tỉnh sẽ mở rộng thành phố về hướng này, thu hút phát triển du lịch. Nhưng bây giờ, chúng tôi vẫn đang phải chờ ý kiến của cấp trung ương”. 

Bồng Miêu từng là mỏ vàng lớn nhất nước, được phát hiện và khai thác từ thời Pháp thuộc. Năm 2005, Công ty Bồng Miêu được cấp phép khai thác nhưng đến năm 2017 báo lỗ, tuyên bố phá sản. Cuối năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu đóng cửa 42 lò trái phép. Phát hiện thêm 36 lò trái phép, ngày 30/11/2023, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục đề nghị bộ tiếp tục đóng cửa 36 lò này.


 

 Đình Dũng - Phan Ngọc - Ngọc Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI